Ngay sau khi kết thúc “3 tại chỗ” một công ty đã gửi lời cảm ơn tới toàn thể nhân viên, trong đó có chi tiết cảm ơn những người đã “bỏ” công ty gây tranh cãi.
Trở về trạng thái bình thường mới là điều mong mỏi của người dân và các doanh nghiệp nói chung, thế nhưng, cũng từ đây phát sinh không ít tình huống “dở khóc dở cười”. Và mới đây, một lá thư cảm ơn sau đại dịch của một công ty đã khiến cư dân mạng không ngừng tranh cãi.
Thư cảm ơn của doanh nghiệp đang gây tranh cãi (Ảnh chụp màn hình)
Cụ thể, mạng xã hội xuất hiện lá thư được cho là của một công ty tại Bình Dương gửi lời cảm ơn tới toàn bộ nhân viên. Được biết, ngay khi kết thúc “3 tại chỗ”, doanh nghiệp không khỏi vui mừng thông báo “ngày quay về”.
“Cảm ơn những con người dũng cảm đã bước vào 3TC, mặc dù biết có sự hiểm nguy để giúp cho tất cả chúng ta duy trì được cuộc sống, giúp công ty duy trì được sản xuất qua tháng ngày điên rồ này. Dù đã trải qua 2 lần 3TC xem như không được như mong muốn, nhưng rồi cũng đã dần hồi phục” – nội dung lá thư cho biết. Không chỉ gây chú ý bằng những câu từ hết sức xúc động, thư cảm ơn của công ty này còn có chi tiết đầy tranh cãi: “Xin cảm ơn những người hèn nhát đã bỏ chạy khi cần, để từ đó ta biết trân trọng sự hy sinh thầm lặng của những người ở lại”.
Một công trường thực hiện 3T. (Ảnh minh hoạ)
Ngay sau khi đoạn thư với chi tiết này được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhanh chóng tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội. Theo đó, một số ý kiến cho rằng công ty này đã rất thẳng thắn “vạch trần” nhưng người không nhiệt huyết với công việc. Lúc doanh nghiệp khó khăn cũng là khi cần lắm sự đồng hành và cố gắng của mỗi cá nhân, việc bỏ ngang việc được nhiều người đánh giá là thiếu trách nhiệm.
– “Doanh nghiệp đã cho các bạn công ăn việc làm trong những năm qua thì đây là lúc đồng hành như cách biết ơn để vượt qua sóng gió. Dẫu biết là thu nhập có giảm nhưng chỉ cần vượt qua giai đoạn này thôi, tất cả sẽ dần hồi phục”.
– “Nếu ai cũng biết nghĩ cho tập thể thì chắc hẳn đã không có nhiều doanh nghiệp phá sản rồi. Nhiều người không có việc làm phải nghỉ, đằng này có những người chỉ cần chịu khổ một chút trong thời gian 3T mà không làm được nữa thì sao mà phát triển được”.
– “Một doanh nghiệp muốn duy trì ngoài 1 cung đường 2 điểm đến thì 3T là sự lựa chọn tối ưu rồi. Để thực hiện 3T, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra không ít chi phí, ví dụ như một công trường xây dựng với 200 công nhân là tốn khoảng gần 2 tỷ đồng để chuẩn bị. Nếu biết được những điều này, xin hãy chịu khó một chút để cùng doanh nghiệp vượt qua chứ. Là thư nói như trên cũng đúng. Không có tiền cũng kêu, nhưng chịu khổ chút lại không muốn” – một số người đồng tình cho biết.
Để hướng dẫn công nhân thực hiện 3T rất cần sự kiên trì và cố gắng đến từ 2 phía (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó cũng tồn tại không ít ý kiến trái chiều rằng câu từ của lá thư này có phần quá đáng:
– “Ở lại tiếp tục đồng hành hay không thì cũng không nên đánh giá là hèn nhát. Nhiều người chưa từng trải qua có thể không biết cảm giác 3T thật sự rất bức bối. Họ được quyền lựa chọn môi trường làm việc, và khi cảm thấy không phù hợp thì ra đi cũng là điều dễ hiểu”.
– “Có những gia đình 1 mình nuôi con nhỏ, khi doanh nghiệp bắt 3T thì ai sẽ là người trông con, lo cho gia đình những ngày đại dịch. Công ty này nói như vậy đâm cũng không có tình người, chỉ biết nghĩ cho bản thân họ thôi, ích kỉ”.
– “3T để giúp doanh nghiệp nhưng ai giúp người thân họ thì không ai nói. Chưa kể những ngày đại dịch tập trung 1 chỗ nhiều người sẽ mang tâm lí lo sợ. Cũng phải hiểu cho họ, đừng dùng câu từ quá nặng nề.”
Một số ý kiến của cư dân mạng. (Ảnh minh hoạ)
Được biết, 3T hay còn gọi là “3 tại chỗ” là chỉ đạo được đưa ra đối với các doanh nghiệp trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, các cán bộ nhân viên trong công ty nếu muốn đảm bảo hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên diện rộng sẽ phải sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ tại chỗ.
Đây được coi là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Và quay trở lại lá thư trên, việc người lao động không ở lại đồng hành cùng coogn ty khi dịch bệnh và bị coi là “hèn nhát” vẫn chưa có một cơ sở nào để đánh giá. Dẫu vậy, nó vẫn đang được rất nhiều người quan tâm và tranh cãi trái chiều.