Về cơ bản, tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM được đánh giá là đã kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm có chiều hướng suy giảm và số ca mất vì dịch bệnh đang chạm đáy bằng 0.
Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta ngủ quên trên chiến thắng, mới hôm qua đây thôi, theo dõi số liệu ca nhiễm tại TP.HCM em mới giật mình, có tận 620 ca và tăng gấp đôi trong vòng 24 giờ qua, con số cao kỷ lục trong vòng 1 tháng qua.
Trước đó, nhiều chuyên gia dự báo rằng dịch bệnh có thể sẽ bùng phát trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và nó có trở lại mạnh mẽ hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức phòng dịch của bà con.
Ảnh: Biểu đồ số ca nhiễm tại TP.HCM trong thời gian qua. Nguồn: VnExpress.
Đến giờ, nhiều trường học đã mở cửa trở lại, nhà chức trách đã có phương án xử lý khi trong lớp hoặc trường có ca F0, dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ sự lo ngại khi lớp của con có F0. Trong trường hợp này, mẹ cần phải làm gì?
#1. Giữ bình tĩnh là trên hết.
Theo các bác sĩ, đa số khi xảy ra chuyện, các phụ huynh lo lắng hơn con trẻ, còn các bé ở độ tuổi dưới 12 sẽ không quá lo lắng, phần cũng vì chưa ý thức được nhiễm bệnh là như thế nào và nghiêm trọng ra sao. Do đó, phụ huynh cần giữ sự bình tĩnh để chăm sóc cho con.
#2. Chia sẻ, động viên để trở thành bạn đồng hành với con trong thời gian cách ly tại nhà.
Ví dụ ba mẹ có thể nói với con là con trở thành F1 thì bố mẹ trở thành F2, do vậy, chúng ta cùng đồng hành để chiến thắng COVID-19. Việc của con là ăn uống đầy đủ, tập thể dục và thấy trong người có khác lạ gì hãy nói ngay cho bố mẹ biết.
Dù theo các chuyên gia, đại đa số trẻ em đều gặp triệu chứng nhẹ khi nhiễm bệnh nhưng vẫn có trẻ bị áp lực về tâm lý, tự ám thị bản thân mắc bệnh rồi thấy mệt mỏi, sốt, mất vị giác… nên bố mẹ hãy bình tĩnh, thường xuyên theo dõi sức khỏe của con rồi xét nghiệm cho con. Nếu kết quả xét nghiệm của con vẫn âm tính thì tiếp tục theo dõi đến khi hết thời gian cách ly rồi xét nghiệm lại cho con.
#3. Dạy con không nên kỳ thị hoặc xa lánh bạn là F0.
Bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý khi hết thời gian cách ly, con trở lại trường học thì dạy trẻ rằng không nên kỳ thị hay xa lánh các bạn là F0 bởi làm như vậy bạn sẽ buồn và phải đặt mình trong tình huống nhỡ không may bố mẹ nhiễm bệnh mà con kỳ thị sẽ khiến bố mẹ tổn thương, buồn lòng. Song song đó, bố mẹ cần hướng dẫn con thực hiện tốt nguyên tắc 5K.
#4. Đối với trẻ là F1 khi thực hiện cách ly tại nhà, phụ huynh chỉ nên test khi con có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi.
Test nhanh là cách để giúp phát hiện sớm trẻ có nhiễm bệnh hay không nhằm chủ động cách ly, theo dõi và điều trị. Dù vậy, phụ huynh chỉ nên test nhanh cho con khi con gặp các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi. Ngược lại, nếu không có triệu chứng gì thì chỉ cần test nhanh sau khi kết thúc thời gian cách ly.
Ảnh minh hoạ
Bởi thực tế, nếu test nhanh quá sớm khi mới biết trẻ là F1 và cho kết quả âm tính sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, không cách ly đúng quy định, trẻ vẫn tiếp xúc với mọi người trong nhà và khả năng lây nhiễm là khó tránh khỏi. Còn nếu test định kỳ thường xuyên sẽ khiến trẻ bị đau và khó chịu, gây tổn thương cho niêm mạc mũi sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Hơn nữa, trẻ nếu nhiễm chỉ có thể điều trị triệu chứng chứ không dùng thuốc chống đông, kháng viêm vì thế khi trẻ nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng sẽ chỉ cần theo dõi và cách ly trẻ.
#5. Nghiêm túc thực hiện cách ly và tuân thủ nguyên tắc 5K khi chăm sóc trẻ.
#6. Bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ, tập thể dục và cho trẻ mặc ấm nếu trời lạnh để tránh bị nhiễm các bệnh đường hô hấp khác.
Chúc bố mẹ sớm vượt qua giai đoạn này, rồi thì chúng ta sẽ ổn hết cả thôi.
Nguồn: https://qtcs.com.vn/215890-2