Thời bao cấp thiếu thốn, ngoài những ám ảnh về việc xếp hàng mua lương thực hay mất sổ gạo thì có một nỗi ám ảnh khác “đến kiếp sau cũng không thể quên” mang tên “nhà vệ sinh công cộng”.
“Nội thất” đơn sơ của nhà vệ sinh công cộng
Gọi là “nhà vệ sinh” cho sang, thực chất nó đúng nghĩa là cái hố xí công cộng được cấu tạo từ một cái lỗ đi cầu, phía dưới lỗ hiện đại thì là đường cống, dân dã hơn là cái xô đựng tro hoặc đất để chứa phân. Hai bên lỗ là hai viên gạch chụm hình chữ V cho người “trút bầu tâm sự” để chân. Không có lựa chọn nào khác cho dáng ngồi hố xí lúc ấy ngoài ngồi xổm.
Một khu nhà vệ sinh công cộng có từ thời bao cấp
Hố xí công cộng thời đó thường có ở các khu tập thể cơ quan, trường học, xí nghiệp,… Cả dãy nhà mới có một khu nhà vệ sinh chừng 4 – 5 ô như thế. Có nhiều nơi, để người “trút bầu tâm sự” bớt cô đơn và lắng nghe lẫn nhau, người ta làm hố xí đôi đối diện nhau. Hai người vừa đi vệ sinh vừa bình luận chuyện quốc tế, gia tăng tình đoàn kết dân tộc.
Giấy vệ sinh thời đó là những tờ báo cũ được tận dụng. Người trong đó vừa giải quyết nỗi buồn lại vừa nghiên cứu tình hình chính sự, đôi lúc cũng thấy thật thư thái và thi vị. Khi không có báo, người ta dùng sách vở cũ của trẻ con trong nhà, đôi lần cũng phát hiện ra những “sự thật khủng khiếp” được giấu giếm bấy lâu như điểm kém chẳng hạn.
“Hương đêm bay xa”, hương ngày cũng thổn thức
Để phục vụ công tác vệ sinh, ở mỗi khu nhà xí tập thể đều có thùng chưa nước hay bể nước lớn. Nhưng ở thời bao cấp , nước sinh hoạt còn phải xếp hàng dài để đợi thì lấy đâu ra nước dội vệ sinh. Thế nên hồi ấy, các khu nhà xí nào cũng có mùi đặc trưng, cách xa vài mét đã ngửi thấy. Nhiều lúc bể nước đầy nhưng ý thức của người dùng còn hạn chế nên “mùi hương” ấy vẫn chẳng bỏ xót một khu nhà xí nào.
Bể chứa nước dội cầu trong khu nhà vệ sinh công công cộng
Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ khiến cho khu nhà xí mùi nồng nặc, thêm vào đó là tiếng vo ve của ruồi muỗi, gián con bò lổm ngổm, gián mẹ thì bay xè xè như “trực thăng trên bầu trời Hà Nội”. Người ngồi trong đó cứ phải liên tục dung đưa người để đuổi ruồi, đuổi muỗi. Ngày mưa tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn, chất thải nổi lềnh bềnh trong khu nhà xí, có khi tràn cả ra ngoài. Thế nhưng chuyện giải quyết nỗi buồn thì không chần chừ được, vẫn phải chấp nhận bì bõm đi vào, khi đi ra người nồng “hương thơm. Vì lý do đó mà ngày đó có câu ví “tình yêu như cái nhà xí, kẻ ở trong muốn ra, người ở ngoài muốn vào”.
Tệ đến mấy vẫn “đắt khách”
Dẫu bất tiện, kém vệ sinh lại mùi nhưng những khu nhà vệ sinh công cộng vẫn vô cùng “đắt khách”. Có khi gia đình còn phải cắt cử người đi giữ chỗ, vừa bịt mũi, vừa xếp hàng để không ai tranh mất phần. Sáng sáng, cả khu tập thể lại tề tự đông đủ bên nhà vệ sinh công cộng như có lệnh tập trung. Trong lúc xếp hàng chờ đợi, người đứng ngoài hỏi thăm nhau, trò chuyện về những thông tin mới trong và ngoài khu tập thể. Khi có một chỗ trống, nếu không vội, họ sẽ nhường nhau đi trước. Ai ngồi trong nhà xí lâu quá cũng sẽ bị cả khu tập thể réo tên nhắc nhở đến bao giờ chịu ra thì thôi.
Ở khu tập thể Văn Chương đến nay vẫn còn kiểu nhà vệ sinh này
Thời đó nhiều toilet công cộng cũng chẳng có phân khu nam nữ, có chỗ trống là vào đi. Có những nơi nhà vệ sinh phân khu nhưng khu bên nam thường rất bẩn do các anh lười lại hay bừa bãi, vậy nên nhiều lúc cũng đi trộm khu nữ cho sạch
Những cánh cửa nhà vệ sinh
Các khu nhà vệ sinh tập thể lúc đầu đều đầy đủ cử nhưng qua thời gian cũng dần mục nát hết rồi gãy cánh. Làm đơn mãi mà xí nghiệp không cho lắp lại thế nên đành cố đấm ăn xôi, có nhà vệ sinh mà chẳng khác gì đi lộ thiên. Ai đi nhà vệ sinh cũng mang một tờ báo thật to. Tờ báo có tác dụng 3 trong 1, vừa để đọc vừa để chùi vừa để che kín người cho đỡ ngại người ngoài nhìn vào.
Căng thẳng nhất vẫn là những lần đi vệ sinh vào ban đêm. Đèn nhà vệ sinh không hỏng thì cũng leo lét, chẳng đủ để chiếu sáng cho tất cả các buồng, thế nên đi vệ sinh mà lo nơm nớp. Hễ nghe thấy tiếng bước chân là cố ý tạo tiếng động như tằng hắng một tiếng hoặc vò giấy thật to để báo hiệu rằng nhà vệ sinh đã có người bên trong. Có người để an toàn hơn, trong suốt cả quá trình đi vệ sinh đều hát khe khẽ để báo hiệu.
Nhà vệ sinh công cộng nay vẫn còn ở Khu tập thể Thuốc lá Thăng Long
Nhà vệ sinh mất cửa cũng là cái cớ cho nạn nhìn trộm lộng hành giữ thời buổi mà thông tin về giới tính – sức khỏe sinh sản ít ỏi. Lũ trẻ con thì đi theo đoàn, nghịch ngợm, trêu chọc. Những gã trai mới lớn tò mò hay những kẻ biến thái thì đi một mình để nhìn trộm chị em. Nhiều nơi, nhà vệ sinh còn được xây ở những khu đất vắng, để đến được đó phải đi qua bao vườn rau, bụi cây, thật tiện cho việc ẩn nấp, rình mò và chạy trốn.
Nhà vệ sinh không cửa là một nỗi lo lớn nhưng có cửa thì cũng có cái khác để lo. Cửa nhà vệ sinh có cả móc cài ở bên trong và bên ngoài. Móc trong là để khi vào đi vệ sinh thì đóng cửa lại, còn móc ngoài là để khi “xong việc” bước ra thì cài lại cho đảm bảo mỹ quan. Nhưng cũng chính vì điều này mà tình trạng chơi khăm, nhốt nhau trong nhà vệ sinh xảy ra liên tục. Bị nhốt trong toilet tập thể thơm tho thời đó chắc chắn sẽ là kỉ niệm không thể quên trong đời.
Nơi gửi gắm yêu thương
Hầu như chẳng có bức tường hay cánh cửa toilet công cộng nào mà không bị viết hay vẽ lên, không hình thì chữ, chữ này đẻ hình kia, trong đó có cả những câu thơ tình gợi nhiều liên tưởng như: “Đố ai cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Gặp em ở nhà tiêu ngồi hát/ Về thương rồi nhớ, thế là yêu”. Có những dị bản khác câu cuối là: “Chia nhau tờ giấy thế là yêu” hoặc “Nhường nàng đi trước, thế là yêu”.
Có những cậu trai tinh nghịch, vào nhà xí công cộng đọc được bài thơ “Gặp em nhà xí chiều tà/ Chìa tay xin giấy thế là yêu nhau/ Việc gì hò hẹn nơi đâu/ Cứ ra nơi ấy chia nhau mà ngồi”. Hễ thấy cô bé hoặc chị nào đi qua lại đọc toáng mấy câu này lên, cười hô hố, trêu chọc khiến nạn nhân hoặc đỏ mặt cúi đầu mà bước cho nhanh, hoặc quắc mắt lên mắng cho té tát.
Nhà vệ sinh công cộng cũng là nơi người ta mượn để gửi lời yêu đương. Một người sống ở Hà Nội thời ấy kể rằng: Mỗi lần đi vệ sinh, nhìn lên cánh cửa nhà xí, thấy nòa là “Thủy ơi anh yêu em”, “Kỷ niệm mối tình Toàn – Luyến, 1982”, “Nhớ mãi mùa thi, nhớ mãi mối tình đầu, Nga yêu Trung”, có cả hình vẽ trái tim với mũi tên xuyên ngang.
Ngoài bày tỏ tình yêu thì nhà vệ sinh công cộng cũng là những câu cảnh báo giữ vệ sinh mang nhiều sắc thái từ nhắc nhở nhẹ nhàng đến giận dữ, đe dọa. Rất nhiều nhà vệ sinh Bắc Bộ thời ấy có câu “Ai ơi bắn trúng mới tài/ Bắn trúng ra ngoài kỹ thuật còn non” để nhắc nhở những người phóng uế làm bẩn sàn toilet. Ấy thế mà bên còn lại cũng không chịu bị đả kích, phải trả đòn bằng hai câu thơ: ” Còn non thì mặc còn non/ Bắn trật vài hòn thì đã làm sao”.
Thời bao cấp, ngay đến chuyện cấp bách như đi vệ sinh cũng có nhiều điều đáng ngại. Ngày nay, ở nông thôn lẫn thành thị đều có nhà vệ sinh sạch đẹp của riêng từng nhà. Nhà vệ sinh công cộng cũng đã được thay thế, sửa sang với bệ xí hiện đại, nước dội cầu hay nước rửa tay đầy đủ. Cái thời xếp hàng ở khu toilet kém vệ sinh xưa đã không còn nữa nhưng đó cũng là một phần ký ức thú vị của những người từng sống trong thời bao cấp.
Duy Phan – 22/12/2020
Bài viết được tham khảo: