Bến Nhà Rồng: thương cảng lớn nhất của Nam Bộ

Bến Nhà Rồng là Di tích lịch sử nổi tiếng của cả nước và cũng là Di tích lịch sử cấp thành phố vừa được xếp hạng tháng 6-2011. Tuy thế, trong gần 150 năm, đây vẫn là thương cảng lớn nhất của Nam Bộ và cả nước, có từ thế kỷ 19 do người Pháp khai thác, nằm bên sông Sài Gòn.


Bến Nhà Rồng ngày nay

Tại Bến Nhà Rồng có tòa nhà lớn, kiến trúc theo kiểu Á Ðông, cao hai tầng do Công ty vận tải đường biển của Pháp là Messageries Maritimes xây dựng vào năm 1863, dùng làm nơi bán vé tàu và nơi ở cho người Pháp quản lý tàu vào ra.


Bến Nhà Rồng ngày nay

Trước đây, từ mé sông Sài Gòn hoặc từ đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 (hiện nay) nhìn vào sẽ thấy hai chữ M.I (chữ viết tắt của Công ty vận tải Hoàng Gia Messageries Impériales). Ðây là tên gọi của Công ty Vận tải đường biển, vì năm 1859, lúc Pháp chiếm Gia Ðịnh, nước này còn theo chế độ quân chủ, sau chiến tranh Pháp – Ðức 1870, nhà vua bị lật đổ, lập ra chế độ Cộng hòa (tức đệ tam cộng hòa), vì vậy Công ty vận tải Hoàng Gia được đổi tên thành Công ty Vận tải đường biển để xóa bỏ di tích quân chủ của thời “chính quốc” Pháp lúc đó.


Không ảnh chụp kênh Bến Nghế và bến Nhà Rồng ở phía góc trái.

Ðáng chú ý là trên nóc tòa nhà này có gắn một đôi rồng lớn làm bằng đất nung, tráng men xanh, cho nên nhân dân quen gọi là Bến Nhà Rồng. Những người lớn tuổi lại gọi là Sở ông Năm bởi tòa nhà này do viên quan năm người Pháp tên là Ðu-me xây dựng năm 1863.


Ngày 4 tháng 3 năm 1863, tòa nhà trụ sở của hãng Messageries impériales được xây dựng để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Việc xây dựng do một viên quan năm tên Domergue phụ trách.

Ðến tháng 10-1865, Nhà Rồng còn có tên khác là Sở Canh Tân tàu biển, sau khi ở đây xây thêm cột cờ Thủ Ngữ treo cờ hiệu giúp tàu thuyền ra vào dễ dàng. Ðến cuối năm 1899, công ty mới được phép xây cất bến tàu đàng hoàng để tàu cập bến. Bến được lót bằng ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông. Bến này cách bến kia chỉ 18 m.


Quang cảnh sông Sài Gòn và khu trung tâm Sài Gòn (bên trái) năm 1886.

Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ 8 m, chỉ vừa đủ cho tàu ra vào. Xong cảng, người Pháp làm đường ra vào cảng và con đường sát bến cảng xây sau, người Pháp gọi là bến Khánh Hội. Bến này xây dựng thiếu kiên cố, nhiều chỗ bị sụt lở, cho nên ít tàu ra vào. Năm 1900 bến Khánh Hội được khởi công tu bổ, nhưng công việc này kéo dài mãi đến năm 1912 mới hoàn thành để các tàu loại nhỏ và vừa ra vào.


Nhà Rồng và nhà ông Vương Đại (Wang-Tai) là hai công trình nổi bật trên bến cảng Sài Gòn, đập vào mắt du khách đến Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19 bằng tàu biển.

Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đến bến cảng Nhà Rồng, xuống tàu Amiral Latouche Tréville chính thức ra đi tìm đường cứu nước để 30 năm sau, Người trở về, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, quê hương.


Tàu đưa thư của Pháp đang cập bến Nhà Rồng, Sài Gòn.

Ngày 21 tháng 6 năm 1922, tại bến Nhà Rồng, Tàu Porthos của hãng Messageries Maritimes từng đưa vua Khải Định và Hoàng tử Vĩnh Thụy đi Pháp đang đậu tại bến Nhà Rồng (Sài Gòn). Đây được coi là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một của một vị vua triều Nguyễn.


Tàu thuyền của hãng tàu Messageries Maritimes đang cập bến Nhà Rồng.

Bến Nhà Rồng được xây dựng cách đây gần 150 năm để nhớ lại những ngày đầu gian nan, vất vả trong cuộc hành trình của người thanh niên vĩ đại Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường đúng đắn nhất giải phóng dân tộc. Tết này, có về thăm lại Bến Nhà Rồng cũng là để tham quan, tìm hiểu về một di tích quý tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, cảm nhận hơi ấm của Người từ 100 năm trước ra đi. Nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa. Và không có người xưa, cảnh cũ thì làm sao có một Sài Gòn hoa lệ, một nước Việt Nam giàu đẹp như hôm nay

Duy Phan – 06/11/2020

Bài viết được tham khảo:
Bến Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng 150 năm trước
Bến Nhà Rồng ở đâu? – Di tích lịch sử mang đậm dấu chân Người

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *