Cử nhân đại học lượm ve chai thu nhập 70tr/tháng, từng khóc tủi giữa bãi rác: Rất biết ơn vợ

Anh chàng cử nhân đại học làm giàu với việc mua bán ve chai phế liệu, từng đối diện với nhiều lời gièm pha nhưng sau tất cả đã dùng thành công để chứng minh với mọi người. 

Hẳn nhiều người thường định kiến việc mua ve chai là công việc chỉ dành cho lao động bình dân, hay nói cách khác, đây là công việc “kém sang” khi so với kỹ sư, bác sĩ… Do đó, khi Nguyễn Vạn Tiến quyết định thử sức với công việc thu mua ve chai sau khi tốt nghiệp đại học đã khiến nhiều người khó tin và thậm chí còn cho rằng anh đang lãng phí công sức ăn học nhiều năm ròng.

Năm 2014, Tiến tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh của trường đại học Công nghệ Sài Gòn. Với công việc thu mua ve chai, anh đã có 9 năm gắn bó. Đặc biệt, khác với nhiều chủ vựa ve chai khác, Tiến phát triển “công ty” của mình rất bài bản như đặt tên thương hiệu là “Ve chai chú Hỏa”, lập fanpage, đồng phục của nhân viên có logo của công ty.

Chia sẻ về lý do chọn tên “chú Hỏa” cho công ty của mình, anh cho biết những người Sài Gòn trước năm 1975 hẳn đều nghe đến tên của tỷ phú Hui Bon Hoa (tên thân mật là “chú Hỏa”) vốn làm giàu từ việc thu mua phế liệu. Do đó, khi lấy tên “chú Hỏa”, Tiến mong muốn nhiều người sẽ nhanh chóng “nhận diện thương hiệu” của anh: “À, đây là nơi thu mua ve chai”, cũng như anh hy vọng sẽ lấy chút may mắn từ “ông tổ” ve chai.


(Ảnh Pháp luật và bạn đọc)

Sau gần 10 năm, công ty của Tiến ngày càng phát triển và có hơn 200 đối tác thân thiết. Mỗi tháng, sau khi trừ thuế, chi lương cho nhân viên và các chi phí khác, Tiến “đút túi” khoảng 70 triệu đồng. Tuy không phải là con số quá lớn nhưng cũng là mức thu nhập khá “xịn”, thậm chí gấp 5-6 lần lương của một nhân viên văn phòng.

Kể về ý tưởng khởi nghiệp với công việc thu mua ve chai, Tiến cho biết anh đã tự nhủ từ khi còn học đại học rằng ra trường sẽ mở công ty chứ không làm thuê cho người khác. Sau nhiều cân nhắc, anh cho rằng nghề thu mua ve chai khá triển vọng khi thị trường rộng lớn.

Thời gian đầu, ba mẹ của Tiến phản đối rất nhiều vì chưa mường tượng những gì anh sẽ làm và cho rằng học đại học rồi “mua bán” ve chai là phí công sức. “Khó khăn đầu tiên mình gặp phải là vấp phải phản đối dữ dội của gia đình. Thực sự là không có cha mẹ nào muốn con mình tốt nghiệp Đại học xong lại lấy cân đi mua ve chai, nắng nôi cực khổ. Gia đình không muốn điều đó.

Thứ hai nữa là mình là tay ngang, gia đình không ai kinh doanh về lĩnh vực này. Để bước vào nghề này, mình phải có kinh nghiệm thu mua rất nhiều. Để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, chỉ có cách phải kiếm xe đẩy, đi thu mua ve chai như các cô chú lớn tuổi, hoặc phải vô vựa làm 1 – 2 năm làm giúp việc để tích lũy kinh nghiệm. 

Cái khó thứ ba là vấn đề nhân sự. Giới trẻ không mặn mà gì với công việc này, có thể họ thấy việc cực nhọc quá, dơ bẩn quá!”, Tiến kể lại.

(Ảnh Pháp luật và bạn đọc)

Hành trình nào cũng đều bắt đầu từ một bước chân và không có thành công nào mà toàn trải đầy hoa hồng. Những ngày đầu khởi nghiệp, Tiến bươn chải, không quản khó khăn và học hỏi kinh nghiệm. May mắn của anh là có người vợ luôn bên cạnh, động viên và giúp đỡ nhiều việc.

“Những ngày khởi nghiệp ấy, mình gần như không có ai đồng hành ngoài vợ. Mình biết ơn cô ấy, nhớ mãi cảnh vợ đang mang bầu 4 – 5 tháng vẫn chấp nhận chở giúp mình mấy bao giấy to trên xe máy cũ.

Rồi cũng có những ngày tủi thân lắm vì hàng hóa nhiều, mình nằm gục ở ngoài trời luôn, tự hỏi tại sao mình theo con đường này trong khi không ai hỗ trợ. Có lần thu gom đồ kế hoạch nhỏ ở một trường tiểu học, mình đến lúc 8 giờ sáng thấy một núi rác ở đó. Tới 8 giờ tối mà chưa dọn dẹp xong, mình với bạn nhân viên chân chưa được chạm đất luôn.

Cảm giác bất lực đến phát khóc. Nhưng rồi mình lại nghĩ, không hiểu sao phải khóc khi mình đang đứng trên một núi tiền. Với người ta rác là đồ bỏ, nhưng với mình rác là tiền. Mình đã lỡ theo nghiệp này rồi, công việc của mình cũng đang dang dở, mình tạo cho nhân viên một lời hứa về tương lai. Thế là quyết tâm làm, đã chọn rồi phải cố mà theo”, chủ vựa ve chai tâm sự.

Cuộc đời vốn dĩ không bất công như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu bạn luôn cố gắng hết sức, học hỏi từng ngày, kiên nhẫn vượt khó khăn thì hẳn có ngày sẽ gặt được quả ngọt. Giờ đây, sau 9 năm lăn lộn với công việc mà nhiều người “chê”, Tiến đã ít nhiều thành công và xứng đáng với công sức, tâm huyết đã bỏ ra.

Không có công việc nào là thấp kém hay không “sang”, miễn nó chân chính, không phạm pháp hay trái với đạo đức. Với nhiều người, rác là những gì bỏ đi, không còn dùng đến nhưng với anh chủ trẻ này, rác là tiền, là nguồn thu nhập của nhiều nhân sự trong công ty. Cái tài của chàng trai này là biến công việc tưởng chừng tầm thường trở nên có bài bản, chuyên nghiệp và tạo thu nhập tốt.

Ngoài ra, khi bạn nghiêm túc, học hỏi, thử nghiệm và dành tâm sức cho việc gì đấy thì khả năng thành công là rất cao. Tuy nhiên, có những người vì nôn nóng, không đủ kiên nhẫn nên vội bỏ cuộc. Hãy nhìn câu chuyện của Tiến hay những tấm gương khởi nghiệp khác để “nuôi” hy vọng nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *