Không chỉ tri ân những người làm cha, làm mẹ đang tham gia chống dịch hiện nay, Đại lễ còn thay các bệnh nhân Covid-19 gửi lời cảm ơn đến bậc sinh thành.
Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên Đại lễ Vu Lan năm nay đặc biệt hơn những năm khác rất nhiều. Không chỉ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, Đại lễ “Vu lan 3 miền” còn lần đầu tiên tổ chức tại một bệnh viện dã chiến.
Chương trình năm nay tập trung chủ yếu 2 nội dung, đó là tôn vinh chữ hiếu đạo mùa Vu Lan, đồng thời lan toả tinh thần đoàn kết, cùng đẩy lùi dịch Covid-19.
Hoạt động nổi bật nhất trong Đại lễ Vu Lan năm nay là tổ chức cầu siêu cho các hương linh không may ra đi vì Covid-19. (Ảnh: Báo Quảng Nam)
Ba điểm cầu trong Đại lễ Vu Lan trực tuyến 2021 là chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh), chùa Thiên An (tỉnh Bình Định) và Bệnh viện dã chiến số 7 (TP.HCM). Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Đại đức Thích Nguyên Chính – phó chánh văn phòng 1 của Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – cho biết, mục đích của việc dùng những hình ảnh tại bệnh viện dã chiến để truyền trực tiếp trong Đại lễ Vu Lan là để thể hiện lòng tri ân với tất cả những người cha, người mẹ là y bác sĩ đang phải xa gia đình, sát cánh cùng bệnh nhân Covid-19. Đồng thời chương trình cũng là một cầu nối giúp cho những bệnh nhân Covid-19 không thể ở bên gia đình nói lời tri ân với cha mẹ.
Còn theo Đại đức Thích An Đạt – Thư ký Kênh truyền hình An Viên (Cơ quan ngôn luận của GHPG VN) nói với Thanh Niên: “Tại bệnh viện dã chiến trong giai đoạn dịch bệnh, một trong những điều khiến người ta khắc khoải trong cuộc sống là sự nhớ thương gia đình.
Hàng ngàn lực lượng tuyến đầu đã làm việc nhiều tháng trời không về nhà, không gặp người thân. Những người mẹ phải xa con, chồng phải xa vợ, rồi có những cháu nhỏ không được gần cha mẹ, trong đó lực lượng đặc biệt nhất là bác sĩ tuyến đầu tại bệnh viện dã chiến. Chương trình cũng là để động viên tinh thần cho bác sĩ và bệnh nhân đang phải chiến đấu cật lực”.
Những bông hoa hồng thể hiện lòng thành kính con cái dành cho cha mẹ. (Ảnh: Lao Động)
Nhiều y bác sĩ tham gia chống dịch nhận được lời chúc từ con cái. (Ảnh: Chụp màn hình)
Cũng trong chương trình, ngoài các hoạt động văn nghệ thiện nguyện, đã có những hình ảnh vô cùng xúc động hiện lên, lấy đi biết bao nước mắt của người xem. Nổi bật trong số đó chính là giây phút các y bác sĩ cùng nhau cầm hoa hồng tưởng niệm và cầu nguyện cho các bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi.
Hay khoảnh khắc những người con gửi lời chúc sức khoẻ, động viên đến cha mẹ đang làm nhiệm vụ chống dịch qua màn hình điện thoại, máy tính… Chị Lê Thị Thanh Mai – một điều dưỡng viên đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 7 – cũng đã vô cùng xúc động khi nhận được những lời chúc sức khoẻ từ xa của hai cô con gái. Hơn một tháng qua, do phải làm nhiệm vụ chống dịch, chị đã không được gặp mặt trực tiếp hay ở bên động viên, bảo ban con. Vì vậy, khi thấy bé ở nhà vẫn mạnh khoẻ, được học tập và phát triển, chị đã không kìm nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.
Mỗi bó hoa trên tay các y bác sĩ đều thể hiện những lời cầu nguyện tốt lành. (Ảnh: Truyền hình An Viên)
Nữ điều dưỡng bật khóc khi nhận được lời chúc từ xa của các con. (Ảnh: Chụp màn hình)
Theo Thanh Niên, người phụ trách đầu cầu tại Bệnh viện dã chiến số 7 là Đại đức Thích An Đạt. Chia sẻ về quá trình thực hiện chương trình, vị Đại đức cho biết, để có thể đảm bảo phòng chống dịch, mỗi đầu cầu chỉ được chọn khoảng 10 người tham gia đại lễ. Bên cạnh đó, cũng vì ảnh hưởng từ dịch bệnh nên năm nay có nhiều bất tiện hơn mọi năm, chủ yếu mọi hoạt động của ban tổ chức đều phải thông qua địa phương để thực hiện.
Riêng tại Bệnh viện dã chiến số 7, do lần đầu tiên tham gia Đại lễ Vu Lan, lại có ý nghĩa rất quan trọng nên việc tổ chức cần phải chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt. Việc ghi hình, phỏng vấn tất cả đều do nhóm phóng viên chuyên biệt thực hiện. Hình ảnh cũng được ghi lại thông qua hình thức gọi video.
Tuy không được lập bàn thờ do không phải là không gian tâm linh, nhưng tại đây cũng diễn ra đủ 3 phần là lễ tâm linh, cầu siêu cho người không qua khỏi vì Covid-19 và một số tiết mục văn nghệ dành tặng các bác sĩ và bệnh nhân F0 đang điều trị ở bệnh viện.
Chương trình văn nghệ đặc biệt tri ân các y bác sĩ, những người thuộc tuyến đầu phòng dịch. (Ảnh: Truyền hình An Viên)
Tại chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh), Đại lễ Vu Lan tuy không lớn như mọi năm nhưng cũng đã diễn ra một cách trọn vẹn và long trọng, tôn kính nhất có thể. Còn ở chùa Thiên An (Bình Định), do địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên các hoạt động trong dịp lễ Vu Lan tại đây không diễn ra như hàng năm, chỉ tổ chức 1 điểm thiết trí nội bộ thuyết giảng, nối kết với Ban tổ chức chương trình.
Năm nay, chùa Thiên An tổ chức các hoạt động Đại lễ Vu Lan nội bộ. (Ảnh: Chụp màn hình)
Nhiều người cùng gia đình cầu nguyện, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến bậc sinh thành. (Ảnh: Chùa Ba Vàng)
Tuy năm nay, Đại lễ diễn ra khác mọi năm, thế nhưng ý nghĩa và sức mạnh lan toả của chương trình lại không hề thay đổi. Tối ngày 21/8, đã có rất nhiều bà con theo dõi chương trình, gửi gắm biết bao lời cầu nguyện tốt lành đến các y bác sĩ, những người đang làm cha, làm mẹ trên khắp cả nước.
Đến nay, buổi lễ tuy đã kết thúc nhưng những cảm xúc vẫn đọng lại trong lòng tất cả người xem. Mong rằng chúng ta sớm có thể đẩy lùi dịch bệnh, quay trở lại cuộc sống thường ngày, mọi người đều được bình an.
Nguồn: https://www.yan.vn/nhung-xuc-cam-dac-biet-tai-dai-le-vu-lan-o-benh-vien-da-chien-so-7-274357.html