Chuyện ít biết về hai vị vua bị truất ngôi triều Lý

Triều Lý tồn tại 216 năm với 9 đời vua thay nhau trị vì, tuy nhiên trong lịch sử, ngoài những người nổi dậy xưng vương xưng đế dưới triều đại này còn có hai vị vua mang dòng máu hoàng thất nhưng lại không được công nhận là vua chính thống.

Nhà Lý truyền đến đời vị vua thứ 7 là Lý Cao Tông thì triều chính bắt đầu đi xuống, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Sử chép: “Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Hoàng tử Lý Thầm 7 tuổi bị bắt lên ngôi vua

Vua Lý Cao Tông ở trên ngôi báu hơn 30 năm nhưng ông không quan tâm đến chính sự, bỏ bê thiết triều, chỉ ham vui chơi săn bắn, lại thích xây dựng cung điện to đẹp, xa hoa làm cho nhân dân khổ nhọc, lầm than, loạn lạc, chống đối xảy ra nhiều nơi.

Mùa thu, tháng 8 năm Đinh Mão (1207), vua thấy giặc cướp nổi lên như ong bèn hối lại lỗi xưa, nhân đó hạ chiếu rằng: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới.

Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại” (Đại Việt sử lược).

Tuy nhận ra sai lầm của mình nhưng đã quá muộn, vương triều Lý không thể vực dậy được nữa, bản thân Lý Cao Tông cũng không có phương sách để khắc phục tình hình, ngược lại ông là vị vua Lý đầu tiên phải đi chạy loạn.

Tháng 7 năm Kỷ Tị (1209) vì giết oan một trung thần là Phạm Bỉnh Di nên bộ hạ của ông ta tức giận làm loạn, đánh phá kinh thành, sử thường gọi là “loạn Quách Bốc” khiến Lý Cao Tông phải bỏ chạy khỏi Thăng Long, lẩn tránh lên vùng Quy Hóa Giang (nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và một phần của tỉnh Yên Bái); mấy tháng sau nhờ lực lượng của họ Trần vua mới trở về được kinh đô.

Chính trong sự biến loạn này, một hoàng thân được đưa lên ngôi vua, đó là hoàng tử Lý Thầm, con thứ của Lý Cao Tông.

Lý Thầm (có sách chép là Lý Thẩm) sinh vào tháng 8 năm Nhâm Tuất (1202), Lý Cao Tông lấy làm mừng mới ban chiếu đổi niên hiệu thành Thiên Gia Bảo Hựu. Khi “loạn Quách Bốc” xảy ra, Lý Cao Tông chạy lên Quy Hóa Giang, Quách Bốc vào cung tôn hoàng tử Lý Thầm lên ngôi tháng 7 năm Kỷ Tị (1209) khi mới 7 tuổi, nhiều đại thần trong triều liền theo vua mới.

Sử chép: “Bọn Quách Bốc xông vào, lấy chiếc chiếu của vua bó xác Bỉnh Di và lấy xe của vua chở xác Bỉnh Di, vượt qua cửa thành, rút ra bến Đông bộ đầu; rồi lại quay vào cung Vạn Diên, lập con thứ vua là Thầm lên làm hoàng đế. Bọn Đàm Dĩ Mông và Nguyễn Chính Lại đều nhận chức ngụy quan cả” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Danh nghĩa là vua nhưng Lý Thầm thực chỉ là “con rối” trong tay đám phản loạn, và không lâu sau khi chạy khỏi Thăng Long, Lý Cao Tông dựa vào lực lượng họ Trần dẹp được “loạn Quách Bốc”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: “Anh em họ Trần họp hương binh để dẹp loạn, rước vua về kinh sư, khôi phục chính đạo. Trừng trị bọn Quách Bốc làm loạn, xử tội theo thứ bậc khác nhau”.

Không thấy sử sách chép về số phận của Lý Thầm ra sao, nhưng có lẽ Lý Cao Tông biết người con nhỏ của mình “bị bắt phải làm vua” trong tình thế hỗn loạn nên bỏ qua không xét tội. Về danh nghĩa, Lý Thầm ở ngôi vua được khoảng 5 tháng.

Trần Tự Khánh lập Huệ Văn vương lên ngôi vua (Hình minh họa )

Về hậu vận của Lý Thầm, sử sách không nhắc đến nhưng các nguồn dã sử và thư tịch địa phương cho hay, sau này ông xuất gia đi tu. Ông tìm đến làng Thượng Phúc (tên Nôm là Kẻ Hạ) nằm bên bờ con sông Nhuệ, thấy đất đai trù phú, phong cảnh êm đềm bèn dựng am thờ Phật tu hành tại đây, rồi dần dần am trở thành chùa gọi là Bảo Tháp tự (nay thuộc thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Sau khi Lý Thầm viên tịch, dân làng an táng và dựng tháp thờ Ngài, cho rằng đã đắc đạo thành Bồ Tát, thành Phật nên chùa Bảo Tháp còn gọi là chùa Bồ Tát; đến nay ở chùa vẫn giữ đôi câu đối:

Hộ quốc, xuất gia, bát đại thiên hoàng quang Lý diệp,

Chân thân hóa Phật, thiên thu địa mạch dũng liên hoa.

Nghĩa là:

Giúp nước, tu hành dòng dõi tám đời nhà Lý,

Chân thân thành Phật, ngàn năm địa mạch đài sen.

Vì là người sáng lập ra chùa nên Lý Thần được tôn làm vị sư tổ của chùa; về thứ bậc ông là em vua Lý Huệ Tông, là chú của Lý Chiêu Hoàng vì thế đôi câu đối ở cổng Tam bảo đã nói lên những điều ấy:

Quốc thúc quốc sư, tân giáo truyền khai thập bát tử,

Phật vương Phật tổ, linh thanh vĩnh điện trang hạ Thanh Oai.

Nghĩa là:

Chú của vua, sư của nước, mở nền Phật giáo công lao triều Lý;

Vương thành Phật, Phật thành Tổ, tiếng anh linh còn mãi ở Thanh Oai.

Lý Nguyên vương làm vua trong thời loạn

Tháng 10 năm Canh Ngọ (1210) Lý Cao Tông lâm bệnh mất, thọ 37 tuổi, ngôi vua được truyền cho con trưởng là Lý Sảm (tức Lý Huệ Tông). Thời gian trị vì của Lý Huệ Tông là 14 năm (1210-1224) nhưng tình hình ngày càng trầm trọng, rối ren trong khi vua thì không có tài đã khiến vai trò của triều Lý dần đi đến hồi kết.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đến đời Huệ Tông cái rường mối hư hỏng của thiên hạ đã quá lắm mà vua thì không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa mối hư hỏng lâu ngày thì làm thế nào được”.

Bấy giờ thiên hạ đại loạn, các thế lực địa phương nổi dậy cát cứ đánh lẫn nhau, danh nghĩa là theo lệnh triều đình dẹp giặc nhưng lại bất tuân mệnh lệnh của vua, trong số các thế lực đó phải kể đến lực lượng họ Trần, họ Tô ở Lưu Gia (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình), Đoàn Thượng ở Hồng Châu (địa bàn chính nay thuộc Mỹ Hào, Hưng Yên), Nguyễn Nộn ở Tiên Du lộ Bắc Giang (nay thuộc Bắc Ninh)…

Sau loạn “loạn Quách Bốc”, họ Trần mà đứng đầu là Trần Tự Khánh được giữ chức vụ quan trọng trong triều chính nhà Lý, vây cánh thế lực ngày càng mạnh. Vua Lý Huệ Tông và Thái hậu Đàm thị rất lo lắng về thế lực họ Trần. Đầu năm Qúy Dậu (1213) Trần Tự Khánh đem quân về kinh xin đón xa giá, vua ngờ có chuyện phản nghịch bèn ban chiếu lệnh cho tướng sĩ ở các đạo, hẹn ngày phát binh đánh.

Nhưng khi ra quân đối trận, Lý Huệ Tông thất thế phải chạy lên Trĩ Sơn thuộc Lạng Châu (nay là Lạng Sơn) rồi xiêu dạt đi Binh Hợp (nay là Phượng Nhãn, Bắc Giang) rồi về Nam Sách (nay thuộc huyện Nam Sách, Hải Dương)…

Trần Tự Khánh chiếm được kinh đô Thăng Long, sai người đem thư gặp hoàng đế hồi cung xin trở về, nhưng Lý Huệ Tông không nghe. Trần Tự Khánh bèn triệu tập các vương hầu, bá quan bàn việc cải lập, sai người đón Huệ Văn vương đến Hạc Kiều, lập làm vua mới.

Sách Đại Việt sử lược cho biết, tháng 3 năm Giáp Tuất (tháng 4 năm 1214), Huệ Văn vương lên ngôi ở điện Đại An, đổi niên hiệu mới là Càn Ninh, xưng là Nguyên Vương.

Huệ Văn vương là tước hiệu, không rõ tên thật là gì, chỉ biết ông là con thứ của Lý Anh Tông, không rõ mẹ ông là ai; cũng không rõ ông là anh hay em của Lý Cao Tông. Tiếng là làm vua nhưng Lý Nguyên Vương không có thực quyền, mọi việc trong triều do Trần Tự Khánh quyết định, việc cướp phá kho tàng, đốt cháy cung thất ở kinh đô đều do Trần Tự Khánh làm mà không thèm để ý đến thái độ của Nguyên Vương.

Sau khi Lý Huệ Tông lần lượt dựa vào thế lực khác nhau nhưng vẫn không dẹp được loạn lạc, một số bị thất bại về tay Trần Tự Khánh vì thế đến đầu năm Bính Tý (1216), Lý Huệ Tông có ý lại quay về nương nhờ anh em họ Trần.

Tháng 4 cùng năm, Trần Tự Khánh sai bộ tướng Vương Lê đem thủy quân đi đón Ly Huệ Tông, sau đó bãi bỏ niên hiệu Càn Ninh, phế vua Nguyên Vương xuống làm Huệ Văn vương như cũ.

Lý Nguyên Vương ở ngôi được 2 năm (1214-1216), đến tháng 6 năm Tân Tị (1221), ông qua đời, không rõ thọ bao nhiêu tuổi. Vua Lý Huệ Tông cho bãi triều năm ngày và ăn chay ba ngày để tỏ ý thương tiếc. Bốn năm sau khi Lý Nguyên Vương mất, họ Trần đoạt ngai vàng từ tay nhà Lý với “màn kịch” Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh vào ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225)…

Tác giả Lê Thái Dũng. Bài gốc từ Baophapluat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *