“Về đâu mái tóc người thương” Hoài Linh mượn cảm xúc về người khác để viết cho chính cuộc tình của mình

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em 
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm 
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói 
Khép tâm tư lại thôi 
Đường hoa vẫn chưa mở lối

Đời lắm phong trần tay trắng tay 
Trời đông ngại gió lùa vai gầy 
Lầu kín trăng về không lối chiếu 
Gác cao ngăn niềm yêu 
Thì thôi mơ ước chi nhiều

Bên nhau sao tình xa vạn lý cách biệt mấy sơn khê 
Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu 
Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu

Đường phố muôn màu sao thiếu em 
Về đâu làn tóc xõa bên rèm 
Lầu vắng không người song khép kín 
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe lá rơi bên thềm

Mỗi khi nghe ca khúc “Về đâu mái tóc người thương”  lại làm tôi nhớ đến người nhạc sĩ chung tình nhất tôi từng được biết đó chính là nhạc sĩ Hoài Linh.

Nói đến nhạc sĩ người ta hay nghĩ tới nào là trăng hoa, đa tình, bay bướm. Nhưng theo như lời kể của vợ ông thì ông không giống như bao nghệ sĩ khác. Lúc sinh thời ông chưa từng mang điều tiếng về việc trăng hoa bên ngoài, điều đó luôn là niềm tự hào của vợ ông mỗi khi nhắc đến chồng mình. Nhưng điều đó lại làm cho người hâm mộ luôn thắc mắc : nếu như ông không đa tình , bay bướm vậy sự lãng mạng trong các tác phẩm lấy từ đâu? Câu trả lời đó chính là người bạn đời của ông hiện tại.

Hai ông bà đều là người gốc Hải Phòng, khi đó bà vừa tròn 18 xuân xanh, cũng có tiếng xinh đẹp nhất trong vùng, có biết bao chàng trai si mê theo đuổi, ông cũng không là ngoại lệ trong số đó. Ngày đó ông cũng tập tành sáng tác, nhưng chưa có ý định xuất bản. Bà là người con gái nết na, hiền dịu, khuôn mặt khả ái và đặc biệt là có mái tóc suông dài óng ả, mỗi lần bà gội đầu xong đều ngồi bên thềm nhà hong tóc cho khô. Chính hình ảnh này là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác bài hát ” Về đâu mái tóc người thương”.

Vì đã thầm thương trộm nhớ bà đã lâu nhưng vẫn không được bà hồi đáp, đến một ngày ông lấy hết dũng cảm ôm đàn hát tặng bà ca khúc “Cô láng giềng” do ông tự sáng tác. Cảm mến trước giọng hát và tài năng của chàng trai si tình bà đã gật đầu đồng ý. Sau khi kết hôn ông đưa bà vào Nam sinh sống và chính thức viết nhạc từ đó.

Tình cảm ông dành cho bà đều thể hiện qua hầu hết các tác phẩm của ông, mỗi lần sáng tác xong một tác phẩm ông đều bảo bà ngồi ông hát cho nghe. Ông luôn quan tâm, chăm sóc cho vợ con, khi con còn nhỏ mọi việc đi chợ nấu cơm ông đều giành phần của bà, thậm chí quần áo của vợ con ông cũng lo nốt.

Những khi bán bài hát có tiền ông thường dẫn vợ con ra ngoài ăn. Điều đó làm bà thật sự cảm động và hạnh phúc, bà luôn cảm thấy mình thật may mắn khi có một người chồng như ông, chỗ dựa vững chắc về tinh thần cũng như vật chất.

Cuộc sống tình cảm vợ chồng ông rất suông sẻ và tốt đẹp nhưng đôi khi những tác phẩm của ông vẫn mượn cảm xúc của người khác để viết nên những bài tình ca nhưng khi thưởng thức bài hát tôi lại có cảm giác như ông viết cho chính cuộc tình của ông vậy.

Câu đầu tiên của bài hát đã diễn tả được vẻ đẹp của người con gái chỉ qua ánh mắt thôi đã làm con đối phương phải sa ngã tâm hồn rồi. Những buổi chiều em hong tóc bên thềm nhà làm cho tâm hồn tôi xuyến xao, bồi hồi thần trí. Ước mong được trao cho em tấm chân tình này nhưng lại ngại em từ chối nên đành cất giấu vào trái tim.

Đời tôi phong trần sương gió nay đây mai đó, hai bàn tay trắng còn em lầu cao gác kín phận nghèo hèn không dám ước mơ xa vời. Tuy gần bên em đó nhưng sao “tình xa vạn lý, cách biệt mấy sơn khuê”, ngày em bước sang ngang “mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu” chỉ biết thầm lặng tiễn em về bên người ấy.

Nơi đây mình tôi lặng lẽ bước dài trên phố vắng, nhưng còn đâu hình bóng em ngày nào “xõa tóc bên rèm”, “lầu vắng không người song khép kín” nỗi nhớ thương này gào thét trong tâm can không làm sao nguôi chỉ biết thầm gọi tên em.

Phù Sa

21/10/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *