Áo dài là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Trải qua từng thời kì với những cách tân và biến đổi không ngừng nhưng chiếc áo vẫn giữ được những đường nét cơ bản, làm tôn lên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt. Từ thuở ban đầu đến nay, chiếc áo dài đã thay đổi như thế nào?
Áo giao lĩnh (Thế kỷ XVII)
Kiểu dáng sơ khai của chiếc áo dài ngày nay chính là áo giao lĩnh có từ thế kỉ XVII. Áo giao lĩnh hay còn gọi là áo đối lĩnh với form dáng rộng, cổ chéo. Thân áo được may bằng 4 tấm vải với đường xẻ hai bên hông và dài chấm gót. Áo giao lĩnh thường được mặc cùng với áo yếm, thắt lưng màu và váy đen.
Áo Giao Lĩnh
Sự ra đời của áo giao lĩnh bắt nguồn từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát ra cai trị đàng trong hay còn goi là vùng đất phía Nam. Để phân biệt hai vùng Nam Bắc, chúa yêu cầu tất cả phụ tá của mình mặc quần dài bên trong áo lụa. Từ đó, ta có hình ảnh của bộ áo dài đầu tiên.
Áo tứ thân và ngũ thân (Từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX)
Theo các nhà nghiên cứu để tiện hơn trong việc lao động sản xuất của người phụ nữ tầng lớp bình dân, chiếc áo giao lĩnh được may rời 2 tà trước để buộc vào với nhau, hai tà sau may liền lại thành vạt áo. Loại áo này thường may màu tối, được xem là chiếc áo mộc mạc, khiêm tốn mang ý nghĩa tượng trưng cho 4 bậc sinh thành của hai vợ chồng.
Áo tứ thân
Dựa trên cơ sở của chiếc áo tứ thân, đến thời vua Gia Long áo ngũ thân xuất hiện. Áo có cổ và phom rộng, cũng bốn vạt như áo tứ thân, nhưng được may liền nhau thành hai tà trước và sau như áo dài. Vạt con thứ năm được may dưới tà trước như một mảnh áo lót kín đáo như để tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội. Giai cấp quan lại quý tộc thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp nhân dân lao động. Loại áo này rất thịnh hành cho đến đầu thế kỷ XX.
Áo dài Le Mur (1939 – 1943)
Kiểu áo này được cải biến từ áo ngũ thân do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Áo dài Lemur là tên được đặt theo tên tiếng Pháp của bà. Khác với phom dáng rộng truyền thống, áo dài Le Mur ôm sát đường cong cơ thể với nhiều chi tiết Âu hóa như tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đính nơ…Áo chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, khuy áo được mở sang bên sườn nhằm nhấn thêm vẻ nữ tính. Kiểu áo này thịnh hành đến 1943 thì bị lãng quên.
Áo dài Lemur
Áo dài Lê Phổ
Áo dài Lê Phổ là sự kết hợp của áo tứ thân và áo dài Le Mur. Năm 1950, họa sĩ Lê Phổ bỏ bớt những nét lai căng, cứng cỏi của áo Le Mur, đồng thời đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Yếu tố cải cách ở áo dài Lê Phổ là phần tay áo, kỹ thuật dệt may cho ra đời vải có khổ rộng. Tỷ lệ cách tân dừng lại 20%. Sự dung hợp này quá hài hòa, vẹn vẻ giữa cái mới và cái cũ, được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt.
Áo dài Lê Phổ
Từ đây, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó, và từ bấy giờ đến nay dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân cách điệu, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên.
Áo dài với tay raglan (1960)
Vào thập niên 60, nhà may Dung ở Đakao Sài Gòn đã sáng tạo ra mẫu ao dài Raglan hay còn gọi là áo dài giắc lăng. Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn đồng thời giải quyết được những nếp nhăn hai bên nách áo. Phần eo áo dài có 1 sợi dây thun mỏng kéo vòng eo. Hai tà áo nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.
Bản vẽ áo dài raglan
Áo dài chít eo, áo dài mini ( 1960 – 1970)
Những năm 60, việc sử dụng áo ngực đã phổ biến, đặc biệt là với những phụ nữ thị thành. Kiểu áo dài chít eo, áo dài mini xuất hiện với phần chít eo rất chặt cùng với chiếc áo ngực sẽ phô diễn được trọn vẹn đường cong của người phụ nữ. Những năm cuối của thập niên 60, áo dài mini rất thịnh hành với nữ sinh Sài Gòn vì sự thoải mái, tiện lợi. Tà áo hẹp và ngắn đến gần đầu gối, áo rộng và không chít eo nhưng vẫn may theo đường cong cơ thể.
Áo dài chít eo
Áo dài hiện đại (1970 – nay)
Những năm gần đây, thiết kế áo dài có bước tiến vượt bậc. Áo dài có nhiều kiểu dáng hơn và cũng được may bởi nhiều chất liệu khác nhau, từ voan đính hạt đến gấm, lụa. Cổ áo cũng có nhiều dạng cách tân, thậm chí còn được biến tấu để mặc cùng quần jean trong trang phục biểu diễn. Dù biến hóa thế nào, áo dài vẫn giữ được sự duyên dáng, uyển chuyển, hồn cốt của nó, vừa gợi cảm vừa kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.
Áo dài hiện đại