Cô gái cho biết mỗi tháng mình đều nhận được thiệp mời cưới và tốn khoản tiền không ít. Có khi cô chẳng biết cô dâu chú rể là ai nhưng vẫn phải bỏ phong bì 500k.
Bây giờ là tháng 9, tức là chúng ta đang từng bước tiến vào mùa gì chị em biết không? Chẳng phải mùa đông đâu, là mùa cưới đó haha. Trong năm thì mùa nào cũng cưới, nhưng riêng thời gian từ tháng 10 đến Tết Nguyên đán là đám cưới khắp nơi. Ai kinh doanh có tiền tấp nập còn đỡ, ai làm lương cố định thì khóc thét với “ma trận” thiệp cưới.
Tôi nhớ đọc trên Zing News có bài đăng về cô gái tên H. (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) đã nói về chuyện mỗi tháng chi gần 3/4 số lương chỉ dành riêng cho việc đi đám cưới. H. chia sẻ: “Mình thường mừng mức chung là 500.000 đồng, còn bạn thân hay họ hàng 1 triệu đồng. Mình bỏ phong bì dựa theo mối quan hệ, còn cỗ bàn mời ở khách sạn hay tại gia không quá ảnh hưởng. Mỗi tháng chỉ cần có 4-5 đám là thấy đau đầu”.
Ảnh minh họa, metropole
Tiền lương có hạn và cũng không phải là người ai mời đám cưới cũng đi, chị H. cho biết có những trường hợp bạn bè cũ, cả năm chẳng nói chuyện tự dưng gửi thiệp mời thì chị sẽ cân nhắc. Có những đám cưới ở quê, mẹ gọi lên muốn chị gửi phong bì 500 ngàn thì chị không thể từ chối được.
“Hôm trước anh họ ở quê lấy vợ, mẹ bắt mình mừng 500.000 đồng dù không về ăn cỗ. Mình thậm chí không nhớ mặt người họ hàng này. Nhiều khi đó là phong tục ở quê, không đi không được. Với bạn bè không thân hay quen biết xã giao, mình không dự cũng không gửi phong bì vì nghĩ khi cưới sẽ không mời đến”, chị H. chia sẻ với Zing News.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng gặp trường hợp như H., thật khó để từ chối bỏ phong bì một đám cưới nào đó. Lương tháng cố định, một số chi tiêu cũng cố định như tiền nhà, tiền xe, tiền ăn… nên không thể cân chỉnh. Còn lại các khoản như tiết kiệm, gửi về cho gia đình thì có khi bị tiền hiếu hỷ làm ảnh hưởng. Ở nơi bước chân ra đường là tốn tiền như các thành phố lớn thì tiền bạc mãi là nỗi trăn trở chưa bao giờ dứt.
Ảnh minh họa, Chothuebanghe, Intietkiem
Không có quy định cụ thể trong số tiền mừng cưới nhưng đa số sẽ từ 500 ngàn đồng trở lên. Càng thân thiết thì càng tốn kém, còn mối quan hệ xã giao thì có khi cân nhắc không đi hoặc chỉ gửi phong bì như phép lịch sự. Nhiều người còn “kinh doanh” trong chính đám cưới của mình, cố gắng tận dụng mọi mối quan hệ để thu tiền. Có khi chủ nhà bị lỗ vốn vì lòng tham mời cho nhiều rồi chẳng ai đi.
Cũng chính vì tâm lý sợ rằng khách không đi hoặc bỏ phong bì không đúng số tiền mong muốn nên chú rể sau đây đã soạn hẳn một trang giấy quy định tiền mừng. Anh kê khai như sau:
“Chi phí phát sinh đám cưới quá lớn nên mong các bạn hữu, cô chú, anh chị khi nhận thiếp xin đi đông đủ và: Đi 1 người (300k), đi 2 người (500k), 1 gia đình (2 vợ chồng + 2 con nhỏ = 1 triệu). Quý khách đi không được vui lòng chuyển khoản tiền mừng vào 2 số tài khoản của cô dâu, chú rể dưới đây! Xin cảm ơn! Đi đám cưới là giữ giùm, rồi sẽ trả lại!”.
Chú rể soạn trang giấy quy định tiền mừng. Ảnh từ Facebook
Dẫu biết là tổ chức đám cưới, cỗ bàn linh đình thì chẳng ai muốn bị lỗ nhưng làm như cách của chú rể trên đây thì xưa nay hiếm có. Tiền bạc là chuyện nhạy cảm chẳng ai dám công khai quy định khách vậy cả. Tuy nhiên cũng có ý kiến ủng hộ vì chẳng phải vị khách nào cũng biết bỏ phong bì sao cho phù hợp:
“Đám cưới mình tổ chức ở khách sạn lớn, đặt suất tiệc tương đối cao nhưng gia đình đi 3 người mà vô tư bỏ phong bì chỉ 300 ngàn. Thế là chấp nhận lỗ trong ngậm ngùi bởi tiền mừng thì khách muốn đi bao nhiêu thì tuỳ, đâu có bắt ép được”, một người chia sẻ.
Dẫu biết đám cưới là sự kiện trọng đại nhất đời người và hầu như nam hay nữ, ai cũng muốn mình được tổ chức đám cưới với người thương. Nhưng nếu nhận được thiệp cưới từ người khác, dù là thân thiết trong gia đình hay bạn bè thì chẳng phải lúc nào cũng vui vẻ. Giống như chị H., chẳng biết mặt cô dâu chú rể vẫn phải bỏ phong bì.
Vậy là một mùa cưới nữa lại đến…