Không biết tiếng Anh hay tiếng Việt nhưng cô nàng Irina đã bán bánh ở nhiều nơi của trung tâm Sài Gòn suốt nhiều tháng qua. Điều gì khiến một người phụ nữ có một cuộc sống êm ấm ở đất nước châu Âu xa xôi đến mưu sinh tại Việt Nam?
Cô nàng Irina vui mừng vì đắt khách và được nhiều trẻ em Việt Nam ủng hộ
Tình cờ đi chợ Tân Định, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ nước ngoài đi bộ, đội nón bo, mặc quần áo lịch sự mang một thùng xốp phía trước với nhiều loại bánh ngọt. Người này nở nụ cười thật tươi, đi chào hàng khắp nơi trong chợ, người bán và người mua rất ít giao tiếp mà dùng ngôn ngữ hình thể để nói chuyện với nhau. Hỏi những người xung quanh thì mới biết người phụ nữ này đã bán bánh ở đây nhiều tháng nay, ai cũng quen.
Lân la lại hỏi chuyện, tôi mới biết bà ấy tên Irina Khmilnikova (47 tuổi) là người Belarus, không thể nói tiếng Việt và tiếng Anh. Bà kể mình có thể nói tiếng Nga và tiếng Belarus. Tôi đã hẹn bà một buổi uống trà đá ven đường vào một buổi chiều, khi bà vừa bán bánh xong trước một trường trung học ở Q.3.
Áo sơ mi, quần thun giản dị, gương mặt lúc nào cũng tươi cười là hình ảnh quen thuộc về một “chị Tây” bán bánh trong mắt nhiều người ở chợ Tân Định với ngôn ngữ hình thể là chủ yếu vì Irina chỉ nói được tiếng Belarus và một chút tiếng Anh
ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Các loại bánh mà Irina bán hiện tại bao gồm: socola đôi, bánh cacao, bánh mật ong, bánh kem xốp, socola phô mai,… với giá từ 25.000 – 35.000 đồng/phần
ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Bà Tây đi bán bánh bằng tiếng Belarus
Cuộc trò chuyện của chúng tôi mở đầu bằng câu chuyện bất đồng ngôn ngữ và những khó khăn trong giao tiếp. Loay hoay một hồi, chúng tôi mới tìm ra cách để giải quyết vấn đề này là dùng… “chị Google”. Dù vậy, cũng rất khó khăn để chúng tôi có thể hiểu hết ý của nhau.
Bất đồng ngôn ngữ cũng là khó khăn lớn nhất đối với Irina, khi hầu như bà chỉ nói được tiếng Belarus, một ít tiếng Anh và vài câu tiếng Việt như: xin chào, cảm ơn, tôi tên là, ba mươi lăm ngàn,… và đếm số “một, hai, ba”.
Sau đó, Irina giới thiệu thêm về các loại bánh mà bà đang bán bao gồm: socola đôi, bánh cacao, bánh mật ong, bánh kem xốp, socola phô mai,… với giá từ 25.000 – 35.000 đồng một phần. Tên bánh và giá bán được viết bằng tiếng Việt và dán trên thùng xốp để tiện cho việc buôn bán.
“Vì không có xe máy nên tôi đi bộ chậm rãi qua các con đường để bán bánh. Buổi sáng tôi bán tại chợ Tân Định, chiều tôi ghé qua trường học, công viên. Tôi và một số người bạn bắt đầu làm bánh gần một năm nay, chất lượng bánh vô cùng quan trọng đối với chúng tôi”, bà cho hay.
“Khi được hỏi – bạn sẽ trở về nhà chứ? !! – Việt Nam, đây là nhà của tôi”, Irina bộc bạch
ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Irina chụp hình cùng khách hàng thân quen của mình
ẢNH: NVCC
Irina Khmilnikova cho biết cuối năm 2019 bà đã qua Việt Nam du lịch, đến tháng 2.2020, bà trở lại và muốn có một công việc ở đây. “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực du lịch, đưa ra các tour cho du khách Nga. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gạt bỏ mọi thứ”, Irina buồn bã.
Không phải ai cũng biết, người phụ nữ này có một gia đình ở TP.Vitebsk (Belarus) với 2 người con trai, một người đã đi làm còn một người vẫn còn đang đi học. “Tôi đã làm nhân viên bán hàng được gần 20 năm nay và có một cửa hàng nhỏ ở quê nhà. Sau khi sắp xếp chuyện gia đình ổn thỏa, bà mua một chiếc xe máy và đi du lịch khắp nơi trong nước cho đến khi tuyết rơi và đầu tháng 10”, bà kể lại.
Sau khi ở lại Việt Nam vì dịch Covid-19, bà bắt đầu kinh doanh bánh ngọt cùng một người bạn người Nga và lập ra thương hiệu GUURMANN. Công ty của bà đã cung cấp việc làm cho người Nga, Belarus và Ukraina. “Tất cả chúng tôi đều là khách du lịch hoặc đã làm việc trong lĩnh vực du lịch, một số người có con cái đi học ở đây”, bà nói.
Hiện tại, đồng nghiệp của bà điều hành công ty ở Nha Trang còn Irina sống một mình tại TP.HCM. Mỗi tuần bà sẽ nhận bánh qua đường bưu điện rồi đi bán dạo, số tiền lời kiếm được bà dùng để trả tiền nhà và các chi phí khác.
“Tôi yêu tất cả mọi thứ thuộc về Việt Nam”
Bà Irina Khmilnikova kể với chúng tôi về hành trình đi qua rất nhiều nơi trên thế giới. Bà du lịch Chi Lê, khám phá Ai Cập, thăm thú Thái Lan, Israel, Ukraine, Nga. Vậy mà khi đặt chân đến Việt Nam, bà Tây đã vội “phải lòng” đất nước này.
Sau một tuần đi bộ bán bánh khắp các ngả đường Sài Gòn, bà thường dành riêng ngày chủ nhật để khám phá và làm quen với văn hóa bản địa. Vì tình yêu Việt Nam cũng như lòng hiếu kỳ về văn hóa, lịch sử mà bà đi đến bệnh viện, nhà thờ, bảo tàng, sở thú hay công viên. Từ đó, Irina càng hiểu và yêu hơn vẻ đẹp, đất nước con người Việt Nam. Bà cũng bật mí là đi đến bất kỳ đâu, bà cũng tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực của văn hóa Việt, nhất là khi đến đền chùa hay nơi công cộng.
“Tôi thực sự rất muốn học tiếng Việt để biết được nhiều câu chuyện hơn. Các cô chú, ông bà, các cháu nhỏ, các anh chị, bạn bè Việt Nam, họ thực sự thân thiện, hiếu khách và giàu lòng trắc ẩn. Thật tuyệt vời! Và chính vì những tình cảm họ dành cho tôi đã thôi thúc tôi học tiếng Việt”, Irina chia sẻ.
“She is my friends”, Irina mô tả khi nói về người bán nước mía gần chỗ bà đứng bán mỗi ngày
ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Bà Thạch Thảo (41 tuổi) bán bột chiên phía trước ngôi trường bà Irina thường bán bánh cho biết bà dành một tình cảm đặc biệt đối với người phụ nữ này. “Thấy bà ấy bán bánh mà dễ thương ghê, bà ấy là người nước ngoài bị kẹt lại do dịch Covid-19 rồi đi bán bánh kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Tôi hay mua ủng hộ rồi trở thành chúng tôi trở thành bạn của nhau hồi nào không hay luôn. Bạn thì bạn chứ toàn ra dấu, chứ có biết tiếng của bà ấy đâu”, nói xong mọi người trong quán của bà Thảo cười rộn ràng.
Bà khoe với chúng tôi những kiến thức lịch sử mà mình tìm hiểu được, chẳng hạn việc Việt Nam vừa kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc không lâu và đang trên đà phát triển nhanh về phía trước. “Tôi đã đi xe máy đến nhiều nơi của Việt Nam như Mũi Cà Mau, Đà Lạt, tôi cũng từng đến Hà Nội, Hạ Long để rồi yêu tất cả mọi thứ, từ khí hậu, con người, thực phẩm, thiên nhiên, biển đảo và không khí”, bà cười.
Đang trò chuyện cùng chúng tôi, con trai bà gọi đến. Hai mẹ con trò chuyện với nhau bằng tiếng Belarus chừng 10 phút, và bất ngờ bà thông báo rằng con trai vừa báo tin bà sắp có cháu nội. Tất cả chúng tôi đều cười chúc mừng cho niềm hạnh phúc lớn của người phụ nữ này. Bà gọi điện thoại rồi giới thiệu con dâu với chúng tôi, chúng tôi hào hứng nói chuyện với nhau dù có chút bất đồng về ngôn ngữ,
Sau đó, Irina trở lại câu chuyện ở Việt Nam của mình bằng câu chuyện bà dành dành một tình yêu đặc biệt đối với phở, cà phê, thậm chí yêu cả văn hóa… karaoke của người Việt. Bà cũng yêu sự lạc quan của người Việt Nam trong cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề, yêu cách dạy con cái và các mối quan hệ truyền thống trong gia đình. Irina nói thêm: “Có lẽ tôi tôi không cần liệt kê thêm, tôi yêu tất cả mọi thứ. Tôi có cảm giác mình là một phần của nơi này, và nói thật và từ trước tới giờ tôi chưa hề gặp một người Việt xấu nào!”.
“Tôi cố gắng tuân theo các quy tắc và chuẩn mực trong cuộc sống tại Việt Nam, trong các ngôi đền, trên các con đường”, Irina cho biết.
Rõ ràng, cuộc sống của một người phụ nữ nước ngoài ở Việt Nam là không hề dễ dàng, nhất là việc bất đồng ngôn ngữ. Tuy nhiên, khi được hỏi chị có muốn về nhà hay không, chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời: “Tại sao tôi phải về nhà khi nơi này chính là nhà của tôi. Bây giờ, tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không ở đây”. Bà cũng nói với chúng tôi rằng thời gian tới, bà sẽ “rủ” các con về sống tại Việt Nam
Xế chiều, chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách mua ủng hộ bà 2 cái bánh ngọt và không quên chụp với nhau một bức ảnh làm kỷ niệm.
Irina vẫy tay chào chúng tôi và nở một nụ cười thật tươi rồi đi bộ về nhà, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Ở đây, Việt Nam đã như thân quen và là “hơi thở” mỗi ngày trong nhịp sống của bà Irina.