Là một tỉnh lớn ở Đông Bắc của nước ta, Quảng Ninh bên cạnh việc sở hữu Vịnh Hạ Long, , một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới thì cũng là nơi tập trung của rất nhiều những ngôi chùa lớn với lịch sử lâu đời của miền Bắc.
Khu Di tích nhà Trần ở Đông Triều
Đền và lăng mộ nhà Trần thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nằm rải rác trong một khu đất rộng có bán kính 20km để thờ “Bát Vị Hoàng Đế” thời Trần.
Đền và lăng mộ nhà Trần được xây dựng thời nhà Trần, được trùng tu vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn, quần thể di tích gồm một đền và 8 lăng mộ.
Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều.
Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, khu vực này đã bị hư hỏng nặng. Ngày nay với ý thức và lòng tự hào dân tộc nên khu đền Sinh và các lăng mộ nhà Trần đang dần được quan tâm khôi phục đúng với tầm cỡ của nó để bảo tồn và phát huy một di sản văn hoá quý báu của dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, tạo thành một khu di tích thu hút du khách bốn phương.
Khu đền Sinh thuộc thôn Nghĩa Hưng là nơi thờ chung 8 vị vua Nhà Trần và lăng mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Giản Định Đế. Lăng mộ Trần Anh Tông ở khu trại Lốc, lăng Trần Minh Tông ở khu Khe Gạch, lăng Trần Hiến Tông ở khu Ao Bèo, lăng Trần Dụ Tông ở khu Đống Tròn, lăng Trần Nghệ Tông ở khu Khe Nghệ.
Ngoài việc xây dựng điện miếu ở mỗi lăng làm nơi thờ cúng, triều đình còn cho xây dựng ở khu đền Sinh nhiều toà điện miếu lớn để làm nơi tế lễ bái yết và cắt cử các quan về trông coi cẩn thận. Toàn bộ khu vực này trở thành thánh địa tôn nghiêm qua các triều Trần, Lê, Nguyễn.
Chùa Hoa Yên (Yên Tử)
Nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng, núi nhô ra như trán, mũi, hàm rồng. Đôi mắt rồng ở ngôi Tháp Tổ, hai dãy núi tây, đông vươn về nam ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng.
Xét về mặt tâm linh, chùa Hoa Yên là nơi giao hội của trục linh (trục tung) và trục tú (trục hoành), hai bên tả hữu vươn ra như hai tay ngai (tả long thanh, hữu bạch hổ) theo luật phong thủy, đây là vị trí đất quý hiếm.
Chùa Đồng (Yên Tử)
Yên Tử là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông. Chùa Đồng xưa khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tới Yên Tử và sau khi Ngài viên tịch đều chưa có. Vào thế kỷ 17, thời hậu Lê, một bà phi của chúa Trịnh phát tâm công đức khởi dựng chùa, làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khám thờ; ngoài ra tượng Phật, chuông, khánh bên trong đều được làm bằng đồng.
Đến năm Canh Thân 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng, bão lớn làm đổ chùa, chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá. Năm 1930, chùa Long Hoa có bà Bùi Thị Mỹ đã tái tạo chùa Đồng bằng bê tông cốt thép trên một hòn đá vuông nhằm trúng vị trí chùa Đồng cũ.
Năm 1993, ông Nguyễn Sơn Nam, Việt kiều ở Mỹ, cùng với các Phật tử hải ngoại công đức tái thiết một ngôi chùa bằng đồng dựng bên cạnh ngôi chùa năm 1930, quy mô cũng nhỏ như một khán thờ.
Ngày 03 tháng 6 năm 2006 dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phật học Đại Đức Thích Thanh Quyết (Thượng tọa Thích Thanh Quyết) và Ban Quản lý Dự án chùa Đồng, bằng công đức thập phương trong và ngoài nước đã khởi lễ đúc chùa Đồng theo mẫu thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn – Viện Bảo Tồn Di Tích. Chùa được khánh thành vào ngày 30 tháng 01 năm 2007, tọa lạc trên đỉnh non thiêng ở vị trí giữa hai ngôi chùa được xây dựng trước đây.
Chùa Ba Vàng (TP Uông Bí)
Toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, chùa còn có tên gọi là Bảo Quang tự (có nghĩa là ánh sáng quý), tên dân gian thường gọi là Ba Vàng. Chùa nằm ở độ cao 340m. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống.
Du khách đến vãng cảnh chùa Ba Vàng (2-2017). Ảnh: Vạn Thảo
Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659-1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13.
Chùa Ba Vàng lung linh trong đêm (2-2018). Ảnh: Vạn Thảo
Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng.
Du khách đến bái lễ chùa Ba Vàng đầu năm (2-2018). Ảnh: Vạn Thảo
Hiện vật đáng chú ý nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại tới hôm nay là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá cao 0,52m, rộng 0,38m, dày 0,12m, 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2m 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22m. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc. Riêng cây hương bằng đá, phần lớn chữ ở mặt bia đã bị phai mờ, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia ghi các chữ: Thành Đẳng Sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ. Nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.
Đây không chỉ là nơi để tu tập cho những người đến để học Phật, hiểu Phật và tu Phật, chùa Ba Vàng còn hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá – lịch sử và là điểm đến của tăng ni, phật tử, khách thập phương trong và ngoài nước.
Đền Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên)
Khu đền thờ về phía trái với 4 trụ biểu cao uy nghi. Bốn trụ tạo thành ba lối đi rộng thay cho tam quan. Mỗi trụ có câu đối chữ Hán, có hoa văn, có đắp tượng long giao nghê chầu.
Đền Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên)
Lối đi qua cổng và sân Đền đều lát gạch Bát Tràng, nhìn từ ngoài vào, có bình phong kiểu uốn thư bằng xi măng giả đá xanh, hoa văn tỉ mỉ công phu. Sân Đền rộng có thể chứa hơn nghìn người. Đền thờ Trần Hưng Đạo gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện vật quý còn giữ lại trong đền là một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo.
Ngay trước tam cấp lên tiền đường có lư hương bằng đá xanh cao cả mét, hai cây đèn đá kiểu Nhật cao hơn lư nhang. Hai bên hông Đền có 2 nhà bia khá lớn.
Duy Phan – 27/10/2020
Bài viết được tham khảo:
Các Di tích lịch sử – đền, chùa tiêu biểu ở Quảng Ninh
Chùa Đồng
Chùa Ba Vàng (TP Uông Bí)