Chỉ sau gần 1 tuần hoạt động, nhóm thiện nguyện ở thành phố Đà Lạt đã gửi xuống Sài Gòn hơn 10 tấn rau củ.
Chiều ngày 9/7, sau giờ nghỉ trưa, một nhóm bao gồm nhiều bạn trẻ sinh sống và làm việc tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) lại tiếp tục với công việc thu hoạch rau củ quả. Hoạt động này không nhằm mục đích thương mại, những sản phẩm nông nghiệp tươi ngon này sẽ được gửi xuống Sài Gòn, dành tặng cho bà con trong những ngày giãn cách.
Nhóm thiện nguyện hỗ trợ công tác nhổ rau, đóng gói gửi về Sài Gòn.
Anh Trương Hoài Nam – trưởng nhóm tình nguyện này vốn là người Sài Gòn, lập nghiệp tại Đà Lạt. Anh cho biết, trong lần trò chuyện với một người bạn cũ biết được Sài Gòn đang thiếu lương thực, đặc biệt là rau xanh. Băn khoăn suy nghĩ một thời gian, anh Hoài Nam quyết định liên hệ với một vài chủ vườn rau lớn ở thành phố Đà Lạt, thu gom rau củ (chủ yếu là xà lách, tần ô,…) rồi đóng gói gửi về.
Anh Hoài Nam hỗ trợ mọi người để kịp tiến độ đã đặt ra.
Vào buổi chiều, Đà Lạt thường có mưa nên mọi người tranh thủ làm việc sau giờ nghỉ trưa.
Ban đầu, nhóm của anh Hoài Nam chỉ có khoảng 9 đến 10 bạn, hầu hết đều là anh em chơi chung, tham gia nhổ rau và đóng gói. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày, nhóm của anh đã tăng lên 20 tình nguyện viên (có hôm tăng lên 30 người). Nhờ nhiệt huyết từ các bạn trẻ, cộng hưởng với tính hào sảng, thân thiện của các chủ vườn rau tại Đà Lạt, nhóm tình nguyện đã gửi tặng Sài Gòn hơn 10 tấn rau tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những bó rau tươi được đóng thùng cẩn thận để giảm thiểu việc dập nát, hư hỏng.
“Mọi người đều rất vui vẻ, dù làm việc đến 7 hoặc 8 giờ tối mới xong. Khó khăn lớn nhất có lẽ là việc đóng gói, vì hầu hết tụi mình đều là tay ngang, không thạo việc như các bác nông dân nên rau khi di chuyển có thể bị dập hoặc hư. Tuy nhiên, đó là tấm lòng thơm thảo của người Đà Lạt nên hi vọng mọi người thông cảm” – Anh Nam chia sẻ.
Để có những thùng rau tươi gửi xuống Sài Gòn mỗi ngày, nhóm phải bỏ tiền túi để mua thùng, bao bì. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng các bạn trẻ ở Đà Lạt vẫn rất nhiệt tình, có người nhà xa hàng chục cây số vẫn chạy lên vườn phụ giúp anh em.
Mọi người làm việc vui vẻ, tích cực.
Rau được bó và đóng gói cẩn thận từng ngày, sau đó gửi liền trong đêm. Tại Sài Gòn, bạn của anh Nam sẽ tiếp nhận, sau đó điều phối hợp lý để chia cho các bếp ăn từ thiện, chùa chiền và người có hoàn cảnh khó khăn, tất nhiên, những bó rau tươi ngon này đều miễn phí.
Trước nhiều bình luận cho rằng nên bán kiếm lời thay vì tặng 0 đồng, anh Nam cho biết: “Tụi mình làm điều này không suy nghĩ nhiều. Khi mình giúp đỡ được những người khó khăn là bản thân thấy vui rồi. Tiền thì ai chẳng muốn kiếm, nhưng đôi khi, nhiều thứ còn quý hơn cả tiền. Thấy mọi người ở Sài Gòn mua rau quả giá cao mà xót xa“.
Để thuận tiện, mọi người vác rau từ ruộng lên đường lớn tập kết.
Rau được xếp gọn gàng trong từng bao, tập kết trên đường lớn để vận chuyển ra bến xe.
Được biết, trong tương lai gần, nhóm thiện nguyện của anh Nam còn dự định lập gian hàng rau 0 đồng để giúp đỡ bà con Sài Gòn vượt qua giai đoạn này. Nhắn nhủ với Sài Gòn, anh Hoài Nam thổ lộ: “Hi vọng mọi người cùng cố gắng vượt qua thời điểm này. Sài Gòn sớm “hết bệnh” để mình còn về thăm Sài Gòn nữa. Cố lên nhé!“.
Bà con ở Đà Lạt, ai cũng mong Sài Gòn sớm hết dịch.
Một số cô chú lớn tuổi cũng tham gia hỗ trợ các bạn trẻ làm việc.
Trước khi dịch bùng phát, anh Hoài Nam là một hướng dẫn viên du lịch và kinh doanh thêm quán cà phê. Thế nhưng, gần 2 tháng qua, công việc này phải tạm dừng vì không có khách, thậm chí “không có đồng nào trong ví”. Dẫu vậy, chàng trai này vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như Tủ bánh mì 0 đồng, hỗ trợ điểm rau 0 đồng tại trung tâm thành phố Đà Lạt và vận chuyển hàng rau củ về Sài Gòn.
Hi vọng, với những món quà thiết thực, san sẻ lúc khó khăn từ “vùng đất mộng mơ” Đà Lạt, Sài Gòn sẽ sớm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.