Có rất nhiều trường hợp F0 đột ngột trở nặng, đôi khi các bác sĩ trở tay không kịp. Vì thế, bản thân người bệnh khi thấy một số dấu hiệu nguy hiểm là phải gọi cấp cứu ngay.
Không nói tới mức độ lây nhiễm nhanh, người bệnh lại không có triệu chứng nhiễm bệnh, nhưng khi F0 trở nặng lại cực nhanh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) nói rằng, với F0 đang ở bệnh viện thu dung hay đang được cách ly tại địa phương hoặc tại nhà, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi các triệu chứng.
Các triệu chứng xuất hiện ở F0 cần báo ngay cho cơ quan y tế, bao gồm:
Đầu tiên là khó thở: Khi đang nằm ngửa mà F0 cảm thấy khó thở quá phải ngồi dậy, hay đang ngồi nhưng phải ngồi thẳng dậy mới dễ thở hơn.
Thứ 2 là nhịp thở nhanh: Nhịp thở trên 20 lần/phút.
Thứ 3 là bị đau hoặc tức ngực thường xuyên.
Thứ 4 là nếu có thiết bị đo SPO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) được kẹp đầu ngón tay, cần chú ý khi nó xuống dưới 95%.
Thứ 5 là người bệnh trở nên không còn tỉnh táo.
Thứ 6 là khi môi, da và móng tay nhợt nhạt, thậm chí bị tím tái lại.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh cho biết, đây là các dấu hiệu căn bản cho thấy virus SARS-CoV-2 đã dần dần ảnh hưởng nặng đến hệ hô hấp. Lúc này cần gọi ngay y tế phường nếu ở nhà, hoặc gọi nhân viên y tế nếu ở bệnh viện thu dung hoặc khu cách ly tập trung.
Ngoài ra, F0 vẫn cần bình tĩnh ngồi hít thở sâu trong khi chờ đợi, hoặc có thể nằm sấp để dễ thở hơn trong thời gian chờ lực lượng y tế đến hỗ trợ.
Nhận biết F0 ‘khó thở giả’
Đôi khi, do lo lắng quá mức người bệnh có thể bị khó thở giả.
“Cách phân biệt trường hợp khó thở giả hết sức đơn giản: thử ngồi chậm rãi hít thở sâu, hít bằng mũi thật sâu, đầy hơi vào bụng, sau đó từ từ thở ra bằng miệng. Nếu như làm 1 hồi thấy dễ thở hơn, hoặc có chuyện gì đó làm chú tâm, sau đó tự thấy… dễ thở trở lại, thì cứ yên tâm “khó thở” đó là báo động giả. Không có chuyện F0 chuyển nặng mà lúc khó thở, lúc không”, bác sỹ Khanh cho biết.
Theo bác sĩ Khanh, hiện nay, đa số các F0 có thể trải qua căn bệnh một cách nhẹ nhàng, không triệu chứng hoặc chỉ tương đương một cơn cảm vặt. Thậm chí nhiều người vẫn thừa khỏe mạnh và làm việc trực tuyến trong thời gian chờ đưa đi hoặc khi ở các bệnh viện thu dung.
“Tuy nhiên, bao giờ cũng nên nhớ bệnh này có 1 tỉ lệ bệnh nhân nặng nhất định và nhiều người đã chuyển nặng rất nhanh. Các F0 đang ở trong bệnh viện thu dung, đang được cách ly tại địa phương hay tại nhà, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi các triệu chứng. Nếu không triệu chứng, đừng làm gì vì bệnh này không có thuốc ngừa”, bác sĩ Khanh cho biết.
Bác sỹ Khanh cũng nói thêm, khi thấy những triệu chứng thông thường giống những lần cảm cúm trước, hãy tự chăm sóc mình: uống thuốc hạ sốt, giảm ho, giảm đau, nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất…
“Những thứ thuốc này không giúp trị nCoV, mà là trị triệu chứng. Khi không bị triệu chứng làm cho mình mệt mỏi, người bệnh sẽ khỏe lại giống như các cơn cảm cúm trước đây”, bác sỹ Khanh giải thích.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng khuyến cáo rằng: ” Các F0 cần giữ phòng ở vệ sinh, thông thoáng, ăn, ngủ, nghỉ bình thường là được”.
Nguồn: http://abctodaytimes.com/2021/11/27/f0-o-nha/?fbclid=IwAR0_h6e1XBMsZ3YC1KInjIEN1ZmfiFiDnMc7pTJVL_DFudbXla4OKwtQzN4