HCDC chiều 29/5 kêu gọi người từng tham gia Hội thánh Truyền giáo Phục hưng chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo, kể cả khi không có dấu hiệu bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), mục sư trưởng hội này cho biết số lượng hội viên là 48 người. Tuy nhiên, thành phố đánh giá có thể con số này cao hơn và vẫn còn những hội viên chưa khai báo.
“Vì nhiều lý do mà họ không dám khai báo cho đến khi có dấu hiệu bệnh”, đại diện HCDC nhận định. Hai ngày qua, vài trường hợp khi có triệu chứng mới đến bệnh viện khám và phát hiện mắc Co.vid-19.
HCDC kêu gọi gia đình, người thân nếu biết con em mình sinh hoạt trong Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, cần vận động khai báo y tế càng sớm càng tốt. Người có thông tin về những trường hợp liên quan cần cung cấp cho chính quyền địa phương.
Theo HCDC, người liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Những người này nếu còn trong cộng đồng thì sẽ thành nguồn lây rất nguy hiểm, đặc biệt ở những người không có triệu chứng.
“Thành phố chính thức bước vào cuộc chiến với làn sóng dịch thứ tư với một kịch bản không ai ngờ đến, liên quan đến tôn giáo”, đại diện HCDC nói.
Từ chiều tối 27/5, ngành y tế ghi nhận liên tiếp ba ca nghi nhiễm được phát hiện từ các bệnh viện. Đội điều tra dịch tễ đã tìm ra một điểm chung “cực kỳ quan trọng” của ba ca này, là họ sinh hoạt chung trong một nhóm tôn giáo có trụ sở tại quận Gò Vấp. Ba ca này đã chỉ điểm đến ổ dịch đang âm thầm lây nhiễm mạnh là Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.
Hội truyền giáo này sinh hoạt cùng nhau trong một không gian nhỏ hẹp, kém thông thoáng, không đeo khẩu trang. Điều kiện không đảm bảo như trên cùng với biến chủng Ấn Độ đã tạo thành một chuỗi lây nhiễm mạnh, số lượng nhiễm cao. Sau ba ngày, phát hiện 85 trường hợp nhiễm liên quan, trong đó đã xuất hiện trường hợp F2 mắc Co.vid-19.
“Biến chủng mới nguy hiểm vì tính chất lây lan nhanh, thời gian lây nhiễm ngắn. Nếu không khoanh vùng, tìm ra sớm bệnh nhân thì sẽ là nguồn lây cho cộng đồng”, đại diện HCDC nhấn mạnh.
Theo HCDC, để chặn đứng hoàn toàn chuỗi lây nhiễm này, bên cạnh việc đẩy nhanh xét nghiệm, truy vết để dịch không lây lan tiếp tục, việc quan trọng là tìm ra tất cả những người sinh hoạt chung trong nhóm.
“Không khai báo hoặc khai báo không trung thực mới chính là vi phạm pháp luật”, đại diện HCDC khuyến cáo.
Hiện, ngành y tế truy vết gần 39.000 người thuộc diện tiếp xúc F1, F2. Rất nhiều địa điểm bị phong tỏa do liên quan các ca nhiễm. 700 công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Tân Bình phải cách ly tại công ty do liên quan đến bệnh nhân từng làm việc tại căn tin.
TP HCM áp dụng chỉ thị 15, các hoạt động xã hội, hoạt động tập trung đông người đã tạm dừng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ làm chậm việc lây lan chứ không thể chấm dứt được chuỗi lây lan. Muốn chấm dứt chuỗi lây lan thì phải tìm ra được tất cả nguồn lây.
Thành phố tiếp tục tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ. Các biện pháp cắt đứt nguồn lây cũng như điều tra nguồn lây của các chuỗi lây nhiễm này đang được tiếp tục triển khai.
Hiện, chuỗi lây nhiễm này vẫn chưa xác định nguồn lây. Ngành y tế đang tiếp tục điều tra. Thành phố tiếp tục tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ.
HCDC đánh giá thành phố có nguy cơ mầm bệnh đã có trong cộng đồng, người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang. Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền, hợp tác với ngành y tế trong thực hiện phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Người dân cần trung thực trong khai báo y tế về nguy cơ, yếu tố tiếp xúc của bản thân. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác… đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực khi đến cơ sở y tế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở các địa điểm liên quan đến ca nhiễm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng tại quận Gò Vấp. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.
https://vnexpress. net/tp-hcm-keu-goi-nguoi-sinh-hoat-hoi-truyen-giao-khai-bao-4285948.html