Giữa lúc khó khăn mà nhận được tin mình được hỗ trợ thấy ấm lòng quá chị em nè. TP.HCM hiện đang áp dụng lệnh giãn cách lần thứ 2 kể từ khi đợt dịch mới bùng phát trở lại vào đầu tháng 5/2021.
Biết là tình hình này kéo dài, nhiều người sẽ gặp khó khăn, nhất là những người phải làm lụng vất vả để chạy vạy từng bữa ăn hằng ngày. Vì thế mà TP.HCM đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong đợt dịch tái bùng phát lần này.
Ảnh: Người bán hàng rong được đề xuất hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày. Nguồn: Báo Tuổi trẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo báo Thanh Niên em đọc được, có các đối tượng sau đây sẽ được nhận hỗ trợ theo chính sách vừa được thông qua:
#1. Người lao động tại các doanh nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; cơ sở giáo dục dạy nghề dân lập, tư thục tại TP.HCM được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người lao động/lần. Cụ thể:
– Người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên, từ ngày 01/5/2021 – 31/12/2021 và đang tham gia đóng BHXH bắt buộc trước khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương…
– Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Riêng đối tượng người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người hoặc người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người là mẹ hoặc cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
#2. Lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do lệnh giãn cách xã hội, có thể kể đến những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, thu gom rác và phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, bán vé số lưu động, hoặc làm công việc trong các ngành ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); Làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM ngày 30/5/2021 phải tạm ngừng hoạt động. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày.
#3. Các tiểu thương ở chợ truyền thống được hỗ trợ từ 150.000 đồng/tháng đến 300.000 đồng/tháng tùy hạng chợ.
#4. Hộ kinh doanh thành lập theo quy định phải dừng hoạt động tại khu vực phải thực hiện theo Chỉ thị 16. Mức hỗ trợ trực tiếp là 2 triệu đồng/hộ.
#5. Người cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung. Mức hỗ trợ là tiền ăn 80 ngàn đồng/người. Các khoản khác trước đó đã có chính sách hỗ trợ, do vậy có thể hiểu rằng nếu đề xuất thông qua, thì người cách ly y tế tập trung ở các điểm này được miễn phí hoàn toàn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ.
Em vẫn còn nhớ hồi năm ngoái, khi dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở nước mình, cả nước áp dụng lệnh giãn cách xã hội dù chỉ 1 – 2 tuần, người bán vé số, chạy xe ôm hay lái taxi… đều phải nghỉ việc làm đã khiến cuộc sống của họ khó khăn. Thời điểm đó, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ là gói 62.000 tỷ đồng. Chị em nhìn số tiền thấy nhiều vậy đó, chứ chia ra mỗi người dân khó khăn trên khắp mọi miền đất nước này đâu có bao nhiêu.
Để tiền đến tay đúng đối tượng cần được trao, Chính phủ đã có yêu cầu các địa phương phải lập danh sách trước để dễ quản lý và điều kiện tiên quyết là người đó phải có đủ điều kiện theo các trường hợp quy định. Muốn vậy thì phải có giấy tờ chứng minh.
Chẳng hạn như với người lao động làm việc tại công ty nhưng bị mất việc thì phải có hợp đồng lao động và Văn bản chấm dứt hợp đồng lao động. Hoặc với lao động tự do thì phải có Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú. Tất cả trường hợp đều cần đến Mẫu đơn đề nghị, phải điền đủ thông tin và gửi đến UBND địa phương để được giải quyết.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên.
Điều này khiến cho nhiều người gặp khó trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ này, đặc biệt là với những người thuộc nhóm vô gia cư đáng lý ra họ phải được nhận nhiều hơn các đối tượng khác.
Theo Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết việc xét duyệt hồ sơ sẽ do Hội đồng của xã, phường đảm nhận trên cơ sở người lao động tự khai vào phiếu in sẵn do xã, phường cung cấp. Ai tạm trú thì phải có xác nhận của Công an khu vực.
Em biết nhiều người thấy thủ tục nhiêu khê quá nên nản lòng, bỏ cuộc, nên mới có những bình luận ‘lên tivi mà nhận’ hay ‘lên mạng mà nhận’. Nên năm nay nhận tin được hỗ trợ, một số người không mấy mặn mòi vì họ nghĩ dễ gì đến tay mình, hay thậm chí có người lo lắng vì bản thân không đủ giấy tờ chứng minh nên ước mong rằng thủ tục đơn giản để tiền hỗ trợ sớm đến tay họ.
Hồi năm ngoái cũng thấy tổ dân phố đến nhà ghi tên, phát phiếu sau khi nghe gói hỗ trợ nhưng cuối cùng có được nhận đâu, đó là chia sẻ của vợ chồng chị Nhung, 42 tuổi, quê ở Tiền Giang, ngụ tại khu trọ thuộc quận Tân Phú. Chị cảm thấy chạnh lòng khi nhắc tới gói hỗ trợ. Lý do là nhà chị không đáp ứng điều kiện đăng ký tạm trú. Nhà có 5 người nhưng có 3 người đi làm đều mất việc, đến khi bớt dịch đi làm lại thì nay lại gặp đợt giãn cách lần này nên phải nghỉ luôn.
Ảnh: Chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) đìu hiu trong thời gian Q.Gò Vấp thực hiện Chỉ thị 16 (Ảnh chụp đầu tháng 6/2021). Nguồn: Báo Thanh Niên.
Để đủ tiền trang trải cuộc sống, ở quê gửi thức ăn lên cho chị, còn tiền thuê trọ và điện nước được chủ nhà giảm nên cũng đỡ, mới 2 tuần trước giãn cách còn vay mượn xoay sở, giờ kéo dài không biết sao nữa.
Hỏi về việc không đăng ký tạm trú thì chị cho hay cho thuê trọ nay chỗ này, mai chỗ khác nên chưa làm. Cũng đâu biết nó quan trọng vậy nên cũng không làm vì thủ tục đăng ký phức tạp. Mà chủ trọ ở chỗ này cũng chỉ làm cho mấy người ở trọ có 2 năm thôi…
Đứng trước tình hình này, một số ý kiến đề nghị cần nới lỏng quy định đăng ký tạm trú để nhiều người khó khăn được tiếp cận gói hỗ trợ này. Ví dụ thay vì cần đăng ký tạm trú thì chỉ cần xác nhận của khu phố chẳng hạn, và nếu vậy cho họ nhận 50% mức quy định cũng được. Của cho không bằng cách cho. Giữa lúc khó khăn do dịch dã thế này thì có được đồng nào hay đồng đó.
Ảnh minh họa. Nguồn: Hải quan Online.
Em thấy thời điểm này cần linh động trong khâu chấp nhận giấy tờ thủ tục cần thiết để chi tiền hỗ trợ cho người dân khó khăn để họ sớm vượt qua khó khăn.
Rút kinh nghiệm năm ngoái rồi năm nay nữa, chị em nên đăng ký tạm trú, thường trú tại nơi mình đang sinh sống nhe. Thấy vậy chứ có lợi nhiều lắm, cho con cái đi học, rồi được trả tiền điện nước theo định mức và giờ là các gói hỗ trợ theo quy định… Mình cứ tuân thủ đúng quy định đi rồi quyền lợi sẽ có đủ thôi. Nếu thấy thiệt thòi thì mình cũng có cơ sở để đòi nữa, phải không nè?
Nguồn: https://www.webtretho. com/p/tphcm-se-chi-886-ty-ho-tro-nguoi-bi-anh-huong-co-vy-chi-mong-thu-tuc-don-gian