Sau việc hơn 700 người phải xét nghiệm lại vì NV lấy mẫu là F0 nên các NVYT phải thay găng tay sau 5 lần lấy mẫu để đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ lây nhiễm
Ngày 25/8, báo Thanh Niên đăng tải thông tin về sự việc hàng trăm người tại xã Hòa Long (TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lại vì sự cố hi hữu.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại nhà đảm bảo an toàn nhưng đôi khi sẽ tốn thời gian. (Ảnh: Nhân Dân)
Cụ thể, UBND xã Hòa Long cho biết vào sáng ngày 19/8, chị T.T.P.T – nhân viên y tế Trạm Y tế phường Long Tây (TP. Bà Rịa) được điều phối đến xã Hòa Long để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho bà con. Chiều cùng ngày, chị T. nghỉ do có việc đột xuất. Ngày 20/8, chị T. tiếp tục tăng cường theo lịch trực tại khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn.
Đến ngày 22/8, nữ nhân viên y tế này được cơ quan xét nghiệm mẫu gộp với 7 người khác, kết quả dương tính SARS-Cov-2. Để chắc chắn, chị T. tiếp tục tự test nhanh và PCR khẳng định nhiễm Covid-19. Ngay sau đó, toàn bộ 700 cư dân được chị T. lấy mẫu đã được huy động tới UBND xã để xét nghiệm lại.
Công tác lấy mẫu xét nghiệm phải đảm bảo tính an toàn, chính xác. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)
Liên quan đến vấn đề nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong quá trình lấy mẫu tập trung, bác sĩ – tiến sĩ Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có đôi lời chia sẻ với báo Thanh Niên. Theo đó, tiến sĩ cho biết hầu họng, mũi là 2 nơi dễ dàng bị virus “xâm chiếm” và phát triển mạnh mẽ. Ông cho biết thêm, có 2 con đường lây nhiễm Covid-19. Trong đó, con đường lây nhiễm trực tiếp là qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần và hít phải giọt bắn có chứa virus từ F0. Con đường thứ 2 là lây nhiễm khi virus vô tình ở trên tay rồi xâm nhập cơ thể qua mắt, mũi, miệng.
“Do đó, nếu găng tay của nhân viên y tế mang mầm bệnh không được khử khuẩn, thì virus từ găng tay dễ lọt vào mũi người được lẫy mẫu kế tiếp, vì lúc lấy mẫu, người được lấy mẫu không mang khẩu trang” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đội quân y đến từng nhà, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho bà con ở TP.HCM. (Ảnh: VnExpress)
Cụ thể hơn, virus SARS-CoV-2 khi vào đường hô hấp sẽ tiếp tục xâm nhập vào niêm mạc, nhân lên nhanh chóng và phá hoại phổi. Bởi vậy, nhân viên y tế cần cẩn trọng trong khi lấy mẫu xét nghiệm nếu không sẽ tạo ra nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
Theo vị tiến sĩ này, nhân viên y tế cần phải thay găng tay sát khuẩn sau 5 lần lấy mẫu. Song song đó, giữa mỗi lần lấy mẫu phải sát khuẩn găng tay bằng dung dịch có chứa cồn từ 70 độ để có thể triệt virus ở mức tối đa. Ngoài ra, khi lấy mẫu cho hộ gia đình, nhân viên y tế phải thay găng tay sau khi thực hiện xong mỗi nhà.
Khử khuẩn găng tay mỗi khi lấy mẫu là điều nhân viên y tế cần lưu ý. (Ảnh: Dân Việt)
Không riêng nhân viên y tế, người đi lấy mẫu cũng phải chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân. Đầu tiên, bà con phải đảm bảo ngồi đúng khoảng cách, không tập trung nói chuyện khi đi xét nghiệm và đeo khẩu trang kín hoặc thêm kính chắn giọt bắn. Mỗi người nên trang bị thêm nước vệ sinh tay, sử dụng trước khi đến nơi xét nghiệm hoặc mang theo bên mình. Khi chuẩn bị đến lượt lấy mẫu xét nghiệm, bà con nên yêu cầu nhân viên y tế thay găng tay hoặc sát khuẩn để đảm bảo an toàn.
Song song đó, khi ở nhà, mọi người nên vệ sinh mũi họng bằng nước muối. Việc làm này không diệt hết virus nhưng có thể làm giảm nguy cơ bội nhiễm.
Đeo khẩu trang hoặc thêm kính chắn giọt bắn để có thể giảm nguy cơ lây nhiễm ở mức tối đa. (Ảnh: Người Lao Động)
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành vẫn đang gặp không ít khó khăn. Để tránh việc bệnh dịch càng trở nên phức tạp mỗi ngày, mọi người nên chủ động tự bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách tuân thủ quy định của cơ quan chức năng địa phương và khuyến cáo 5K từ Bộ Y tế.
Nguồn: https://www.yan.vn/700-nguoi-phai-xet-nghiem-lai-vi-nv-lay-mau-la-f0-274670.html