Trong cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ thích tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng, khách sạn sang trọng, vừa nhanh gọn lại chứng tỏ được đẳng cấp. Tuy nhiên, cũng có những cặp đôi thích tổ chức tại quê nhà, ghi dấu ấn cho hôn lễ của mình theo cách riêng.
Anh Võ Văn Tâm, 35 tuổi ở xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy làm nghề thiết kế cổng cưới bằng trái cây và lá dừa được 6 năm. Anh cho biết cổng “cây nhà lá vườn” này đã xuất hiện ở miền Tây Nam Bộ từ lâu. Theo thời gian, nhiều người chuộng loại cổng sắt kết hoa giả hơn vì tính tiện lợi.
“Khoảng 5 năm nay, những chiếc cổng cưới dân gian này thịnh hành trở lại nhưng khách hàng có yêu cầu cao hơn về tính thẩm mỹ, độc đáo“, Tâm nói. Mẫu cổng cưới được người miền Tây chuộng nhất là rồng phụng kết bởi trái cau, ớt, đậu bắp… Ngoài ra, anh Tâm còn dùng lá dừa và hoa tươi để tạo hình trang trí xung quanh.
Anh Tâm theo nghề làm cổng cưới đã được nhiều năm (Ảnh: VNE)
Để dựng hình tượng rồng làm cổng, anh Tâm làm khung bằng tre. Anh tạo hình con rồng bằng xốp sau đó dùng đinh nhỏ để đính các loại trái cây và hoa vào. Trên thân rồng có những quả cau xếp sát nhau làm vảy, ớt dùng làm vây lưng, lá dứa làm bờm…Anh Tâm cũng sử dụng thêm mô tơ để đầu rồng, phụng có thể cử động nếu khách yêu cầu.
Một trong những chiếc cổng đắt nhất mà anh Tâm từng thiết kế cho khách, có giá 20 triệu đồng. Chiếc cổng cao gần 4 mét này được kết từ 5 buồng cau khoảng 20 kg dùng để làm vảy. Anh dùng thêm 10kg ớt đỏ và 14kg đậu bắp để làm vây lưng. Cổng được trang trí thêm bằng lá dừa và hoa hồng ngoại nhập.
Cổng hoàn thiện sau 2 ngày bởi 5 người làm. Ngoài mẫu rồng phụng, cổng cưới lá dừa cũng được nhiều người miền Tây lựa chọn bởi giá rẻ hơn, từ 2 – 5 triệu đồng tùy địa điểm. Thời gian hoàn thiện chiếc cổng này chỉ trong một ngày với 3 người làm.
“Không chỉ dành riêng cho người miền Tây, nhiều khách hàng miền Trung, miền Bắc cũng đặt hàng nhờ tôi ra tận nơi làm cổng cưới“, anh Tâm chia sẻ.
Để tạo điểm nhấn cho cổng lá dừa, anh Tâm phải học hỏi cách xếp lá thành hoa, nơ, nón. “Tôi tìm đến các bác lớn tuổi để học cách xếp thêm nhiều loại và xem thêm từ các video hướng dẫn trên mạng nữa”, anh Tâm chia sẻ.
Chiếc cổng cưới đắt nhất có thể lên tới 20 triệu đồng (Ảnh: VNE)
Những tấm phông dùng để khách chụp hình trong lễ cưới cũng được kết hoàn toàn bằng lá dừa nước và dừa trái. Anh Tâm tận dụng và kết hợp lá dừa già màu xanh và lá non màu vàng. Vào mùa cưới, có những hôm anh Tâm nhận làm 4 – 5 cổng. 6 năm nay, anh tập hợp được nhóm thợ với hơn 20 người trong xã, tạo việc làm giúp họ kiếm thêm thu nhập.
Ngoài cổng cưới, anh Tâm còn làm mâm quả trang trí bàn thờ gia tiên với những nguyên liệu từ hoa trái. Giá mỗi cặp như thế này khoảng 2 triệu đồng, được làm bởi hai người trong một ngày. Anh Tâm cũng tự thiết kế cổng cho ngày cưới của mình năm 2020.
“Niềm vui của tôi là chứng kiến cô dâu chú rể và khách của họ trong ngày cưới hài lòng, tươi cười tạo dáng chụp hình kỷ niệm trước chiếc cổng mình làm ra. Những nguyên liệu giống nhau nhưng không có chiếc cổng nào giống nhau cả. Tôi luôn cố gắng học hỏi và sáng tạo mỗi ngày”, anh Tâm chia sẻ.
Nếu có dịp về miền Tây sông nước, tham dự một đám cưới “điển hình”, hẳn sẽ có rất nhiều bạn bị ấn tượng bởi những cổng cưới độc đáo, mới mẻ, nhưng lại được làm từ những nguyên liệu đơn giản như lá dừa, đậu bắp, buồng cau…
Vật liệu đơn giản nhưng sản phẩm lại rất cầu kỳ (Ảnh: VNE)
Lại nói, người miền Tây vốn nổi tiếng bình dị, chân chất, thế nên lúc ban đầu, thời của ông bà cha mẹ, cổng cưới đơn giản và thô sơ. Tuy nhiên theo thời gian, khi tư duy của người trẻ này một hiện đại và mới mẻ hơn, “chất lượng” cổng cưới cũng được nâng cao, thậm chí trở thành một mặt hàng đằng cấp và “xa xỉ”.
Vậy là, từ những nguyên liệu hết sức “cây nhà là vườn”, nhưng qua bàn tay của người thợ tài hoa, qua những khối óc đầy sáng tạo của người Việt, dần dần những cổng cưới trở nên phong phú, đa dạng, sinh động và rực rỡ đầy ấn tượng.
Điển hình như câu chuyện của anh Văn Tâm, một người con của miền Tây sông nước, đã gắn bó và duy trì nghề nghiệp của ông cha nhưng anh không đi theo lối mòn mà luôn trăn trở để nâng cao tay nghề, hoàn thiện bản thân.
Nhờ đó, anh không chỉ công việc ổn định, mà trở nên nổi tiếng, được nhiều cô dâu chú rể tìm đến, mà còn có thu nhập rất tốt và đặc biệt hơn, anh đã tạo công ăn việc làm cho người dân bản xứ, vừa giúp mình vừa giúp đời.
Cổng cưới lá dứa là đặc trưng trong hôn lễ của người miền Tây (Ảnh: VNE)
Ai bảo người trẻ chọn quê hương để lập nghiệp sẽ không có tương lai? Chỉ cần bạn biết tài năng của mình và say mê theo đuổi, thì ở đâu cũng có thể thành công. Lại nói, ông bà xưa có câu khuyên răn con cháu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Nghĩa là, khi bạn có một nghề mà đã đạt đến trình độ tinh thông thì sẽ đạt được những thành công và vinh quang. Ngoài ra câu tục ngữ này còn có ý khuyên cho mỗi người chúng ta nên tự tìm cho mình một hướng đi, theo một lĩnh vực, ngành nghề nhất định. Ý nghĩa của nó cũng rất giống với câu tục ngữ khác: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.”
Một lần nữa, mong những người trẻ hãy như anh Tâm, dù chọn nghề nào cũng hãy hết lòng vì nó, đừng lười biếng, ỷ lại mà hãy sáng tạo không ngừng. Và nếu nghề của bạn có thể gắn bó, làm đẹp cho quê hương thì lại càng đáng tự hào, trân trọng!