“Mắt không thấy thì tim không đau, nhưng tận mắt thấy thì phải nhỏ lệ. Người mẹ bơ phờ nhưng vẫn ráng cười đùa với con, người cha vẫn ráng rướn thẳng lưng để chừa chỗ cho 2 mẹ con”
Lướt mạng xã hội đọc những dòng suy nghĩ vắn tắt của một người qua đường với cặp vợ chồng từ Đồng Nai chạy xe gắn máy về Kiên Giang mà thấy xót xa quá các mẹ. Khi nhiều thành phố phía Nam nới lỏng giãn cách thì cũng là lúc những người con tha hương tìm về quê mẹ, dòng người đổ về quê tuy thưa hơn những đợt trước nhưng vẫn chưa ngớt. Dẫu biết gian khó, dẫu biết hiểm nguy thì họ vẫn chọn về nhà, nhà là nơi có mẹ có cha, có những người thân yêu. Dù sao cũng tránh được cảnh chạnh lòng, tủi thân nơi đất khách quê người.
Có lẽ không ai quên được hình ảnh thai phụ 8 tháng ngồi sau lưng chồng trên chiếc xe đạp cọc cạch từ TP.HCM về quê nhà Sóc Trăng sáng 1/10. Trên đường đi, nhiều người đã tìm cách giúp đỡ 2 vợ chồng chị Ong Thị Bé K. (28 tuổi, Sóc Trăng). May mắn là chiều 1/10, hai vợ chồng chị đã được bố trí đi xe về quê, không phải trải qua cảnh dầm mưa dãi nắng, với một hình hài non yếu trong bụng mẹ.
Người phụ nữ ôm bụng bầu 8 tháng cùng chồng về quê bằng xe đạp
Cưới nhau 2 năm, vợ chồng chị mới có quả ngọt đầu tiên. Nhưng lần khám thai đầu tiên cũng là lúc thai nhi đã 8 tháng. 6 ngày trước khi TP.HCM bình thường mới, anh chị đã quyết định đi bộ về nhà. Tuy nhiên mới đi được một đoạn thì lực lượng chức năng bắt gặp, hỏi thăm. Khi biết hoàn cảnh, các chiến sĩ công an đã khuyên hai vợ chồng nên quay về và hỗ trợ 1 triệu đồng để chị Kiều khám thai. Và đó là lần đầu tiên họ tới phòng khám thai. Đến giờ, khi đã cận kề tháng sanh, họ vẫn chưa biết con mình là trai hay gái, chỉ biết là thai yếu, dọa sinh non, cần phải tẩm bổ nhiều hơn. Trước mắt anh chị là 14 ngày cách ly ở địa phương. Đứa trẻ chưa ra đời đã hòa vào dòng người từ miền Nam đổ về quê, ai cũng mong rằng em bé sẽ chào đời khỏe mạnh, như cách con đã kiên cường ở bên cạnh cha mẹ 8 tháng nay, không 1 viên thuốc bổ và chỉ 1 lần khám thai duy nhất.
Vì mưu sinh, hàng trăm người con phải xa tha hương cầu thực. Khi dịch bùng phát, niềm hy vọng lớn nhất của họ là trở về, được sống cùng người thân, ăn những bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp. Khác với vợ chồng chị Ong Thị Bé K., hành trang của chị Hồ Mộng T. là đứa con mới hơn 1 tuổi và mớ hành trang còm cõi. Với 200 ngàn dằn túi, người mẹ gầy gò với những giọt mồ hôi ướt đẫm áo, một tay vừa bồng con nhỏ, tay còn lại điều khiển xe. Hành trang của hai mẹ con về An Giang chỉ có vỏn vẹn 1 túi xách nhỏ để đựng quần áo và tã lót cho con gái. Dọc đường đi được người dân cho thêm ít sữa và trái cây để ăn dần. Khi nào mệt, chị T. tấp xe vào lề, kiểm tra tã của con, tranh thủ ăn uống, lau mặt mũi tay chân cho con rồi nghỉ ngơi một chút.
Trong người chỉ vỏn vẹn 200 ngàn được em trai cho, chị vẫn quyết tâm trở về quê, nơi có căn nhà nhỏ của mẹ đang bỏ trống
Số phận không may mắn khiến gia đình nhỏ chủa chị T. tan vỡ, chị một mình chăm sóc 2 con. Chị chưa bao giờ nghĩ mình phải về quê bằng xe đạp. Mất việc làm, không thể trả tiền trọ và mua sữa cho con. Chị buộc lòng phải gửi đứa con lớn 7 tuổi cho bà ngoại nuôi giúp và ôm con gái nhỏ đi về quê. Lòng đau thắt khi mẹ phải xa con. Nhưng ít ra thì về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, còn hơn ở lại mà tất cả đều đói. Mới chỉ hơn 1 tuổi nhưng dường như hiểu được khó khăn, đứa con gái nhỏ của chị T ngoan ngoãn ngủ ngon trong vòng tay ấm áp của mẹ. Những người đi đường lắc đầu xót xa trước chiếc xe đạp cọc cạch, rệu rã như chính hai mẹ con chị. Người ngoài thấy đứa trẻ bé bỏng còn xót huống gì mẹ rứt ruột đẻ ra con. Khi được người đi đường hỏi chuyện, chị T. rớt nước mắt vì thương con vất vả. Giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má cháy nắng, chị T. chỉ mong thật mau về tới nhà. Ở đó còn có căn nhà trống của mẹ, còn có những người hàng xóm thân thương.
Dẫu mọi thứ còn khó khăn, chị T. cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người không có phương tiện, phải đi bộ về quê. Trong dòng người đổ về miền Tây, chị được nhiều người giúp đỡ, san sẻ miếng cơm miếng sữa, an ủi động viên.
“Tình người miền Tây quý lắm, mẹ con tôi không cô đơn về quê một mình, còn có những người đồng hương khác hỗ trợ. Một hộp cơm, một lốc sữa, vài câu động viên cũng giúp tôi có niềm tin nhiều hơn”, chị cho biết.
Mắt không thấy thì tim không đau, nhưng tận mắt thấy thì phải nhỏ lệ. Dòng người đổ về quê hương chỉ là tạm thời lúc này, nhất định họ sẽ quay lại Sài Gòn một ngày không xa, bởi thành phố hoa lệ chỉ có thể vươn mình mạnh mẽ khi có họ.
Bài và ảnh tổng hợp từ Vietnamnet, Người Lao Động…
Webtretho