Sahara được biết đến là sa mạc lớn nhất, hoang mạc lớn thứ ba trên Trái Đất, bao phủ phần lớn diện tích Bắc Phi. Nói đến đây là đủ hiểu về độ khô nóng tại nơi đây, đến lượng mưa còn rất thấp chứ đừng nói gì đến việc có tuyết rơi.
Thế nhưng mới đây, nhiếp ảnh gia Karim Bouchetata lại bắt trọn được khoảnh khắc băng tuyết phủ trắng gần kín sa mạc Sahara, khu vực thuộc địa phận thị trấn Ain Sefra, Algeria. Đây cũng là lần thứ 5 trong vòng 42 năm qua thị trấn này đón tuyết rơi. Những lần trước đó là vào năm 1979, 2017, 2018 và 2021.
Tuyết rơi ở Sahara được chụp vào ngày 17/1/2022. (Ảnh: Karim Bouchetta)
Daily Mail có viết, thị trấn Ain Sefra còn được mệnh danh là “cánh cổng sa mạc” khi nằm ngay lối vào “chảo lửa” Sahara, cao khoảng 3.000ft (hơn 900m) trên mực nước biển và được bao quanh bởi dãy Atlas. Nhiếp ảnh gia Karim cũng chính là người may mắn khi vào năm 2018 và 2021 được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc bất thường này.
Nhiệt độ đo được thời điểm tuyết rơi vào đêm ngày 17/1 ở ngưỡng -2 độ C trong khi nhiệt độ thường thấy ở Sahara rất cao, có lúc đạt đến 58 độ C. Qua các bức ảnh do anh Karim chụp được, có thể thấy tuyết rơi khá dày, xen lẫn với những cồn cát vàng tạo nên khung cảnh ấn tượng đến khó tin.
Lớp tuyết khá dày gần như che phủ các cồn cát màu vàng. (Ảnh: Karim Bouchetta)
Nói về hiện tượng tuyết rơi tại sa mạc Sahara, trang The Verge từng đưa ra lời lý giải, cho rằng đây chỉ là một phần trong mô hình khí quyển phổ biến ở Bắc Bán Cầu. Thời điểm từ tháng 11 đến tháng 3 hàng sau, Bắc Bán Cầu dần xa mặt trời hơn dẫn đến các luồng khí cao áp thổi mãnh liệt từ Bắc Cực xuôi xuống vùng khí áp thấp ở xích đạo.
Mặc dù rất hiếm khi không khí lạnh có thể tràn quá sâu qua khu vực xích đạo nhưng không phải là chưa từng có. Khi luồng khí ấm nóng ở phía Nam và luồng khí lạnh ở phía Bắc tích tụ ngày càng nhiều sẽ tạo ra sự cộng hưởng. Lúc này mô hình khí hậu sẽ mất cân bằng và tạo nên những hiện tượng chưa từng thấy.
Nhiếp ảnh gia Karim đã may mắn 3 lần bắt trọn được khoảnh khắc khó tin này tại Sahara. (Ảnh: Karim Bouchetta)
Tình trạng này chính là nguyên nhân dẫn đến một trong những nơi có nhiệt độ cao nhất thế giới như Sahara vẫn có thể bị bao phủ bởi băng tuyết như xứ lạnh. Nhà địa chất học Stefan Kropelin thuộc Đại học Cologne, Đức chia sẻ, không khí lạnh đã tình cờ kết hợp với luồng khí ấm từ vùng biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương rồi tạo ra màn tuyết rơi bao phủ sa mạc Sahara.
Trước đó không lâu vào tháng 12/2021, tại sa mạc Taklamakan cũng ghi nhận một trận bão tuyết hiếm gặp tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Sa mạc Taklamakan nằm ở trung tâm lưu vực Tarim thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Đây cũng là sa mạc lớn nhất nước này và là sa mạc cát dịch chuyển lớn thứ hai trên thế giới.
Khung cảnh đẹp như tranh vẽ tại sa mạc Taklamakan khi có tuyết rơi. (Ảnh: Sohu)
Các hồ nước bên trong ốc đảo cũng đóng băng vì nhiệt độ xuống thấp. (Ảnh: Weibo)
Trang Sina đưa tin, Taklamakan nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt, khô cằn nên mưa và tuyết là rất hiếm gặp. Kể từ năm 2008 thì đây mới là lần thứ 2 sa mạc này có tuyết rơi.
Qua những hình ảnh chụp được, ở những khu vực tuyết phủ mỏng, tuyết có xu hướng bám vào sườn phía tây của các cồn cát trong khi sườn phía đông có ít tuyết. Ở một số khu vực xuất hiện ốc đảo, phần nước tích tụ bên trong cũng đóng băng, phản chiếu với nền trời xanh như ngọc.
Ngoài ra, năm 2018, người dân thành phố Calama, miền Bắc Chile cũng được chứng kiến cảnh tượng tuyết rơi bất thường tại sa mạc Atacama. Trang AP có viết, sa mạc này có địa hình gồm những ngọn đồi, đá, núi lửa và cồn cát trải dài. NASA cùng Hội Địa lý Quốc gia Mỹ còn công nhận Atacama là sa mạc khô cằn nhất thế giới.
Sa mạc khô cằn nhất thế giới cũng từng ghi nhận tuyết rơi. (Ảnh: Ecology)
Trong suốt khoảng thời gian hàng trăm năm, lượng mưa tại Atacama gần như là không đáng kể. Do đó, để nói về việc tuyết rơi tại sa mạc ở Chile này có khi còn khó tin hơn cả việc tuyết rơi tại sa mạc Sahara.
Việc tuyết rơi xuất hiện ở những khu vực đặc biệt thế này quả thực đã khiến không ít người ngạc nhiên.