F0 tại nhà kiêng tắm, kiêng xông và kiêng ăn: Sai lầm khiến bệnh thêm nặng

Bây giờ là thời đại văn minh rồi mà sao vẫn còn nhiều người giữ lối suy nghĩ cũ kỹ, tự làm khổ bản thân mình. Những tưởng sẽ làm giảm bệnh nhưng lại khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Hôm nọ em ngồi nói chuyện với mấy người bà con mới biết ở quê có người nhiễm bệnh, trở thành F0, nhưng không biết họ suy nghĩ thế nào lại bảo kiêng tắm rửa tận 10 ngày, rồi chưa kể kiêng xông luôn dù có lời khuyên nên xông mũi, họng thường xuyên. Có nhiều trường hợp em còn nghe kể rằng kiêng cả việc ăn, đại khái chỉ được ăn món này, không được ăn món kia.

Thấy sao mà phải kiêng nhiều thứ quá thể, rồi liệu có đúng không? Qua tìm hiểu thì em biết đa phần những người giữ quan điểm đó thường có nếp nghĩ cũ kỹ, chứ thời đại khoa học phát triển, xã hội văn minh tiến bộ thì những điều đó trở nên lỗi thời, thậm chí nó khiến cho bệnh của bà con có thể trở nặng hơn nếu như kiêng cữ không đúng cách.

#1. Kiêng tắm rửa.

Một số người vẫn giữ quan niệm xưa, đang bệnh không được tắm. Nhưng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích, chuyện tắm rửa vệ sinh cá nhân khi trở thành F0 là không nên kiêng cữ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay.

Hơn nữa, nếu không đảm bảo vệ sinh cá nhân thì F0 có thể bị thêm vấn đề sức khỏe khác như nhiễm trùng. Đặc biệt, F0 cách ly và điều trị tại nhà, tuy có tâm lý thoải mái hơn nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là, cần phải chú ý vệ sinh phòng ở, phòng tắm và không gian sống sạch sẽ.

Việc tắm rửa cẩn thận, súc họng kỹ lưỡng là cần thiết để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh nặng và có thể lây cho người cùng nhà nếu như họ chưa phải là F0.

Bà con có thể mua nước muối sinh lý ở nhà thuốc để súc họng hoặc nếu không mua được thì tự pha với công thức 2 muỗng cà phê muối hòa vào 1 lít nước. Trường hợp súc họng chỉ cần hòa tan muối vào nước đun sôi để nguội, nếu muốn dùng để rửa mũi thì dung dịch nên được lọc lại lần nữa bằng bông gòn sạch.

#2. Kiêng xông.

Xông hơi, đặc biệt là xông mũi họng là cách mà nhiều F0 tại nhà thường làm để tự chăm sóc bản thân khi nhiễm bệnh. Bởi triệu chứng khi nhiễm COVID-19 thường tương tự như bị bệnh cảm cúm. Nhưng theo các chuyên gia, việc xông hơi cần đúng cách mới đạt hiệu quả.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Việc xông hơi là phương pháp hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp mà Đông Tây y kết hợp để dùng, về cơ bản là tốt nhưng cần lưu ý:

– Tránh dùng nước quá nóng.

– Nhiệt độ của nước xông chỉ nên khoảng 60 độ C, lúc bắt đầu đổ vào bình xông khoảng 2/3 nước nóng và 1/3 nước lạnh là hợp lý.

– Tinh dầu xông chỉ nên nhỏ vài giọt, chẳng hạn như dầu gió có tác dụng sát trùng nhẹ. Không nên dùng quá nhiều vì nó có thể làm ảnh hưởng đến niêm mạc của đường hô hấp.

– Khi xông ra hết mồ hơi thì phải uống nước bù ngày, vì khi đó cơ thể bị mất lượng nước rất nhiều, nếu không có thể gây tụt huyết áp, rối loạn điện giải. Nếu có sẵn bệnh tim mạch có thể dẫn đến trụy mạch.

Tuy nhiên, bà con đừng nghĩ xông nhiều là tốt. Hiện tại có 2 kiểu xông là xông giải cảm và xông mũi họng. Xông giải cảm là trùm chăn lại để hơi nóng và tinh dầu từ nồi xông giúp vã mồ hôi, nhân tiện xông luôn cả mũi và họng.

Đối với người chưa bệnh, chẳng hạn như F1, F2 chỉ nên xông mũi để dự phòng với tần suất 2 – 3 ngày/lần. Đến khi có triệu chứng bệnh hô hấp thì nên dùng phương pháp xông giải cảm.

Đặc biệt, các đối tượng dưới đây không nên xông giải cảm:

– Người bị cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác.

– Người mắc bệnh ngoài da.

– Phụ nữ có thai.

– Trẻ em dưới 5 tuổi.

Việc xông hơi có thể dùng lá hay tinh dầu là tùy, nhưng chỉ nên dùng lượng ít, đủ để thấy hơi thơm là đủ. Trường hợp thấy cay mắt hay nồng mũi là rất nguy hiểm, phải giảm lượng lá hay tinh dầu lại, vì nó có thể gây tổn thương niêm mạc mũi, liệt khứu giác (mất mùi).

#3. Kiêng ăn.

Không riêng gì bệnh COVID-19, khi mắc các bệnh khác, đa số các bệnh nhân đều rất cần năng lượng, sức lực để bù đắp, vì thế mà cần phải ăn uống đủ chất.

Thời gian qua đã có nhiều tin đồn thất thiệt, kiểu như không được ăn trứng, ăn yến, ăn đồ ngọt, đồ bổ, uống sữa,… điều này chỉ làm hại cho bệnh nhân mà thôi.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhiều F0 nghe đồn không dám ăn dù ở nhà có đầy đủ món bổ dưỡng. Thời điểm đang bệnh, cơ thể rất cần bồi bổ, ăn được món gì thì cứ ăn. Vì nếu kén chọn, kiêng cữ chỉ làm cơ thể thêm thiếu chất, mệt mỏi. Do đó, F0 không cần phải kiêng cữ gì cả, kể cả trẻ con.

Điều mà người ta thường lo lắng ở bệnh nhân COVID-19 là tình trạng biếng ăn do cơ thể bị mất vị giác, khứu giác và mệt mỏi chứ không phải chuyện nên và không nên ăn thứ gì. Vậy nên cứ thèm món gì thì ăn món đó, để cơ thể có đủ năng lượng và sớm phục hồi.

Quan trọng nhất là bà con chỉ cần lưu ý các món chống chỉ định với căn bệnh nền của mình là được. Trường hợp cứ kiêng cữ đủ món, không dám ăn nhiều làm cơ thể thiếu chất, giảm sức đề kháng, nguy cơ bệnh nặng hơn và lâu khỏi bệnh. Thiếu chất cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến nồng độ oxy trong máu (SpO2).

Ngay cả đối với những người béo phì, cố ăn kiêng ngay cả lúc đang bệnh để rồi gặp nguy hiểm vì thiếu chất. Đừng nghĩ béo phì là thừa năng lượng mà phải hiểu là chúng ta cần ăn uống đủ chất khi đang bệnh để sớm hồi phục. Giảm cân là chuyện lâu dài nên để khi khỏi bệnh rồi tính tiếp kế hoạch này nha.

Ảnh minh họa. Nguồn: CDC Đồng Nai và Pexels.

Rồi nay đã hiểu, nếu lỡ thành F0 thì bớt kiêng cữ đi nha bà con. Đừng nghe những lời khuyên cũ kỹ, lỗi thời mà tự làm hại bản thân mình, khiến bệnh càng thêm nặng. Cứ giữ bản thân mình sạch sẽ, thoải mái, ăn ngon ngủ ngon rồi bệnh sẽ mau chóng qua đi thôi.

webtretho

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *