Từng thu nhập tới 30 triệu đồng/tháng, nhiều người “khóc ròng” mùa dịch: Sắp cạn ví

Câu chuyện của anh T. có lẽ cũng là tình cảnh nhiều gia đình đang gặp phải khi dịch bùng phát tại TP.HCM.

Vấn đề chi tiêu vốn là bài toán nan giải đối với nhiều gia đình, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ tuổi. Câu chuyện của gia đình chị D. và anh T. (quê Đồng Nai, sinh sống tại TP.HCM) dưới đây có lẽ sẽ để lại cho nhiều người không ít suy ngẫm.


Có một thực tế là khá nhiều gia đình hiện nay phải thường xuyên ăn rau thay thịt khi bị thất nghiệp. (Ảnh: Vietnamnet)

Chị V.T.D. và anh N.V.T. về chung 1 nhà đã được 2 năm. Thời gian qua, mức lương của anh T. là 20 triệu đồng/tháng, trong khi vợ anh đem về 10 triệu đồng. Hiện, đôi vợ chồng trẻ đang thuê 1 căn hộ chung cư mini. Mặc dù tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng của gia đình anh T. là khá cao, thế nhưng cặp đôi vẫn không tiết kiệm được đồng nào do phải chi tiêu nhiều khoản. Bảng chi tiêu của hai người như sau:

Tiền ăn: 6 – 7 triệu

Do chưa vướng bận chuyện con cái nên cả hai thường hay ăn hàng, tụ tập bạn bè. Mặc dù không phải bữa nào cũng ăn đồ đắt đỏ, thế nhưng trung bình 1 tháng cũng tốn 6 – 7 triệu đồng.

Làm đẹp, mua sắm: 5 triệu 

Là người mê thời trang, làm đẹp nhưng chị D. không lên kế hoạch mua sắm cụ thể. Thay vào đó, chị thường mua đồ theo cảm hứng. Ngoài ra, mỗi tháng chị D. còn dành tiền đến spa, mua mĩ phẩm…

Du lịch, giải trí: 6 triệu đồng

Do có niềm đam mê xê dịch nên cả hai thường tranh thủ các ngày nghỉ để đi chơi. Trong 1 năm, chị D. cùng chồng sẽ đi du lịch trong nước 4 lần, sang nước ngoài 1 lần. Tính trung bình, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 7 triệu đồng.


Chị D. thường đi mua sắm mà không lên kế hoạch trước. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Đầu tư công nghệ

Anh T. vốn là tín đồ công nghệ. Do đó, anh thường bỏ ít nhất 15 triệu đồng/năm để sắm điện thoại mới hoặc nâng cấp các thiết bị máy móc trong nhà. Đối với anh, đây là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Ngoài ra, cặp vợ chồng trẻ còn phải dành 5 triệu đồng để trả tiền nhà, điện nước; chi các khoản đối nội, đối ngoại, xăng xe hết khoảng 5 triệu đồng.

Cuộc sống của anh T. và chị D. vẫn tiếp diễn như vậy cho đến khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Sài Gòn. Hơn 2 tháng qua, cả hai phải nghỉ làm, không có lương, số tiền trong tài khoản chỉ còn 17 triệu đồng. Cố gắng chắt bóp nhưng vẫn không đủ để sinh hoạt, anh T. chỉ còn cách “cầu cứu” người thân ở quê và vay mượn bạn bè, thường xuyên ăn rau thay thịt, cá.

Tình cảnh này được chính anh T. chia sẻ lên một group nổi tiếng trên mạng xã hội. Người đàn ông này cho biết, hiện cả hai đều cảm thấy tiếc nuối khi quãng thời gian qua đã không chi tiêu cẩn thận. Theo dõi bài tâm sự này, phần lớn cộng đồng mạng đều nhận định vợ chồng anh đã dành quá nhiều tiền cho việc đi du lịch, ăn hàng, mua sắm. Mặc dù việc mua mĩ phẩm, đồ công nghệ có thể là đam mê của mỗi cá nhân, tuy nhiên chúng ta nên dựa theo hoàn cảnh để đưa ra phương án chi tiêu phù hợp.


Rơi vào tình cảnh hết tiền, anh T. mới nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Một số netizen cũng cho rằng, câu chuyện của gia đình chị D. là thực tế mà không ít vợ chồng trẻ hiện nay mắc phải. Tuy nhiều người có mức thu nhập khá tốt, nhưng vì không biết tính toán, đến lúc thực sự cần tiền lại phải đi vay mượn khắp nơi.

Đồng tình với hai quan điểm trên, tài khoản Facebook K.T chia sẻ: “Mọi người hãy dựa theo mức lương của mình rồi lên kế hoạch mua sắm, ăn uống, đối nội, đối ngoại sao cho phù hợp. Khi đã lập gia đình, ít nhất cũng nên có tài khoản tiết kiệm để khi ốm đau, bệnh tật, muốn giúp đỡ người thân còn có tiền dùng đến. Trong mùa dịch như thế này thì càng phải tính toán kĩ hơn.”

Trong khi đó, Facebooker H.L chia sẻ kinh nghiệm tích lũy tiền bạc của mình như sau:

“Quỹ ăn uống: 20% mức thu nhập

Quỹ xăng xe, tiền thoại, chăm sóc người thân: 30% thu nhập

Quỹ du lịch và giải trí: 10% thu nhập

Quỹ đầu tư trí tuệ: 10% thu nhập

Quỹ tiết kiệm dự phòng: 30% thu nhập”.

Suy cho cùng, mỗi người phải xác định được nhu cầu thiết thực của bản thân, từ đó loại trừ khoản chi tiêu không cần thiết. Nếu thực hiện được điều này, vấn đề tích lũy tiền bạc sẽ không còn trở thành nỗi lo đối với nhiều vợ chồng trẻ.

Nguồn: https://www.yan.vn/thu-nhap-toi-30-trieu-dongthang-nhieu-nguoi-van-can-vi-mua-dich-274967.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *