Bí ẩn hoa tre : trăm năm mới nở một lần, tới khi rộ sắc nhất lại bị hắt hủi vì mang điềm gở

Trong đời sống sinh hoạt và văn hóa của người Việt, những lũy tre cao vút vốn là hình ảnh vô cùng quen thuộc. Thế nhưng, không phải ai cũng biết đến loài hoa đặc biệt của nó.

Cây tre gắn liền trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam. (Ảnh: Người Lao Động) Thông tin từ VnExpress, trên thế giới có khoảng 1.200 loài tre và chúng đều sở hữu tốc độ tăng trưởng thuộc “top đầu” trong các loài thực vật thân gỗ.

Mỗi ngày, cây tre có thể cao thêm 10cm. Thậm chí, có một số loài tre còn cao 1m mỗi ngày hoặc 1mm sau mỗi 2 phút. Mặc dù có sức tăng trưởng “khủng” nhưng đây lại là loài cây ra hoa chậm nhất trên thế giới.

Việc tre ra hoa còn được xem là hiện tượng độc đáo và hiếm gặp. Trung bình, mỗi cây tre sống khoảng 60 năm đến 130 năm mới ra hoa một lần. Hoa của chúng có màu vàng nhạt, nở thành chùm lớn. Tuy nhiên, sau khi hoa nở thì cả cụm tre (hoặc rừng tre) sẽ bị tàn rụi và tới vài năm sau, chúng mới đâm chồi trở lại.

Hoa tre nở tại Quảng Nam. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM) Hoa tre cũng rất kỳ lạ, dường như chúng có mối liên kết vô cùng đặc biệt. Cụ thể, những cây tre cùng loài hoặc cụm sẽ ra hoa gần như đồng thời, bất kể vị trí địa lý hay thời tiết nào.

Điều đặc biệt, nếu một cây tre tách cụm, được trồng ở nơi khác thì tới khi nở hoa, chúng cũng rộ và tàn cùng thời điểm. Hiện tượng này được các nhà khoa học gọi là trổ bông tập thể. Song, nhiều người cũng cho rằng, hiện tượng này xảy ra bởi các cây có chung một gốc gene với cây mẹ, bởi vậy thời gian nở hoa tương đồng.

Chúng thường có màu vàng nhạt, hoặc biến đổi theo từng loại giống. (Ảnh: Bamboo Tree) Quý hiếm là vậy nhưng tại nhiều quốc gia, mọi người không ưa chuộng sự kiện cây tre nở hoa cho lắm.

Tại Ấn Độ, người ta xem việc tre nở hoa là điềm gở vì chúng thu hút rất nhiều loài gặm nhấm. Những con vật này sẽ ăn hết gốc tre, phá hoại thêm một số cây trồng khác rồi gây nạn đói và bệnh dịch.

Cụ thể, ở bang Mizoram phía Đông Bắc Ấn Độ, cứ khoảng 48 đến 50 năm, hoa tre lại nở rộ một lần. Vào năm 1958, cây tre nở hoa và khiến cho hàng ngàn người rơi vào cảnh không có đồ ăn. Tương đồng với người Ấn Độ, ở Việt Nam, bà con cũng không mặn mà với loài hoa đặc biệt này khi họ cho rằng đó là điều không may mắn.

Bởi với những loài cây khác, khi hoa nở cũng chính là thời kỳ hưng thịnh của chúng, tuy nhiên cây tre lại lụi tàn. Vì vậy, họ quan niệm rằng khi gặp phải hoa hoặc quả tre là “điềm báo” điều xui. Dẫu vậy, với vài người, hiện tượng này cũng đáng được chiêm ngưỡng.

Hoa tre nở rộ là sự kiện hiếm gặp. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM) Tuy nhiên, có một điều đặc biệt rằng khi tre nở, kết quả và “dừng sự sống”, chúng đều đứng hiên ngang chứ không đổ gục. Nhiều người liên tưởng điều đó như hình tượng của một con người kiên cường, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh.

Sau khi ra hoa, tre sẽ đơm trái và lụi tàn. (Ảnh: Dân Trí)

Bên cạnh hoa tre, có khá nhiều loại cây khác cũng có thời gian đơm hoa kết trái khá lâu như trà đỏ, móng cọp, ưu đàm. Đặc biệt, loài hoa ưu đàm chỉ nở một lần sau mỗi 3.000 năm. Chúng có mùi gỗ đàn hương, hình dáng nhỏ như những chiếc chuông tí hon. Loài hoa này cũng được xem là biểu tượng của sự may mắn, tiền tài.

Hiện nay, sự kiện hoa tre nở rộ rồi lụi tàn vẫn là câu hỏi nan giải chưa có đáp án của các nhà khoa học. Với hình tượng hoa tre, bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *