Giám đốc HCDC: “số ca nhiễm không có triệu chứng ngày càng cao, cần tính tới phương án sống chung với lũ”

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, số bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng ngày càng cao nên bên cạnh khoanh vùng, truy vết, có thể phải tính phương án “sống chung với lũ”.

Ý kiến trên được bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP HCM chiều 25/6. Cuộc làm việc diễn ra trong bối cảnh TP HCM đã ghi nhận 2.343 ca nhiễm và trong 24 giờ qua phát hiện thêm 667 ca nghi nhiễm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh TP HCM Nguyễn Chí Dũng tại buổi họp báo về tình hình dịch trên địa bàn thành phố chiều 14/6. Ảnh: Hữu Công.

Theo ông Dũng, thống kê từ số liệu các bệnh nhân mắc Covid-19 vừa qua cho thấy, số có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Cụ thể, hiện 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng (31 trường hợp); 68% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng. Trong khi đó, thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, 68% ca nhiễm nCoV có triệu chứng.

Ảnh minh hoạ

“Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm (phát hiện đầu tiên) hầu hết mắc bệnh mức độ nhẹ, nếu không đi khám sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu”, ông Dũng nói.

Cũng theo bác sĩ Dũng, nCoV sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái: gia tăng độc lực ở thời gian đầu và giảm ở thời gian kế tiếp. Khi độc lực virus giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.

Điểm tiêm vaccine ở Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, ngày 24/6. Ảnh: Hữu Khoa.

“Bên cạnh phương án truy vết, khoanh vùng nhanh nhất như hiện nay, có thể chúng ta cần tính tới phương án sống chung với lũ. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm những con rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước”, bác sĩ Dũng nói và cho rằng đây là ý kiến của cá nhân mình.

Bác sĩ Dũng cho rằng thời gian tới, TP HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm.

Ảnh minh hoạ

Tính đến chiều nay, TP HCM ghi nhận 2.343, xếp thứ hai cả nước; 12.360 trường hợp đang cách ly tập trung và 26.259 người cách ly tại nhà.

Thông tin: Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *