Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Làm gì khi trẻ em, phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19?

Nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng hoặc thậm chí hoảng loạn nếu chẳng may con mình bị mắc Covid-19, và những mẹ bầu cũng rất lo sợ. Vậy nếu trong nhà có trẻ em hoặc phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 thì phải làm gì?

Nếu trong nhà có trẻ em bị nhiễm Covid-19 thì chúng ta cần làm gì (ảnh minh hoạ trong một lần lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ)
V.H

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thì trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là những đối tượng lâu nay ít bị tấn công, nhưng khi số ca ở ngoài cộng đồng nhiều như hiện nay thì chắc chắn sẽ tấn công vào những nhóm đối tượng này. Trẻ em vẫn có những nhóm nguy cơ mà phụ huynh cần biết, đặc biệt, phụ nữ mang thai là đối tượng rất đáng lo vì phụ nữ mang thai đa phần miễn dịch rất giảm và nhu cầu năng lượng rất cao, nên dẫn đến nhiều nguy cơ khi nhiễm Covid-19.

Mới đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này. Được sự đồng ý của bác sĩ Khanh, phóng viên Thanh Niên lược ghi lại qua video những chia sẻ hữu ích này nhằm giúp các gia đình trẻ có con nhỏ hoặc phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú giữ được an toàn trong dịch Covid-19.

Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện?

Trước đây, khi số lượng ca nhiễm bệnh ít thì trẻ em rất khó bị bệnh, bởi vì đây là đối tượng không đi ra ngoài. Nhưng khi số ca bệnh nhiều và nhất là ở trong các khu vực phong tỏa, thì trẻ em rất nguy hiểm nếu chạy đi chơi, nghịch khắp xóm. Nên nếu gia đình nào đang ở trong khu phong tỏa thì nên đặc biệt chú ý đến trẻ em.

Có một thực tế là khi người lớn trong nhà bị nhiễm thì rất lo lắng cho trẻ em, nhưng cho đến hiện nay có một điều rất may mắn là trẻ em nếu nhiễm bệnh sẽ nhẹ và mau hết. Nhưng sự lo lắng của người lớn trong nhà làm gia đình rối lên và sẽ làm cho con mệt mỏi thêm.

Những em bé khỏi bệnh được xuất viện cùng với gia đình
NGUYỄN NGỌC HÙNG

Đa phần trẻ nếu nhiễm bệnh thường sẽ nhẹ. Tuy nhiên có những trẻ em mà trước đây thường hay bệnh và đặc biệt bị chậm phát triển mà cứ bị viêm phổi hoài thì khi nhiễm Covid-19 rất dễ bị nặng. Còn những trẻ em bị dư cân, dưới 10 tuổi hoặc ở độ tuổi 11-12 mà nặng từ 70 – 80kg thì cũng là những đối tượng rất nguy cơ.

Chính vì thế, phụ huynh nên cần xác định lại là con mình có thuộc nhóm nguy cơ không. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý là ngay cả đứa nhỏ mà hay bị về phổi cũng chưa chắc sẽ là nguy cơ, ngoại trừ lên cơn suyễn kinh niên, chứ lâu lâu suyễn nhẹ thì cũng không phải là vấn đề mà phụ huynh quá lo lắng.

Vậy nếu thấy trẻ ở nhà bị nhiễm Covid-19 thì cần làm gì?

Đầu tiên thì từ trước giờ con mình bị cảm sốt chữa như thế nào thì giờ chữa y chang như vậy. Sốt thì uống thuốc sốt, ho thì uống thuốc ho cho trẻ như thường… Và nếu các bé đang bị bệnh gì và đang điều trị một loại thuốc nào đó thì vẫn có thể uống bình thường, không cần phải ngưng lại.

Cả gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngân (Bình Chánh, TP.HCM) đều vượt qua và chữa khỏi Covid-19. Trong đó, 2 đứa con chị Ngân (một bé 7 tuổi và một bé 4 tuổi) khi mắc Covid-19 đều không bỏ ăn, vẫn ăn uống đủ cử và sữa đều đặn nên triệu chứng giảm rất nhanh
NVCC

Đặc biệt trẻ em rất là hay bị tiêu chảy khi mắc Covid-19 nên cần chuẩn bị thuốc sẵn ở nhà. Thông thường những triệu chứng của trẻ khi mắc Covid-19 chỉ kéo dài từ 4 ngày trở lại và sau đó sẽ hết. Những đứa trẻ thuộc nhóm nguy cơ thì có thể bị viêm phối, còn những em bé thông thường thì cho đến thời điểm hiện nay rất ít bị và nếu nhiễm cũng sẽ nhanh hết.

Theo tôi thì nên để trẻ ở nhà điều trị, vì đa phần các bé rất nhẹ. Nên dạy cho bé mang khẩu trang, cho ăn riêng, ngủ riêng, sinh hoạt riêng… Nhưng phụ huynh nên chú ý là không cần thiết để trẻ ngủ nóng mà cứ mở máy lạnh cho trẻ ngủ vì giấc ngủ sâu mới mau hết bệnh, đừng lầm tưởng là phải giữ ấm, vì giữ ấm chỉ đối với xứ lạnh chứ còn thời tiết của nước mình thì không cần thiết.

Nhưng khi nào thì nên đưa trẻ đi bệnh viện? Cũng giống như đứa trẻ bị viêm phổi, tức là những lúc ta thấy đứa trẻ thở nhanh, mình nhìn lồng ngực của trẻ là sẽ biết. Hoặc là nhìn thấy trẻ thở rút lõm, tức thay vì lồng ngực nâng lên thì lúc này sẽ lõm xuống. Đây là những trường hợp nên đưa trẻ đi bệnh viện.

Điều mà lo sợ nhất là phụ huynh cứ tưởng con mình bị mắc Covid-19 nhưng không phải là Covid, chẳng hạn như mùa này rất dễ bị sốt xuất huyết, cho nên thấy em bé của mình 3 ngày rồi vẫn còn sốt cao thì cố gắng liên lạc với bác sĩ để được tư vấn hoặc là đi xét nghiệm để xem có phải bị sốt xuất huyết hay không?

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú thì nên làm gì?

Phụ nữ mang thai và cho con bú là đối tượng rất đáng lo. Đa số phụ nữ mang thai thì miễn dịch của họ rất kém và nhu cầu năng lượng của họ rất cao. Chính 2 yếu tố đó, nên khi người phụ nữ mang thai mắc Covid sẽ dễ bị nguy cơ, mà đặc biệt là người trên 30 tuổi mang thai thì nguy cơ cao hơn là người dưới 30 tuổi.

Nguy cơ ở đây là rất dễ bị viêm phổi, và có khả năng sẽ sinh non hoặc suy dinh dưỡng bào thai.

Chính vì thế mà nếu ở nước ngoài, họ thấy phụ nữ mang thai là họ cho chích ngừa ngay chứ không bao giờ chần chờ. Đa số phụ nữ mang thai mà được chích một mũi mà đặc biệt là 2 mũi thì sẽ rất ổn định, hoặc thai sắp sinh rồi thì vẫn rất là ổn định.

Cho nên mình cố gắng chích ngừa cho phụ nữ mang thai, các bạn có thể rất sợ khi chích ngừa cho phụ nữ mang thai. Sợ cái thai khi chích vào sẽ bị ảnh hưởng, nhưng thật ra chích vào cái thai không bị gì cả, hoặc là sợ chích ngừa vào nếu bị hành thì uống thuốc gì? Nhưng những thuốc sốt thông thường như Paracetamol thì phụ nữ mang thai vẫn có thể uống bình thường.

Theo bác sĩ Khanh, phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin (ảnh minh hoạ)
Đ.L

Nếu khi chẳng may phụ nữ mang thai mà mắc Covid-19 thì nguy cơ là có đó nhưng vẫn chữa như những người bình thường nhiễm Covid-19. Cũng theo dõi kiểu thở, tăng cường dinh dưỡng, cũng tập thở… Nhưng đặc biệt đừng có uống nước quá nhiều, vì bụng bầu đã to, nếu uống quá nhiều nước nữa sẽ không thở nổi. Nên cứ uống giãn ra, nhiều lần và uống vừa đủ. Đặc biệt triệu chứng ho của người phụ nữ mang thai sẽ khó chịu hơn vì bụng bầu đang lớn, nên chuẩn bị sẵn các thuốc ho thảo dược. Và cố gắng ngủ đủ giấc, vận động điều hoà…để có sức khoẻ. Các bạn cũng nên liên lạc với một bác sĩ nào đó, đặc biệt là bác sĩ sản khám thai cho mình để được tư vấn thêm.

Đối với phụ nữ chuyển dạ mà mắc Covid-19 thì ở bên Mỹ vẫn cho đứa bé ở với mẹ sau khi sinh thì vẫn thấy đứa nhỏ bình thường và không mất an toàn. Nhưng nguyên tắc bây giờ thì em bé mới sinh ra sẽ được làm xét nghiệm PCR, rồi sau đó gửi về cho người nhà chăm sóc. Nhưng nếu như vậy thì tâm lý của người mẹ sẽ không tốt vì xa con họ sẽ không chịu nổi, khi tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị Covid-19 và sẽ lâu hết bệnh hơn.

Thực tế thì đứa nhỏ ở chung với mẹ cũng không có nguy cơ nặng nếu được phòng ngừa tốt, nhưng vẫn phải làm theo hướng dẫn của tuỳ từng nước. Khi cho con bú, ở nước ngoài người ta dùng máy vắt sữa, vắt ra rồi cho em bé bú thì tốt hơn, để giảm nguy cơ tiếp xúc.

Có những tình huống, phụ nữ sinh rồi về nhà mới bị nhiễm Covid-19 (từ nhiều nguồn lây khác) thì trong trường hợp này vẫn uống thuốc sốt và cũng điều trị như bình thường.

Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/bac-si-truong-huu-khanh-lam-gi-khi-tre-em-phu-nu-mang-thai-nhiem-covid-19-1433014.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *