Nhiều phụ huynh lo ngại trước những tác dụng phụ lâu dài mà việc tiêm chủng ngừa Covid-19 có thể gây ra cho trẻ em khi vaccine sử dụng được phê duyệt khẩn cấp.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, PGS-TS Dương Thị Hồng – trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer và Moderna tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Đối với vaccine Pfizer, liều tiêm sẽ tương tự như tiêm chủng cho người lớn. Trẻ em sẽ tiêm 2 mũi tiêm bắp, cách nhau 3-4 tuần.
Việt Nam triển khai tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em. (Ảnh: VN Economy)
Ở các quốc gia đã thực hiện tiêm chủng cho trẻ em, các phản ứng ghi nhận được không khác gì so với người lớn. Hầu hết sau tiêm mũi 1 có thể bị đau đầu, đau khớp, đau cơ. Hoàn thành tiêm mũi 2, số lượng phản ứng ghi nhận được nhiều hơn.
Theo bà Hồng, có 1/100 trẻ em gặp phản ứng nôn mửa sau tiêm, 1/1.000 nổi hạch, 1/1.000 – 1/10.000 gặp phản ứng liệt mặt. Trong khi đó phản ứng viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim là rất ít gặp.
“Phản ứng này gặp nhiều ở trẻ trai hơn trẻ gái, tỉ lệ trẻ trai gặp phản ứng này gấp 4-6 lần so với trẻ gái, một số quốc gia còn ghi nhận cao hơn 10 lần, nhưng thống kê chung đều cho thấy đây là phản ứng rất hiếm gặp.” – bà Hồng phân tích.
Đối tượng trẻ em được tiêm đợt này là từ 12-17 tuổi. (Ảnh: Sức Khỏe Gia Đình)
So sánh phổi người đã tiêm và chưa tiêm chủng khi mắc Covid-19 để thấy tầm quan trọng của vaccine.Trước việc vaccine được phê duyệt khẩn cấp để tiêm, nhiều khả năng chưa được theo dõi nhiều, không ít phụ huynh có con trong độ tuổi từ 12-17 bày tỏ lo ngại rằng sẽ gây ra “phản ứng lâu dài”. Về điều này, bà Dương Thị Hồng giải thích như sau:
“Vaccine sử dụng là vaccine có thành phần mRNA của 2 nhà sản xuất Pfizer và Moderna. Thành phần mRNA của virus hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen và ảnh hưởng về lâu dài như bệnh hiểm nghèo, rối loạn vô sinh như có bậc phụ huynh lo lắng. Đến nay chúng tôi chưa nhìn thấy mối liên quan đến 2 vaccine này.”
Các em học sinh ở TP.HCM xếp hàng chờ tiêm vaccine. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Ngoài ra viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, thế giới hiện nay đã có ít nhất 36 quốc gia triển khai tiêm chủng cho trẻ em bằng vaccine của Pfizer. Trong đó có rất nhiều quốc gia phát triển tại châu Mỹ và châu Âu như Anh, Pháp, Mỹ, Cuba…
Tương tự tại châu Á cũng đã có Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đã và đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Loại vaccine sử dụng được cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo và Bộ Y tế các nước xem xét phê duyệt.
Mặc dù vậy, bà Hồng cũng đưa ra khuyến cáo dành cho trẻ em sau tiêm vì vẫn có những phản ứng hiếm gặp như viêm cơ tim có thể xảy ra. Phản ứng này gặp nhiều hơn ở trẻ em là nam và sau tiêm mũi thứ 2.
Tác dụng phụ đối với trẻ em sau khi tiêm vaccine gần như không đáng lo ngại. (Ảnh: Lao Động)
Phản ứng này đã được ghi nhận tại một số quốc gia triển khai tiêm trước Việt Nam. Vì vậy để đề phòng, trong vòng 3 ngày sau tiêm tốt nhất hạn chế để trẻ vận động mạnh như tham gia chơi thể thao với cường độ cao.
Trong đợt tiêm chủng này mới triển khai cho trẻ trong nhóm tuổi từ 12-17. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa có chỉ định tiêm. Tuy nhiên thời gian tới đây, khi có thêm vaccine tiêm cho trẻ nhỏ tuổi hơn, Bộ Y tế có thể sẽ xem xét để chỉ định tiêm phòng.
Vaccine đang là phương pháp phòng ngừa Covid-19 bền vững nhất hiện nay. Và trước những lời giải đáp của bà Dương Thị Hồng, các bậc phụ huynh có thể yên tâm đưa con em đi tiêm chủng để phòng bệnh.
Nguồn: https://www.yan.vn/giai-dap-lo-ngai-anh-huong-den-gen-cua-vaccine-covid-cho-tre-em-281213.html?fbclid=IwAR236tsIPHJ1Wvn-kaeqka9-R004sBceVZVV3kvpxExM59DL27W7-4kjiG4