Trước khi tiêm vaccine cho trẻ, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế, không nên tin tưởng hoàn toàn các thông tin trên mạng.
Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang cấp tốc tiêm chủng cho người trên 18 tuổi. Đặc biệt, TP.HCM còn dự tính tiêm vaccine cho đối tượng từ 12 tuổi đến 17 tuổi.
Trước vấn đề này, nhiều phụ huynh thắc mắc: “Trẻ dưới 18 tuổi có nên uống nước tía tô để hạ sốt khi tiêm vaccine ngừa Covid-19“?
Trẻ em có được uống nước tía tô sau khi tiêm vaccine? (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)
Câu hỏi này đã được dược sĩ Nguyễn Thị Nguyên Sinh cùng bác sĩ Phạm Đức Thắng, công tác tại Bệnh viện Y Dược TP.HCM cơ sở 3 tiếp nhận và trả lời. Cụ thể, báo VnExpress đăng tải, cũng giống như người lớn, trẻ sau tiêm chủng sẽ gặp một số phản ứng thông thường như sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, mệt mỏi,… Phản ứng này sẽ dựa theo cơ địa của từng trẻ, nhưng hầu hết đều là hiện tượng bình thường.
Trong thời điểm việc tiêm chủng cho trẻ chuẩn bị được tiến hành, nhiều bậc phụ huynh đã nghĩ đến giải pháp mua tía tô về nấu nước cho con. Theo đó, tía tô là dược liệu giúp hạ sốt, vã mồ hôi, tiêu hóa tốt, giảm đau, giải độc,… rất tốt cho sức khỏe.
Trên thực tế thì chưa có tài liệu chính thống nào cho thấy nước tía tô giúp ngăn phản ứng phụ khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Song song đó, chưa nhà khoa học hay bác sĩ nào lên tiếng về việc uống nước tía tô trước khi tiêm sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine ở trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nếu uống nước tía tô quá nhiều sẽ gây ra vấn đề chướng bụng, đầy hơi và vài tác dụng không đáng có khác. Như vậy, phụ huynh có thể sử dụng cho con nếu muốn cảm thấy an tâm nhưng nên hạn chế.
Tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ giúp trẻ em được bảo vệ trước đại dịch. (Ảnh: Malaysia Today)
Theo các bác sĩ, phản ứng phụ sau tiêm chỉ là vấn đề bình thường cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng bảo vệ và hệ miễn dịch cho con người. Những tác dụng phụ này không kéo dài, chỉ khoảng từ 12 giờ đến 48 giờ là biến mất.
Dược sĩ Nguyễn Thị Nguyên Sinh cùng bác sĩ Phạm Đức Thắng khuyến cáo phụ huynh nên áp dụng một số phương pháp để cải thiện phản ứng sau tiêm cho con như: Áp khăn sạch và mát vào khu vực vị trí tiêm; Tập thể dục cho cánh tay; Cho con uống nhiều nước, mặc đồ nhẹ nhàng hoặc áo 3 lỗ trong điều kiện thời tiết mát. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần lưu ý trường hợp con bị sốt cao (trên hoặc bằng 39 độ C), kèm theo các biểu hiện như tím tái, khó thở, đau bụng, nôn ói,… thì cần đưa ngay vào bệnh viện.
Thông tin từ báo Zing News, các chuyên gia cho rằng có 3 vấn đề cần lưu ý trước khi tiến hành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ, bao gồm: Ưu tiên tiêm đủ cho người lớn có nguy cơ cao; Ưu tiên tiêm chủng cho nhóm trẻ thừa cân, béo phì và mắc bệnh nền; Kỹ càng cho việc lựa chọn vaccine tiêm cho trẻ.
Một số loại vaccine ngừa Covid-19 đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)
Cụ thể, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng thuộc Đại học Y dược TP.HCM cho biết nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở trẻ thấp và ít biến chứng so với người lớn. Số liệu chứng minh đã chỉ rõ rằng tại TP.HCM, số người trên 65 tuổi mắc Covid-19 là 20.108 người, chiếm tỷ lệ 8,29% tổng số ca nhưng số ca bệnh dưới 18 tuổi là 12.536 người, chiếm tỷ lệ 5,16%. Do vậy, các địa phương nên ưu tiên tiêm cho người trưởng thành, khi độ bao phủ ổn định mới tới trẻ em. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm này.
Về vấn đề thứ 2, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), việc ưu tiên tiêm chủng cho trẻ thừa cân, béo phì và mắc bệnh nền là chính xác. Theo đó, bác sĩ cho biết, đa số nhóm trẻ từ 14-16 tuổi có tình trạng thừa cân, béo phì thường diễn biến nặng khi mắc Covid-19. Các tình trạng nguy hiểm thường gặp là suy hô hấp, suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), cơn bão Cytokine,… Như vậy, chúng cần được bảo vệ trước tiên.
Ông Tiến đề xuất nên tiêm chủng cho nhóm trẻ khỏe mạnh tại các điểm cộng đồng. Tuy nhiên, riêng trẻ bị bệnh nền, tiền căn dị ứng, sốc phản vệ, dị ứng vaccine khác,… thì cần phải tổ chức tiêm ở bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn.
Vaccine cho trẻ em phải được chọn lọc kỹ càng. (Ảnh minh họa: Sina)
Song song đó, các bác sĩ cũng chỉ ra rằng việc lựa chọn vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi là vô cùng quan trọng. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ chỉ ưu tiên phê duyệt và sử dụng Pfizer. Riêng vaccine Moderna thì đang được nghiên cứu cho trẻ từ 6 tháng.
Nói về vấn đề này, bác sĩ Khanh nhận định: “Tôi làm ngành nhiễm nhi hơn nửa đời, cũng từng ấy thời gian nghiên cứu về vaccine. Do đó, tôi cho rằng nên chọn vaccine được sản xuất theo công nghệ kinh điển đã dùng nhiều cho trẻ em. Hai công nghệ vectors virus và mRNA có thể nói là quá mới. Hai công nghệ kinh điển an toàn cho trẻ em là vaccine liên hợp và vaccine tái tổ hợp, tái tổ hợp tiểu đơn vị“. Theo ông, những loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có công nghệ an toàn cho trẻ. Trong đó có Novavax (Mỹ), Nano Covax (Việt Nam – chưa phê duyệt), Abdala (Cuba), Soberana 2 (Cuba).
Nhiều nghiên cứu từ các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng việc tiêm vaccine là phương pháp hữu hiệu nhất thời điểm hiện tại để ngăn chặn diễn biến dịch Covid-19. Mong rằng trong thời gian tới, trẻ em sẽ sớm được “bao phủ” hệ miễn dịch.
Nguồn: https://www.yan.vn/tre-di-tiem-vaccine-ngua-covid19-duoc-uong-nuoc-tia-to-ha-sot-khong-279945.html?fbclid=IwAR3Q5Ax6JN4jUTF6rFNJID94rXDFnjH_NQhhZUdx2o2bXu0EeZKRQf8mqXU