Chị Lê Hoàng Yến, 31 tuổi, cùng gia đình tự test nhanh tại nhà bằng loại kit không có tên trong danh sách được cấp phép, 8 lần đều kết quả âm tính, nhưng xét nghiệm RT-PCR thì 5 người dương tính.
Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên tự mua kit xét nghiệm nhanh Covid-19 bán “trôi nổi” trên thị trường và ngoài danh mục các bộ kit đã được cấp phép. Người mua có thể gặp hàng giả, kết quả xét nghiệm không chính xác dẫn đến chủ quan hoặc lo lắng không cần thiết.
Cuối tháng 7, chị Yến mua 10 bộ kit xét nghiệm nhanh, loại lấy mẫu nước bọt, giá 1,5 triệu đồng. Trong danh mục các loại test nhanh Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, không có tên kit mà chị Yến mua.
Ngày 12/8, chị có dấu hiệu mất khứu giác, người mệt mỏi, sốt nhẹ như cảm cúm nên tự làm test nhanh.
Theo đúng các bước như video hướng dẫn sử dụng kit do người bán cung cấp, chị lấy nước bọt cho vào ống đựng, thêm dung dịch đệm, rồi nhỏ hỗn hợp này vào ô bệnh phẩm trên khay test. Chị làm 4 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau hai ngày, khay test hiện một vạch ở vị trí ghi chữ C (control), tức là kết quả âm tính.
Sau đó, mẹ và chị gái chị Yến xuất hiện các triệu chứng tương tự. Mỗi người tự tiến hành xét nghiệm nhanh hai lần, kết quả âm tính.
Nghi ngờ kết quả này không chính xác, có thể là âm tính giả, ngày 20/8 chị Yến xét nghiệm RT-PCR dịch vụ, kết quả khẳng định dương tính nCoV, chỉ số CT là 22. Nhân viên y tế phường tới test nhanh cho cả gia đình phát hiện 4 người khác, gồm mẹ, chị gái, con trai và cháu gái của chị Yến đều dương tính.
“Tôi rất thất vọng vì mua phải hàng kém chất lượng, vừa tốn tiền vừa không chính xác khiến cả nhà tôi chủ quan không phát hiện sớm được Covid đã vào nhà”, chị Yến nói.
Hiện, chị Yến đã được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 12, phường An Khánh, TP Thủ Đức, những người khác tự cách ly tại nhà. Chị hy vọng lần xét nghiệm tới sẽ sớm có kết quả âm tính, hoặc CT trên 30 để có thể về nhà chăm sóc người thân.
Theo bác sĩ Phạm Lê Duy, giảng viên bộ môn Sinh lý bệnh và Miễn dịch, Đại học Y Dược TP HCM, các loại test nhanh có độ chính xác khoảng 90% so với xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Tuy nhiên, độ chính xác còn phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu, cách thực hiện, đọc kết quả. Bên cạnh đó, người dân nên mua bộ kit bán tại các nhà thuốc, theo danh mục mà Bộ Y tế cấp phép sử dụng, tránh mua sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, hàng giả và không được hướng dẫn đúng, chi tiết.
Một trong số 4 test nhanh Covid-19 có kết quả âm tính chị Yến đã sử dụng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Gia đình anh Đống Minh Luân (27 tuổi, ngụ quận 7) và anh Trần Hồng Quân (29 tuổi, ngụ quận 4) mua kit test nhanh tại các hiệu thuốc, loại lấy mẫu dịch tỵ hầu. Họ cho hay không gặp khó khăn gì trong việc dùng que tăm bông phết dịch mũi, do đã từng được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm vài lần trước nên biết “cữ” để dừng lại. Trước khi tự test, họ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo thêm thông tin từ Bộ Y tế, các tờ báo uy tín, hỏi trực tiếp bác sĩ gia đình, hoặc bác sĩ trong các nhóm tư vấn sức khỏe online.
Sau nhiều lần test, anh Luân kết quả dương tính. Gia đình anh Quân thì chỉ có người vợ đang mang bầu 4 tháng dương tính. Mặc dù vậy, kết quả này không đủ khiến họ tin tưởng 100% vào độ chính xác của kit test. Vợ anh Quân không có bất kỳ triệu chứng nào cho thấy mắc Covid-19, hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Đến khi xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính nCoV với chỉ số CT là 16, chị mới tin đã mắc bệnh.
Còn biểu hiện bệnh ở anh Luân khá mơ hồ, giống như một cơn cảm cúm nhẹ. Anh đã liên hệ y tế phường nhiều lần song chưa được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, do đó anh chưa thể kiểm chứng để biết mình có thực sự mắc Covid-19 hay không. Tuy nhiên, tránh tình huống xấu nhất, anh vẫn coi mình là F0, chủ động cách ly tại nhà.
Thúy Liên, 22 tuổi, ngụ quận Tân Bình cũng là trường hợp thiếu tin tưởng vào kết quả tự test nhanh tại nhà. Nữ sinh viên chia sẻ, ngày 1/8, cô đi tiêm vaccine phòng Covid-19, sau đó bắt đầu có những dấu hiệu bệnh. Gặp khó khi không thể liên hệ với y tế địa phương để được xét nghiệm tầm soát, Liên mua online ba bộ test nhanh (loại lấy dịch tỵ hầu) của một hệ thống nhà thuốc lớn tại TP HCM, tổng giá gần 450.000 đồng.
“Tôi được nhân viên tổng đài của nhà thuốc tư vấn rất chi tiết các bước lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm, xử lý sau lấy mẫu, đọc kết quả…”, Liên cho hay.
Ban đầu, khi đưa que tăm bông vào mũi, Liên hồi hộp, run tay, co cơ khiến đầu tăm bông chọc vào thành mũi đau nhói, cô phải nhờ chị gái giúp đỡ. Một vạch đỏ ngang chữ C xuất hiện sau 15 phút chờ đợi. Liên vừa mừng vừa nghĩ đến tình huống “âm tính giả”, bởi các triệu chứng ho, đau họng, sổ mũi, mất mùi vị, tức ngực và khó thở nhẹ của cô không thuyên giảm. Liên dự tính sẽ nhờ chị gái lấy mẫu dịch mũi test lần hai trong vài ngày tới.
Tổ quân y cơ động ở phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM đến tận nhà hướng dẫn test nhanh cho người dân ngày 23/8. Ảnh: Quỳnh Trần
TP HCM ngày 22/8 đã chính thức thí điểm cho người dân các vùng cam, đỏ (nguy cơ cao) tự test nhanh Covid-19 tại nhà. Những ngày này, lực lượng y tế lưu động trên toàn thành phố đang dốc sức triển khai xét nghiệm toàn dân, truy vết F0 bằng cả test nhanh và RT-PCR. Các đội y tế đưa kit test đến tận nhà dân và hướng dẫn cách tự lấy mẫu xét nghiệm.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) cũng đã ban hành hướng dẫn cụ thể quy trình tự xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà cho người dân.
Theo https://vnexpress.net/am-tinh-gia-vi-tu-xet-nghiem-bang-kit-mua-troi-noi-4345603.html