TIN VUI: 1,05 triệu liều vắc xin Covid-19 Made in Việt Nam đầu tiên đã xuất xưởng, sẵn sàng đưa vào tiêm chủng

Hiện nay, lô vắc xin Sputnik V đầu tiên 1 triệu liều sản xuất ở Việt Nam đã sẵn sàng đưa vào tiêm chủng cho người dân.

Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua khi xuất hiện những biến chủng mới như Delta đòi hỏi cuộc chiến chống dịch bệnh của Việt Nam phải chuyển qua một giai đoạn mới với nhiệm vụ hàng đầu là nhanh chóng tự chủ vắc xin.

Hơn 1 triệu liều vắc xin Covid-19 Made in Vietnam đầu tiên đã xuất xưởng

Xác định vắc xin là chìa khóa quan trọng để đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo cấp cao cũng như các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh các hoạt động ngoại giao tích cực, khẩn trương để đưa vắc xin về nước thì công tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cũng được đặc biệt quan tâm.

Thực tế là, bằng ngoại giao vắc xin, hàng trăm triệu liều vắc xin từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã về đến Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào công tác phòng chống dịch, từng bước mở cửa xã hội.

Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao nhất. Xác định tầm quan trọng của ngoại giao vắc xin, ngày 13.8.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công thương, Khoa học – Công nghệ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra những lô vắc xin về Việt Nam

VGP

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin nhằm hướng tới tự chủ sản xuất vắc xin ngay tại Việt Nam.

Với Liên bang Nga, Việt Nam không chỉ tiếp cận được nguồn vắc xin của Nga mà còn đạt thỏa thuận về chuyển giao công nghệ để gia công vắc xin Sputnik V, Sputnik Light tại Việt Nam, tiến tới tự chủ nguồn vắc xin mà không phải sử dụng ngân sách nhà nước.

Ngày 26.8, một bước ngoặt lớn đã trở thành hiện thực. Lô vắc xin Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất nhượng quyền giai đoạn đầu từ bán thành phẩm vắc xin tại VABIOTECH đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.

Lễ bàn giao lô vắc xin Sputnik V đầu tiên cũng đã được VABIOTECH tiếp nhận tại Hà Nội với sự tham dự của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko

Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Theo thỏa thuận với Viện Gamalaya, vắc xin Sputnik V do VABIOTECH sản xuất sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng toàn dân.

Bên cạnh đó, thỏa thuận với nhà sản xuất vắc xin Sputnik của Nga không chỉ đáp ứng nhu cầu của Việt Nam mà còn có tiềm năng đưa chúng ta trở thành trung tâm sản xuất vắc xin cho khu vực và thế giới.

Đây là thành quả mà VABIOTECH với sự đồng hành của tập đoàn SOVICO đạt được sau những nỗ lực không ngừng nghỉ khi đánh giá được tầm quan trọng của vắc xin trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, có gần 100 quốc gia phê duyệt vắc xin Sputnik V của Nga. Đây cũng là loại vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép.

Các dữ liệu tiêm chủng ở nhiều quốc gia cũng cho thấy khả năng của Sputnik trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Tại Việt Nam, vắc xin Sputnik V cũng đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cơ sở sản xuất của VABIOTECH

VGP

Vắc xin Sputnik được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus, là một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen. Để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài, các nhà khoa học Nga đã đưa ra một ý tưởng là sử dụng hai loại vector adenovirus khác nhau (rAd26 và rAd5).

Viện Gamalaya của Nga đang đưa vào sản xuất đại trà loại vắc xin Sputnik Light chỉ cần tiêm một liều, thuận tiện hơn rất nhiều về chi phí và thời gian cho việc sản xuất, vận chuyển và tiêm chủng vắc xin.

Theo viện Gamalaya, khả năng chống biến thể Delta – loại biến thể đang gây ra nỗi kinh hoàng tại nhiều nước, của Sputnik V và Light dao động trong khoảng cao từ 83% đến rất cao là 94%.

Trước đó vào tháng 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Nga Mikhail Murashko từng khẳng định, “Sputnik V là vắc xin phòng ngừa hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại biến chủng Delta” không chỉ tại Nga mà còn trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Denis Logunov, người đứng đầu chương trình nghiên cứu vắc xin Sputnik tại Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya cho biết:

“Hiệu quả của vắc xin Sputnik V đối với biến thể Delta là trên 90%. Sputnik V cho thấy sự suy giảm hiệu quả đối với biến thể Delta thấp hơn bất kỳ loại vắc xin nào khác đã công bố kết quả nghiên cứu tính hiệu quả của chúng với biến thể Delta”.

Trong khi đó, năng lực nội tại của ngành sản xuất vắc xin Việt Nam cũng rất đáng tự hào. Phía Nga đã thẩm định và đánh giá rằng vắc xin của nhà sản xuất tại Việt Nam đã đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu.

ảnh minh họa

Từ kết quả của sản xuất gia công Sputnik V, VABIOTECH đã sẵn sàng cho sản xuất Sputnik Light được phát triển từ gốc thành tố 1 của Sputnik V.

Với việc hợp tác sản xuất vắc xin, Việt Nam không chỉ tự chủ được nguồn vắc xin cho toàn dân mà còn đứng trước cơ hội trở thành trung tâm vắc xin của khu vực, giúp vắc xin được xuất khẩu tới các quốc gia khác một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Hiện nay, lô vắc xin Sputnik V đầu tiên 1 triệu liều sản xuất ở Việt Nam đã sẵn sàng đưa vào tiêm chủng cho người dân.

Trước đó, 1,5 triệu liều vắc xin Sputnik V đã được tiêm miễn phí cho người dân 7 tỉnh, thành phố. Năng lực sản xuất của VABIOTECH đã sẵn sàng cho 5 triệu liều vắc xin Sputnik V hoặc Sputnik Light mỗi tháng.

Đã có hơn 20 nước phê chuẩn Sputnik Light và Việt Nam cũng đang trong quá trình phê chuẩn. Từ nay, vắc xin Made in Việt Nam đã sẵn sàng đảm bảo hoàn toàn chủ động, tự chủ cho 100 triệu dân Việt Nam.

Nguồn https://thanhnien.vn/1-03-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-made-in-viet-nam-dau-tien-da-xuat-xuong-post1405237.html?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *