“Cứ trung bình mỗi phút có một máy bay cất hay hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Những lúc cao điểm khoảng cách này chỉ vỏn vẹn 30 giây.
Hầu như tất cả các loại máy bay dân sự lẫn quân sự đều có mặt ở phi trường này, từ những chiếc phản lực đời mới đến các chiếc cánh quạt cũ kỹ, từ những loại trực thăng đến các chiến đấu cơ siêu thanh…”.
Hơn 40 năm trôi qua, cựu phi công Huỳnh Minh Bon vẫn không quên một thời Tân Sơn Nhất được mệnh danh là phi trường bận rộn nhất thế giới.
Ngay cả các chuyên gia hàng không Hoa Kỳ trợ giúp thời kỳ này cũng phải khẳng định nhân viên Việt Nam ở Tân Sơn Nhất, đặc biệt là bộ phận không lưu, phải rất giỏi, rất chuyên nghiệp và có thần kinh thép mới đảm đương nổi lượng phi suất khổng lồ này…
Mỗi phút một chuyến bay
Ngày 2-4-1967, tờ Sài Gòn báo số 134 đã giật một tít lớn “45.000 phi cơ lên xuống Tân Sơn Nhất trong một tháng”.
Ngoài thông tin Tân Sơn Nhất đang sắp hoàn thành đường băng hạng A thứ hai, một đoạn trong bản tin này còn ghi: “Chiến tranh tại Việt Nam đã làm phi trường Tân Sơn Nhất thành một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới với trung bình 45.000 phi cơ đủ loại cất và đáp mỗi tháng”.
Tính ra một ngày Tân Sơn Nhất có 1.500 chuyến bay lên xuống, tức chưa đầy mỗi phút lại có một lượt máy bay bất kể ngày đêm.
Các tài liệu đặc biệt hiện còn lưu trữ cũng khẳng định Tân Sơn Nhất đã có sự phát triển nhanh hơn cả hoạch định của các kỹ sư hàng không lẫn nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam.
Nếu như vào năm 1959 phi trường này mới đón nhận 104.000 hành khách, thì đến năm 1967 đã tăng lên 1.150.000 người.
Và hai năm sau, tức năm 1969, số lượng hành khách đi và đến từ Tân Sơn Nhất lên tới 2.312.000 người.
Tuy nhiên, những con số hành khách này vẫn chưa thể hiện đầy đủ thực tế máy bay vận hành nhộn nhịp ở phi trường.
Bởi đây là thời kỳ chiến sự, số phi suất chiến đấu cơ (chở ít người) cất và hạ cánh ở Tân Sơn Nhất cao hơn gấp nhiều lần hàng không thương mại.
Năm 1960, lượt máy bay cất – hạ cánh ở phi trường 40.000 chuyến, đến năm 1962 con số này là 862.000 chuyến, cao nhất trong các sân bay châu Á và đứng tốp đầu thế giới.
Ông Hàn Khải Nguyên, nhân viên an ninh Tân Sơn Nhất trước năm 1975, kể: “Các vòng an ninh chung bên ngoài thuộc trách nhiệm quân đội.
Bởi từ năm 1955, phi trường này thuộc khu vực quân sự, gọi là yếu khu Tân Sơn Nhất dưới sự kiểm soát của lực lượng không quân.
Bộ phận chúng tôi chỉ kiểm soát các cổng ra vào máy bay nhưng vẫn liên tục quá tải, căng thẳng. Lúc ấy nhân viên hàng không dân sự còn rất ít người so với bây giờ trong khi người dân các tỉnh xa đi lại chủ yếu bằng máy bay, vì đường bộ bất tiện và chiến sự không an toàn”.
Đến năm 1970, miền Nam thời Việt Nam cộng hòa có lẽ là nơi có số lượng phi trường nhiều hàng đầu thế giới với tất cả 500 phi trường lớn nhỏ phục vụ dân sự và quân sự thời chiến.
Trong đó có 8 phi trường lớn với đường băng trên 2.500m như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang… có thể tiếp nhận các loại máy bay lớn như Boeing 727, 707, DC8.
Còn lại có đường băng nhỏ hơn với 4 phi trường có đường băng 1.800 – 2.500m, 3 phi trường đường băng 1.280 – 1.800m, 60 phi trường đường băng 1.060m – 1.280m, 15 phi trường đường băng 900 – 1.000m và các sân bay trực thăng.
Phi trường Tân Sơn Nhất trước 1975 – Ảnh tư liệu
Bốn lần nâng cấp nhà ga
Để phục vụ lượng khách ngày càng gia tăng, nhà ga Tân Sơn Nhất đã được nâng cấp bốn lần từ năm 1954 – 1975. Từ diện tích 1.800m do Pháp để lại, năm 1956 – 1957 được mở rộng lên 2.500m. Ba năm sau, nhà ga được xây thêm thành 2.800m.
Nhưng đến năm 1964 tiếp tục được mở rộng hơn gấp ba lần thành 6.000m. Ngoài các phần diện tích của Ty Hành dịch, văn phòng các hãng hàng không, hành khách có một khu đại sảnh dài 72m, rộng 15m và có cả một sân thượng cho người dân Sài Gòn vào ngắm cảnh máy bay lên xuống ở phi trường.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, nhà ga này lại bị quá tải và chính quyền miền Nam Việt Nam phải tiếp tục mở rộng lần thứ tư lên đến 10.800m.
Trong đó, nhà ga hiện hữu số 1 rộng 6.000m dành cho khách quốc tế, xây thêm 3.000m làm nhà ga số 2 quốc nội và nhà ga số 3 rộng 1.800m dành cho quân nhân bay quốc tế.
Dự án được thực hiện từ năm 1969 đến năm 1972 với tổng số vốn 1 triệu USD do Mỹ viện trợ và 300 triệu đồng của chính quyền miền Nam.
Tổng cộng từ năm 1960 – 1972, Tân Sơn Nhất đã được đầu tư tất cả 35 triệu USD của Mỹ viện trợ và 600 triệu đồng Việt Nam.
Đặc biệt, ngay sau khi nhà ga rộng 10.800m vừa đưa vào sử dụng, một dự án mở rộng mới lại được trình lên Phủ Tổng thống Việt Nam cộng hòa.
Bởi khu vực đón khách quốc tế hiện hữu chỉ có thể đón nhận lượng hành khách 250 người từ một chuyến bay, trong khi thời đại Boeing 747 đã đến với số lượng hành khách đông gần 500 người.
Tổng diện tích nhà ga xây mới đợt này sẽ tối thiểu phải đạt diện tích 30.000m, thành nhà ga phi trường lớn hàng đầu thế giới nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông.
Ngày 7-1-1971, giám đốc Nha Căn cứ hàng không Nguyễn Đức Súy đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt với thành phần mở rộng gồm các phái đoàn viện trợ Mỹ, Tổng cục Tiếp vận Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh không quân, Nha Hàng không dân sự… để nghiên cứu dự án phát triển Tân Sơn Nhất thời hậu chiến.
Các mục tiêu đặt ra là quy hoạch phi trường đến năm 1990, hoạt động máy bay hạng nặng Boeing 747.
Ngoài các ý kiến mở rộng thêm quy mô Tân Sơn Nhất, đại tá Nguyễn Văn Tám, Tổng cục Tiếp vận, đã đề xuất tương lai Tân Sơn Nhất sẽ quá tải và nên xây mới một sân bay nữa ở vùng Dĩ An nằm ngay cửa ngõ thuận lợi Sài Gòn – Biên Hòa – Bình Dương.
Tuy nhiên, tình hình chiến sự và bước ngoặt lịch sử đã làm các dự án này không thể thực hiện được.
Hành khách thời chiến
Nhắc nhớ một thời khó quên, bà Trần Thị Phượng, hành khách thường xuyên của tuyến Sài Gòn – Pleiku, kể: “Cha tôi là công chức Sài Gòn được biệt phái lên hỗ trợ Pleiku, nên mẹ con tôi thỉnh thoảng lại bay lên thăm cha.
Hồi đó, khoảng những năm 1966-1967, chúng tôi phải ra bến xe của Air Việt Nam gần khách sạn Rex để chở đến cổng kiểm tra an ninh chung, chứ không được cá nhân ra vào tự do như bây giờ.
Các cô tiếp viên mặc áo xanh da trời, đội mũ calô, đeo găng tay trắng phục vụ rất lịch sự, nhưng máy bay tuyến này thời đó chỉ có loại cánh quạt DC4, DC6 chở mỗi lần vài chục người. Hành khách lên máy bay còn được phát bông gòn bịt tai giảm ồn.
Chuyện trễ chuyến cũng hay bị lắm, nhiều khi lịch bay của chúng tôi từ Pleiku về Sài Gòn vào buổi sáng, nhưng hơn 4 giờ chiều mới lên được máy bay. Về tới Sài Gòn, thành phố đã lên đèn”.
Bà Phượng nhớ thêm hồi đó đi nước ngoài còn có nhiều hãng khác, nhưng bay trong nước chỉ có mỗi Air Việt Nam.
Trước năm 1975 Tân Sơn Nhất có 16 công ty hàng không nước ngoài khai thác bay quốc tế. Trong đó các hãng đông khách nhất là PANAM, Air France, Cathay… Ngoài chở khách dân sự, các hãng này còn chở cả quân nhân Mỹ và đồng minh.