“Con bạn chỉ bé bỏng có một thời. Và khi cánh cửa cơ hội đó khép lại, chúng sẽ vĩnh viễn đóng chặt.” Lời khẳng định đó của tác giả, diễn giả người Canada Robin Sharma cũng chính là lời cảnh báo dành cho các bậc phụ huynh đang bận rộn với “trăm công, ngàn việc” khác mà lãng quên đi một người nhỏ tuổi rất quan trọng ở ngay bên cạnh mình…
Trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, nữ tác giả Sara Imas – bà mẹ của ba người con thành đạt – cho biết, theo kết quả của một nghiên cứu, nếu trước năm 12 tuổi mà trẻ không thể xây dựng được mối quan hệ thân thiết với cha mẹ thì suốt cuộc đời sau này, chúng sẽ rất khó có được cảm giác an toàn và hạnh phúc.
Đặc biệt, khoảng thời gian trước khi trẻ 6 tuổi, nếu cha mẹ không dành đủ thời gian và tình cảm cho con thì sẽ rất khó để thiết lập được sự tin tưởng và dựa dẫm trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con.
Cùng quan điểm với bà Sara Imas, chuyên gia giáo dục người Nhật Bản Ko Shichida nhấn mạnh, thời gian để chúng ta có thể cùng chơi cùng học với trẻ cũng không nhiều. Sau khi vào lớp 1, trẻ sẽ bận rộn hơn với bạn bè, với bài tập về nhà… nên khoảng thời gian bạn có thể nắm tay cùng trẻ chỉ có duy nhất trong khoảng trẻ từ 0 đến 6 tuổi mà thôi.
Khi con còn nhỏ, chúng ta có thể thoải mái âu yếm con bất cứ lúc nào tùy thích, nhưng khi con bước vào tuổi mới lớn, rất có thể con sẽ trở nên né tránh những cử chỉ âu yếm của bố mẹ vì ở độ tuổi này con đang tìm kiếm sự độc lập và muốn tự khẳng định bản thân.
Chẳng cần đến lời khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục, thì tự chúng ta cũng nhận thấy rằng con càng nhỏ thì càng cần sự gần gũi của bố mẹ, và khi con càng nhỏ thì chúng ta càng dễ xây dựng quan hệ tình cảm với con. Bởi lẽ con càng lớn hơn thì càng có xu hướng độc lập, và nhất là khi con bước vào tuổi mới lớn thì mối quan tâm của con chuyển đối tượng từ bố mẹ sang bạn bè, và khi ấy bố mẹ không còn là trung tâm cuộc sống của con nữa.
Đại thi hào Goethe: “Những điều quan trọng nhất không bao giờ được đối xử như những điều kém quan trọng nhất”.
Trong cuộc sống, ở mỗi giai đoạn, chúng ta có những ưu tiên khác nhau. Và các chuyên gia về nghệ thuật quản trị cuộc sống khuyên rằng, khi phải lựa chọn tập trung vào điều gì, hãy dành ưu tiên cho những việc chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian nhất định, thay vì đầu tư thời gian một cách dàn trải. Nếu xét như vậy, thì việc dành thời gian nhiều hơn cho những đứa con nhỏ tuổi phải là một ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta bởi vì tuổi thơ của con chỉ đến một lần trong đời và vĩnh viễn không quay trở lại nữa!
Hỡi các ông bố bà mẹ đang bận rộn mê mải ngoài kia, hãy dành thời gian ở bên con khi con còn cần bạn! Hãy dành cho con khoảng thời gian chất lượng, hãy tham gia cùng con trong các sự kiện đặc biệt của con (ngày khai giảng, bế giảng, ngày con dự một hội thi ngoại khóa…). Hãy tổ chức các chuyến đi du lịch cùng cả nhà, những trải nghiệm trong các chuyến đi đó sẽ trở thành những kỷ niệm giúp gắn kết các thành viên trong gia đình.
Nhiều khi chỉ cần một chút sáng tạo là bố mẹ có thể chia sẻ khoảng thời gian chất lượng cùng con, ví dụ như cùng con nấu ăn, làm việc nhà, hoặc hỗ trợ con học bài… Có như vậy, sau này khi lớn lên thì con mới có các dấu ấn kỷ niệm để nhớ về thời tuổi thơ hạnh phúc luôn có bố mẹ đồng hành bên con trong mỗi bước đi của cuộc đời.