Dù chỉ là một cơ sở điều trị dựng lên ở tuyến huyện, song đã có hàng nghìn bệnh nhân được điều trị khỏi.
Tính đến sáng 7/8, huyện Bình Chánh có tổng cộng 11.762 bệnh nhân Covid-19, là một trong các huyện có số lượng F0 nhiều nhất TP.HCM. Thế nhưng ít ai biết rằng, nơi đây có một cơ sở điều trị đã chữa khỏi cho hàng nghìn F0.
Bệnh nhân điều trị tại “bệnh viện dã chiến tuyến huyện” được xuất viện. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Theo Tuổi Trẻ, đó không phải bệnh viện dã chiến thực sự, cũng không thuộc hệ thống 5 tầng tháp điều trị của TP.HCM, nó được tạo nên từ 3 trường THCS, THPT và tiểu học Tân Túc (Bình Chánh) và tạm gọi là “bệnh viện dã chiến tuyến huyện”.
Người phụ trách chính tại cơ sở điều trị này là bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, thuộc Bệnh viện Nhân dân 115. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Thịnh cho biết mặc dù đã hoàn thành thời gian tham gia chống dịch (5 tuần), nhưng suốt nhiều ngày qua, anh và các đồng nghiệp vẫn tình nguyện ở lại hỗ trợ bệnh nhân.
Kể rõ hơn, bác sĩ Thịnh cho biết, thời điểm anh và 13 đồng nghiệp được cử đến “bệnh viện dã chiến tuyến huyện” này là vào 2 tuần trước. Khi đó, số ca F0 tại huyện Bình Chánh tăng lên nhanh nên chính quyền địa phương đã trưng dụng 3 trường THCS, THPT và tiểu học Tân Túc làm nơi điều trị với công suất lên đến 1.800 giường.
Trường THPT Tân Túc được trưng dụng làm cơ sở điều trị F0. (Ảnh: Tân Túc Confessions)
Mặc dù tình thế rất cấp bách, phải chạy đua với thời gian nhưng các bác sĩ vẫn kịp thời tiếp nhận 2.000 bệnh nhân. Và chỉ trong 2 ngày, rất nhiều ca suy hô hấp nặng đã được cấp cứu kịp thời.
Thời gian đầu mới thành lập, bệnh viện còn thiếu nhiều thứ, tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, đến nay, cơ sở đã có đủ trang thiết bị hiện đại để cứu sống hàng trăm F0 nặng. Mặc dù vậy, các bác sĩ vẫn phải làm việc “quên ăn quên ngủ” bởi số lượng bệnh nhân quá lớn.
Bác sĩ Thịnh chia sẻ: “Chúng tôi phải luân phiên nhau theo dõi những ca nguy kịch và hầu như không có thời gian nghỉ. Ban đêm nhiều ca trở nặng, chúng tôi chạy bộ lên các tầng cao vì không có thang máy để hồi sức cho bệnh nhân.”
Bác sĩ tận tình chăm sóc các bệnh nhân. (Ảnh: FB T.H)
Đáp lại sự tận tình ấy, chỉ trong vòng nửa tháng đã có hàng nghìn bệnh nhân được ra viện, đoàn tụ với gia đình. Mặc dù rất mệt nhưng bác sĩ Thịnh tâm sự, nếu anh và các đồng nghiệp dừng lại, nhiều bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy hiểm: “Chúng tôi nghỉ, bệnh nhân sẽ không qua khỏi”.
Là một trong những F0 khỏi bệnh, anh N.V.T., 34 tuổi, ngụ Bình Chánh không kìm nổi sự xúc động trong ngày ra viện cho biết, lúc đầu mới vào viện, sức khỏe anh rất yếu. Nhưng nhờ sự tận tình của các bác sĩ, sau 2 tuần anh đã bình phục. Với điều quý giá ấy, anh T. muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Ngoài F0 nặng, bệnh viện đặc biệt này còn tiếp nhận nhiều ca là trẻ nhỏ, bà bầu, người cao tuổi và những bệnh nhân có vấn đề về tâm thần.
Chuyến xe chở F0 đến “bệnh viện dã chiến tuyến huyện” điều trị. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Chiều 6/8, hơn 300 bệnh nhân tại cơ sở được ra viện, nâng tổng số ca bình phục lên hơn 1.000 trường hợp. Đáng nói, trong số đó có 150 người từng rơi vào nguy kịch, nay hồi phục ngoạn mục. Nếu so với hiệu suất điều trị ở các bệnh viện dã diễn khác thì con số này cũng ngang ngửa.
Với những tín hiệu tích cực đã đạt được, hi vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều bệnh nhân hơn nữa được công bố khỏi bệnh, huyện Bình Chánh nói riêng và TP.HCM nói chung dập tắt dịch thành công.
Nguồn: https://www.yan.vn/su-tan-tuy-cua-bac-si-o-benh-vien-tuyen-huyen-chua-khoi-ca-ngan-f0-273014.html