Giá vàng trong nước và thế giới có mức chênh lệch cao là do 2 nguyên nhân.
Sáng nay (1/8), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 66,4 – 67,42 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 300.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 1 – 1,02 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 18 triệu đồng/lượng (Ảnh: Việt Đức).
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.763 USD/ounce (tương đương 49,67 triệu đồng/lượng), giảm 3 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,75 triệu đồng/lượng.
Hiện tại, mức chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới vẫn cao, lên tới gần 18 triệu đồng, được một số chuyên gia cho là do thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới.
Hơn nữa, giá vàng trong nước bị tác động bởi tâm lý của nhà đầu tư và có yếu tố phòng thủ của các công ty vàng mà lý do là thương hiệu vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền.
Cụ thể, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 quy định: Nhà nước ᵭộc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng.
Mới đây, trong cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty SJC (thương hiệu được Chính phủ và NHNN lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia) thông tin, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất vàng nhẫn và nữ trang.
Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường nhiều, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.
Như từng chia sẻ trong phiên chất vấn Quốc hội, tại phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng một lần nữa cho biết chênh lệch giá vàng SJC với các thương hiệu khác, giá vàng trong nước và thế giới là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế. Từ năm 2014 tới nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường.
Lãnh đạo SJC cho rằng, giá vàng trong nước và thế giới có mức chênh lệch cao là do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu còn nhiều (Ảnh: Mạnh Quân).
Trên thị trường thế giới, giá vàng vẫn được hưởng lợi sau quyết định tăng lãi suất mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát trở lại mục tiêu 2% và không loại trừ khả năng có “một lần tăng lãi suất bất thường” vào kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Ông Andrew Hunter, nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics cho rằng, lạm phát vẫn là một vấn đề cốt lõi mà ngân hàng trung ương Mỹ cần giải quyết. Do đó, Fed có thể quay lại kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ vào bất cứ lúc nào.
Còn ông George Milling Stanley, chuyên gia từ State Street Global Advisors nhận định, vàng còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. Những bất ổn về mặt kinh tế, chính trị khiến sứ mệnh nơi trú ẩn của vàng được đề cao.
“Hiện tại, các thị trường lo sợ về suy thoái kinh tế hơn là việc Fed tăng lãi suất. Ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại thì Fed cũng khó có thể kiểm soát lạm phát hoàn toàn. Và thị trường không thích điều này nhưng vàng sẽ được hưởng lợi”, ông nói.
Vị chuyên gia dự báo, từ nay cho đến cuối năm, vàng có thể giao dịch trong khoảng 1.800 – 2.000 USD/ounce.
Nguồn Tin: Dantri