Các thành viên trong 1 gia đình đi chống dịch sau khi khỏi Covid-19: Trả ơn bác sĩ, họ đã quá vất vả

Sau khi chữa khỏi Covid-19, anh H. cùng 3 người khác trong gia đình đã xung phong làm tình nguyện viên chống dịch để trả ơn y bác sĩ.

Zing đưa tin, anh H. (38 tuổi, phó giám đốc công ty sản xuất bao bì ở TP.HCM) là tình nguyện viên tại quận 12, TP.HCM. Vào ngày 3/8, anh và gia đình xét nghiệm cho kết quả dương tính 9 người, chỉ 2 bé nhỏ không bị nhiễm dịch.

Anh H. cùng vợ tham gia đi chống dịch sau khi khỏi bệnh. (Ảnh: Zing)

Sau đó, cả gia đình được tách ra để chữa trị. Bố mẹ chuyển vào điểm cách ly F0 vì có bệnh nền, 7 thành viên còn lại ở nhà tự chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. May mắn, đến ngày 13/8, cả gia đình đều hồi phục, cho kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Sau khi hoàn thành cách ly, anh xin làm tình nguyện viên để trả ơn y bác sĩ đã chăm sóc. Trước đây, vốn là cán bộ Đoàn nên “lửa nhiệt huyết” đã có sẵn, H. lúc nào cũng hết mình với công việc chống dịch.

“Bao nhiêu gia đình phải đi cách ly là hàng xóm, người cùng tổ dân phố, cả bạn bè thân thiết của tôi. Có những đồng đội từng tham gia tiếp sức mùa thi, người quen của tôi đã ra đi vì Covid-19. Tôi quyết định đăng ký làm tình nguyện, vận động cả vợ, các em mình cùng chung tay với hy vọng nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường” – anh chia sẻ.

Gia đình nhỏ của anh H.. (Ảnh: Dân Trí)

Anh H. còn động viên vợ (chị A., trưởng phòng kinh doanh cùng công ty), em gái T.H (nhân viên phòng công tác sinh viên đại học FPT) và em gái họ N. (sinh viên năm cuối đại học FPT) cùng tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ điểm tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp.

“Hai vợ chồng tôi chia nhau ra, tôi thường đi cả ngày, tối về làm online. Sáng, tôi và 2 em gái đi thì vợ ở nhà điều hành công việc từ xa. Buổi chiều khi hai vợ chồng đi thì 2 em gái ở nhà làm việc và học online.

Vì chỉ đi trong địa bàn phường, nên chúng tôi về trong ngày. Về tới nhà thì 4 người đều tự cách ly riêng để không ảnh hưởng các thành viên còn lại. Vợ chồng tôi có hai con, một bé năm nay lên lớp 5, một bé 6 tuổi đều ở nhà cho ông bà nội chăm” – anh H. tiết lộ.

4 người trong gia đình cùng làm tình nguyện viên. (Ảnh: Zing)

Nhiệm vụ chính của nhóm “tình nguyện viên gia đình” là hỗ trợ, hướng dẫn mọi người đo nhiệt độ, điền thông tin khi đến tiêm vắc xin. Có những trường hợp, mọi người nổi nóng vì chờ quá lâu, anh H. cùng các thành viên phải nhẹ nhàng phân tích để họ hiểu.

Không chỉ tham gia làm tình nguyện viên, anh H. còn từng ủng hộ vật chất cho công tác chống dịch: Tặng cho phường 16, quận Gò Vấp 10 nghìn ly giấy, tặng 10 nghìn ly và tô giấy cho bệnh viện dã chiến Phước Lộc, Nhà Bè, tặng 110 nghìn ly, tô các loại cho tỉnh Hải Dương.

Làm tình nguyện viên ai cũng sợ nguy hiểm, thế nhưng khi nói về công việc này, anh hết sức lạc quan và tự hào: “Nhiều người hỏi đi làm tình nguyện như thế này có sợ không. Nếu nói không sợ là không đúng, nhưng nếu ai cũng sợ thì ai sẽ tham gia chống dịch? Tôi muốn nhắn nhủ với những người đang điều trị, cách ly và cả chiến sĩ tuyến đầu hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh. Nếu không may nhiễm bệnh, hãy nghĩ về điều tích cực, tập thể dục, ăn uống, làm những việc mình thích rồi bệnh sẽ qua đi, giống như gia đình tôi vậy.”

Anh H. và mọi người tranh thủ nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục công việc. (Ảnh: Lao Động)

Không riêng anh H. mà còn rất nhiều tình nguyện viên khác sau khi chữa khỏi bệnh đã nhất quyết xin bác sĩ ở lại chống dịch để trả ơn. Chẳng hạn như anh T., VnExpress đưa tin sau khi điều trị, được xuất viện vào ngày 21/7 nhưng anh từ chối, xin ở lại chăm sóc mọi người. Đến ngày 9/8, anh tiếp tục khất khi nghe tin xuất viện lần 2.

Người đàn ông này nói về nguyên nhân muốn ở lại viện làm việc: “Khi thấy các y điều dưỡng họ làm việc liên tục không có nghỉ ngơi, trong khi đó mình còn được nghỉ, mình còn ăn được, uống được. Các bác sĩ cũng đâu có ăn uống được cái gì, họ cũng đâu có nghỉ ngơi được cái gì. Nên mình muốn hỗ trợ bác sĩ và chăm sóc bệnh nhân, động viên tinh thần để họ mau khỏe.”

Bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân là F0. (Ảnh: Vietnamnet)

Còn ở lần thứ 2, T. không chỉ nặng lòng với y bác sĩ mà cả những bệnh nhân F0 từng được anh chăm sóc. Anh sợ, khi bản thân rời đi, những người bệnh sẽ cảm thấy chơi vơi.

Những câu chuyện về gia đình anh H., anh T. đã khiến chúng ta thêm động lực chiến đấu với dịch cũng như giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn khác. Mong rằng, cuộc sống sẽ ngày càng nhiều tấm gương làm việc tốt như vậy để lan tỏa giá trị tốt đẹp. Còn bạn có suy nghĩ gì hãy chia sẻ ý kiến ngay nhé.

Theo https://www.yan.vn/cac-thanh-vien-trong-1-gia-dinh-di-chong-dich-sau-khi-khoi-covid19-275357.html?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *