Người dân địa phương lo sợ những thi thể không được trục vớt sẽ khiến sông Hằng – vốn là một trong những nguồn nước ô nhiễm nhất thế giới – ngày càng ô nhiễm trầm trọng.
Ẩn hiện giữa đám cỏ lau sậy mọc dài, những thi thể được bọc trong lớp vải màu nghệ tây lặng lẽ trôi xuống dòng sông Hằng linh thiêng như một lời nhắc nhở về cuộc khủng hoảng do làn sóng thứ 3 của đại dịch COVI.D-19 đang khiến các bệnh viện và lò hỏa táng trở nên quá tải.
NHỮNG THI THỂ TRÊN “DÒNG SÔNG MẸ”
Các gia đình ở miền Bắc và miền Đông Ấn Độ đã quyết định thả trôi thi thể của người thân họ xuống sông hoặc chôn cất trong những ngôi mộ đào nông bên bờ sông vì họ không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ tang lễ vào thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh vào cuối tháng 4 – đầu tháng 5 vừa qua.
Nhưng mùa lũ đến đã khiến dòng nước trên sông Hằng chảy xiết, cuốn trôi một số thi thể được vùi trên bờ cát xuống sông.
Những thi thể được vùi nông trên bờ sông Hằng. Ảnh: Getty
Các quan chức ở Allahabad – một trong những thành phố linh thiêng nhất của đạo Hindu, nơi có hàng triệu người đến để tổ chức tang lễ bên dòng “sông mẹ” – cho biết trong vòng 3 tuần qua, họ đã phát hiện và trục vớt 150 thi thể trên sông và đem đi hỏa táng.
Việc hỏa táng cũng được tiến hành ngay ở bờ kè ven sông, bên những chồng gỗ chờ đến lượt thiêu thi thể mới.
Trước đại dịch, dòng sông Hằng vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Getty
Phóng viên AFP đã đến quan sát các khu vực xung quanh và tận mắt chứng kiến hàng chục thi thể bị chìm một phần dưới sông.
Giới chức địa phương ước tính có tới 600 thi thể được chôn dọc theo bờ sông Hằng trong thành phố Allahabad trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh.
Tuy nhiên, người dân địa phương thì tin rằng con số đó chỉ là một phần nhỏ so với thực tế, và lo ngại rằng rất nhiều thi thể có thể sẽ bị dòng nước cuốn trôi khỏi bờ cát trong những tuần tới.
Nhiều gia đình nghèo không đủ tiền làm tang lễ cho người thân nên đã quyết định thả thi thể trôi sông. Ảnh: Reuters
Sonu Chandel, một người chèo thuyền hợp tác với một lò hỏa táng ven sông, cho biết ông cảm thấy ám ảnh khi chứng kiến cảnh các gia đình chôn cất người chết cách đây hai tháng.
Cảm giác bất an đã trở lại với Chandel khi mực nước sông Hằng dâng lên, ngập cả đôi bờ.
Chandel nói với AFP: “Tôi thật sự rất buồn khi thấy những người nghèo phải chôn cất những người thân của họ theo cách này, nhưng mực nước sông dâng cao càng làm tình hình tồi tệ hơn”.
“Tôi luôn có nỗi sợ rằng sẽ có một thi thể vướng vào mái chèo hoặc mạn thuyền của tôi khi nước sông dâng lên”, ông nói.
“DÒNG CHẢY QUÁ MẠNH”
Các trung tâm tôn giáo lớn khác ở miền Bắc Ấn Độ, chẳng hạn như Varanasi ở phía hạ lưu sông Hằng, cũng đối mặt với những vấn đề tương tự.
Người dân địa phương lo sợ những thi thể không được trục vớt sẽ khiến sông Hằng – vốn là một trong những nguồn nước ô nhiễm nhất thế giới – ngày càng ô nhiễm trầm trọng.
“Điều này có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm”, Dipin Kumar, một người sinh sống gần sông Hằng ở Allahabad, nói với AFP.
Những thi thể được vùi nông trên bờ cát sông Hằng. Ảnh: Reuters
Sông Hằng – dòng sông linh thiêng nhất ở Ấn Độ – được người theo đạo Hindu tôn thờ như một nữ thần và được xem như người ban tặng và đón nhận sự sống.
Những người hành hương đổ về sông Hằng để tắm trong dòng nước thiêng, và trước đại dịch, hàng triệu người theo đạo Hindu đã hỏa táng người đã khuất dọc theo bờ sông Hằng trước khi rải tro xuống dòng sông này.
Khi đại dịch bùng phát mạnh, số lượng thi thể được chôn cất dọc bờ sông hoặc thả trôi sông Hằng cũng đã tăng mạnh, do nhiều người không đủ tiền mua củi và các đồ vật cần thiết khác cho tang lễ.
Người dân địa phương cho biết chi phí đám tang – có thể tốn hơn 7.000 rupee (100 USD) – khiến những người vốn đang phải vật lộn để kiếm sống trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì đại dịch càng gặp thêm nhiều khó khăn hơn.
Hiện lực lượng cảnh sát và lực lượng ứng phó thảm họa của địa phương đang tuần tra trên sông để tìm kiếm các thi thể.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, tình trạng nước chảy xiết đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Một cảnh sát nói với AFP: “Dòng chảy quá mạnh khiến việc trục vớt thi thể vào lúc này là một thách thức lớn”./.
(Theo AFP)
https://doanhnghieptiepthi. vn/an-do-dong-song-me-than-khoc-de-lo-su-that-dau-long-gioi-chuc-bat-luc-vi-dong-nuoc-qua-manh-161213006114453678.htm