Đạt 28,25 điểm, nhưng nam sinh Đào Quang Khanh ở Hà Tĩnh chỉ đăng ký một nguyện vọng vào Trường Sỹ quan Chính trị Quân sự. Với Khanh, đó là sự lựa chọn duy nhất, em không dám đăng ký thêm nguyện vọng vì gia đình em quá khó khăn.
Ảnh minh họa
“Vì nghèo, nên em chỉ có một sự lựa chọn…”
“Mẹ mất, cha đã già, em gái mới chỉ được 4 tuổi. Em còn nhiều hoài bão, ước mơ, nhưng em chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là vào trường quân sự để được miễn học phí.
Nếu như không đậu, em phải dừng việc học, đi làm thuê, chứ không thể học trường đại học khác được vì nhà em không có tiền”, đó là chia sẻ đầy nước mắt của em Đào Quang Khanh (Lớp 12K, trường THPT Lê Hữu Trác) huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đạt 28,25 điểm.
Em Đào Quang Khanh đạt 28,25 điểm.
Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, không có tài sản gì quý giá của ba cha con em Đào Quang Khanh nằm ở cuối làng Kim Bằng, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Khanh là con trai thứ 2 trong gia đình 3 anh em.
Mẹ Khanh bị chứng bệnh thần kinh phân liệt, sau hơn 1 năm chạy chữa đã đột ngột qua đời khi Khanh bước sang tuổi 17, còn cô em út Đào Quỳnh Trang tròn 2 tuổi.
Tai ương giáng xuống gia đình nghèo, buộc anh trai Khanh là Đào Quốc Bảo phải dừng con đường học vấn, nhường lại cho hai em để vào miền Nam học nghề, kiếm thêm tiền cho cha.
Nhưng vừa vào được 1 năm thì nay lại đang mắc kẹt do dịch COVID-19 không thể về quê.
Ngôi nhà cấp 4 xập xệ của ba cha con Khanh đang sinh sống.
2 năm qua, bố Khanh – ông Đào Quang Thiệu (SN 1968) vất vả nuôi các con ăn, học bằng 4 sào ruộng. Từ ngày vợ mất, ông Thiệu một mình gánh vác trọng trách vừa làm mẹ, vừa làm cha, sát cánh bên các con.
Nhưng sức khoẻ yếu, bị bệnh viêm đại tràng nặng nên ông chỉ chăm gà, nuôi bò và làm ruộng, thi thoảng mới kiếm được ít tiền công từ nghề phụ hồ để nuôi hai con ăn học.
“Vợ mất, tôi gánh vai vừa làm cha, vừa làm mẹ. Cuộc sống dẫu khổ, nhưng vẫn cố gắng làm sao cho các con đi học đầy đủ”, ông Thiệu nói.
Khanh cùng bố và em gái.
Khanh lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, việc mất đi người thân khiến em không dám đứng lên đối diện với sự thật. Không ít lần Khanh ý định bỏ học để đi làm thuê đỡ đần giúp cha.
Nhưng mỗi lần chán nản, chàng trai lại được bố động viên: “Gắng học để sau này lo cho em Trang, nếu dừng lại sẽ lại khổ như bố, như mẹ của con”.
Đó như lời an ủi, tiếp thêm nghị lực để cậu vượt khó, vươn lên và đạt thành tích cao trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT với tổng số điểm 28,25 ở tổ hợp khối C (Văn 8,5, Sử 9,5, Địa 9,5 và 0,75 điểm vùng).
Nhà Khanh nghèo, việc đăng ký vào trường quân sự giúp gia đình em giảm bớt gánh nặng về chi phí học.
Vươn lên từ nghịch cảnh
Với số điểm này, Khanh có thể đăng ký thêm nguyện vọng vào nhiều trường đại học, nhưng nam sinh chỉ đăng ký duy nhất vào Trường Sỹ quan Chính trị Quân sự, Ngành xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước.
Khanh nói, ngoài ước mơ vào trường quân sự, em cũng mong muốn được viết tiếp giấc mơ vào giảng đường đại học theo ngành báo chí. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại, bố già, em nhỏ, Khanh không dám đăng ký vì sợ không có tiền đi học.
Căn nhà trống hoắc chẳng có tài sản gì quý giá ngoài những tập sách vở của Khanh.
“Đam mê của em vẫn là được khoác màu xanh áo lính, để có thể cống hiến sức mình cho tổ quốc. Mấy ngày này em cũng lo, không ngủ được, vì so với điểm chuẩn năm ngoái vào trường thì em còn thiếu 0,25 điểm nữa.
Nhiều người khuyên em đăng ký thêm nguyện vọng, nhưng em không dám đăng ký để đi học vì sợ cha sẽ khổ thêm”, Khanh ngấn lệ.
Nói về học lực, chàng trai e dè: “Em học không có gì nổi bật cả, chỉ đạt danh hiệu học sinh khá”. Khanh chia sẻ, lớp 10, lớp 11 học chưa thực sự cố gắng, nhưng lên 12, em biết chỉ có con đường học vấn mới giúp mình vượt qua số phận, thay đổi được chính bản thân.
Góc học tập của Khanh, nơi cậu khát khao thực hiện ước mơ khoác màu áo lính.
Khi Khanh khao khát được học nhất thì gia đình lại vào lúc túng quẫn, khó khăn chồng chất. Vì không để cha phải lo, Khanh âm thầm đi mượn sách từ các anh chị khoá trên để về tự học, tự ôn luyện.
Thậm chí không đi học thêm mà ở nhà vừa chăn bò, trông em nhỏ rồi tranh thủ lúc rảnh rỗi mới có thể ngồi vào bàn học. Đặc biệt, Khanh chủ yếu tập trung học nhiều nhất từ 4-5 tháng gần thi, có những thời điểm học tới 3h sáng mới nghỉ.
“Để thực hiện được ước mơ vào trường quân sự, em tự nhủ mình phải cố gắng hết khả năng. Em không đi học thêm mà tự học tại nhà, tham khảo các dạng đề trên mạng để làm bài”, Khanh chia sẻ.
Hằng ngày, Khanh vẫn phụ giúp cha đảm đương việc nhà.
Ông Đào Quang Thiệu chia sẻ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vì thế mong muốn con đăng ký vào trường quân sự để giảm bớt gánh nặng.
“Từ ngày biết điểm, tôi vừa mừng, vừa lo. Mong sao con có thể đậu vào trường quân sự, chứ với hoàn cảnh hiện tại, tôi già rồi nếu học trường có học phí sợ không kham nổi”, ông Thiệu ngậm ngùi.
Cô Nguyễn Thanh Lê (Chủ nhiệm lớp 12K, trường THPT Lê Hữu Trác) chia sẻ, Khanh là cậu học trò rất ngoan, nhân cách, ý thức học tập rất tốt. Đặc biệt, dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng em luôn cố gắng, tự vươn lên trong học tập.
Lớp 10, lớp 11, Khanh học cũng khá, nhưng đến lớp 12, học lực em nổi trội hơn hẳn. Em thật thà, hiền lành, luôn cố gắng vươn lên trong học tập, được bạn bè yêu mến. Số điểm đó rất xứng đáng cho sự phấn đấu, cố gắng vươn lên trong học tập của em.
Biết hoàn cảnh của Khanh nên những năm học cấp 3, nhà trường, giáo viên luôn hỗ trợ em trong việc học. Khanh đạt điểm cao, nhưng em chỉ đăng ký nguyện vọng vào trường quân đội vì nhà em quá khó khăn ”, cô Lê chia sẻ.
tienphong.vn/nam-sinh-ngheo-dat-28-25-diem-neu-khong-dau-truong-quan-su-em-se-nghi-hoc-di-lam-thue-post1369661.tpo