Cha mẹ hết sức lưu ý khi trẻ thành F0: Thấy có 6 biểu hiện cần đưa đi viện ngay để cứu con

Nhiều bậc phụ huynh đang có tâm lý rằng trẻ con nếu nhiễm cô vít cũng không nặng. Vì thế, không có gì phải lo lắng quá mức cả. Nhưng cần phải biết rằng có không ít trường hợp là trẻ nhỏ thành F0 và rơi vào trạng thái nguy kịch rồi. Thế nên đừng mẹ nào mang tâm lý chủ quan, chỉ có khổ con cái thôi. Vì trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm cô vít và gặp các biến chứng.

Nếu mọi người chăm chỉ đọc báo thì đợt đầu khi cô vít bùng phát ở Mỹ, các chuyên gia nói rằng cô vít ở trẻ em ít nguy hiểm. Song, ngay sau đó ít lâu nước này đã ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ mất vì cô vít. Đó là biến chủng sơ khai ban đầu, độc lực thấp hơn hẳn so với ‘cơn lốc’ Delta. Đợt vừa rồi khi làn sóng dịch ở TP. HCM bùng phát mạnh mẽ, chúng ta cũng ghi nhận không ít ca bệnh là trẻ nhỏ phải nhập viện, rồi phải nằm cấp cứu thở máy nguy kịch. Vậy nên, khi con thành F0, cha mẹ nên lưu tâm, để ý tới những biểu hiện của con.

Mình thấy tờ Thanh Niên có đưa tin về những dấu hiệu mà bố mẹ cần chú ý khi con nhiễm cô vít. Cụ thể chi tiết về những triệu chứng trở nặng của trẻ, mình sẽ chia sẻ ở bên dưới, các mẹ nên theo dõi để nắm rõ, chứ giờ trẻ con đi học rồi thành F0 nhiều lắm ấy.

hình ảnh

Trẻ là F0 điều trị tại nhà. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Nguyên nhân khiến trẻ là F0 diễn tiến ngày một nặng

Theo các chuyên gia, mặc dù trẻ bị nhiễm cô vít nhưng nguy cơ trở nặng thấp hơn so với người lớn. Có tới 50% trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị cô vít mà không có triệu chứng. Song, một số trẻ bị cô vít vẫn phải nhập viện và nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt hoặc đặt máy thở.

Nghiên cứu gần đây trên 3.200 trẻ nhiễm cô vít được đăng tải trên tạp chí y khoa JAMA Network cho thấy: có 23% trẻ nhiễm cô vít phải nhập viện, 3% trẻ bị bệnh nghiêm trọng trong vòng 2 tuần sau khi đến khoa cấp cứu, 4 trẻ đã mất.

Các nhà nghiên cứu cũng đi tìm lời giải cho vấn đề này. Cuối cùng, họ xác định được các yếu tố nguy cơ thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Những yếu tố này gồm: Trẻ bị viêm phổi trước khi nhiễm cô vít và trẻ có bệnh mạn tính từ trước.

Những tình trạng và bệnh nền có thể làm tăng nguy cơ mắc cô vít nghiêm trọng ở trẻ bao gồm: Béo phì, đái tháo đường, hen suyễn, tim bẩm sinh, một số bệnh di truyền, các bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh hoặc trao đổi chất.

hình ảnh

Trẻ F0 cũng có nguy cơ trở nặng. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Khi chăm sóc trẻ là F0 tại nhà, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tới những triệu chứng cảnh báo diễn tiến nặng, cần được cấp cứu ngay

Các chuyên gia cho hay: Trẻ bị nhiễm cô vít có thể không có triệu chứng hoặc nhiều triệu chứng. Dấu hiệu phổ biến nhất là ho và sốt. Ngoài ra, trẻ có thể bị đau ngực, mất vị giác hoặc khứu giác, các thay đổi trên da (đổi màu trên bàn chân, bàn tay), viêm họng, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng hoặc tiêu chảy, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp, rất mệt, đau đầu dữ dội, nghẹt mũi.

Những triệu chứng này xuất hiện trung bình khoảng 6 ngày sau khi tiếp xúc với F0. Có thể giúp giảm triệu chứng bằng cách cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước và thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, khi chăm sóc trẻ là F0, cha mẹ cần chú ý, nếu thấy con có những dấu hiệu khẩn cấp sau, phải thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đưa đi viện gấp.

Các biểu hiện khẩn cấp này gồm: Khó thở, đau ngực hoặc tức ngực dai dẳng, trẻ có cảm giác mơ hồ, không tỉnh táo, hoặc da, môi hoặc móng tay nhợt nhạt, tím tái.

Phụ huynh cần lưu ý rằng trẻ con đôi khi mải chơi, ngôn ngữ biểu đạt cũng chưa rõ ràng, nhất là với nhóm trẻ mẫu giáo, tiểu học. Vì thế, có những lúc chúng không thể diễn tả cảm giác của bản thân mình được. Vậy nên, là người chăm sóc trực tiếp, cha mẹ cần hết sức lưu tâm đến từng cử chỉ, hành vi của con trẻ. Từ đó mà có thể phát hiện và xử trí kịp thời.

Thông tin trên báo chí cũng nhiều rồi, mọi người có thể tìm hiểu thêm. Một lần nữa, mình chỉ muốn nhấn mạnh lại rằng: Trẻ con khi là F0 cũng có thể gặp nguy hiểm vì nguy cơ trở nặng luôn thường trực, nhất là nhóm trẻ nguy cơ cao. Do đó, các bậc phụ huynh cần trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết để có thể hỗ trợ con kịp thời, tránh xảy ra tình huống xấu nhé.

Nguồn: Tổng hợp

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *