Clip chủ xưởng Bình Dương thảng thốt khi thấy chỉ vài người ở lại làm: “Sao sản xuất đây”

Theo lời người được cho là chủ xưởng, do mọi người đã về quê hết nên hiện tại trong công ty chỉ còn một vài người ở lại làm việc.

Từng là địa phương đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhưng đến nay Bình Dương đã dần kiểm soát được dịch, nhiều huyện, thị trấn, thành phố đủ điều kiện công bố “vùng xanh”, trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công ty, cơ sở sản xuất tại Bình Dương đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động do thời gian vừa qua bà con về quê tránh dịch. Chưa kể những ngày đầu tháng, khi việc đi lại được dễ dàng hơn thì nhiều đoàn công nhân lại chọn cách hồi hương sau một thời gian dài mắc kẹt, không có thu nhập do dịch.

Mới đây, đoạn clip được cho là ghi lại tại một công ty tại Bình Dương với số lượng công nhân ít ỏi đã thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.

 Công ty đã hoạt động lại nhưng chỉ có vài công nhân làm việc. (Ảnh: Chụp màn hình)
Công ty đã hoạt động lại nhưng chỉ có vài công nhân làm việc. (Ảnh: Chụp màn hình)

Cụ thể, tài khoản đăng đoạn clip, được cho là chủ xưởng chia sẻ: “Rớt nước mắt, còn ai ở Bình Dương không mọi người”. Qua hình ảnh được quay lại có thể thấy xưởng sản xuất này khá yên tĩnh khi chỉ có một vài người lặng lẽ, thay vì có đông công nhân hăng say, hối hả làm việc như trong suy nghĩ của nhiều người.

“Mọi người có vô làm chưa? Công ty mọi người thế nào rồi. Công ty mình nè, được 1 người, 2 người,… về quê hết trơn luôn rồi. Kiểu này rồi sao làm đây, hàng hóa quá trời. Bó tay luôn”, người quay clip, được cho là chủ xưởng nói.


Quang cảnh công ty vắng bóng người làm việc. (Clip: TikTok)

Chỉ sau ít giờ đăng tải, đoạn video đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận từ phía cư dân mạng. Đa phần đều cho rằng đây là tình trạng chung của nhiều công ty ở Bình Dương cũng như các khu công nghiệp phía Nam sau đợt dịch bùng phát lần thứ tư.

 Chỗ ngồi trống trơn, không có công nhân. (Ảnh: Chụp màn hình)
Chỗ ngồi trống trơn, không có công nhân. (Ảnh: Chụp màn hình)

Bạn S.P. bình luận: “Nơi đây từng là vùng đất hứa, bao lớp thanh niên quê mình đều cố gắng vào Bình Dương làm việc để mong ổn định kinh tế. Vậy mà giờ đành phải bỏ về quê. Dịch bệnh đã ảnh hưởng quá nhiều”.

Trong khi đó, bạn B.T. bày tỏ: “Giờ dịch ổn hơn rồi, mong bà con sớm quay lại làm việc để ổn định cuộc sống, cũng là giúp các doanh nghiệp vững chắc hơn trong thời điểm này.”

 Công nhân ở Bình Dương hồi hương vào đêm 2/10. (Ảnh: Vietnamnet)
Công nhân ở Bình Dương hồi hương vào đêm 2/10. (Ảnh: Vietnamnet)

Đến nay, đoạn clip trên chưa được xác định rõ thực hư, tuy nhiên nó vẫn là một chủ đề thu hút nhiều ý kiến khác nhau. Nguyên nhân là bởi câu chuyện hồi hương những ngày gần đây đang là chủ đề nóng, nhất là ở các tỉnh phía Nam như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai.

Báo Vietnamnet đưa tin cho biết, từ ngày 2/10 vừa qua, hàng nghìn người chạy xe máy đã nối đuôi nhau đổ ra quốc lộ 13 hướng từ Bình Dương – TP.HCM để đi về các tỉnh miền Tây. Dù trời đã khuya nhưng mọi người vẫn lên đường, mang theo nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh sau nhiều tháng chỉ ở nhà trọ.

Đa phần những người này đều là công nhân, người lao động mất việc, kẹt lại Bình Dương. Mặc dù thời gian qua chính quyền địa phương liên tục hỗ trợ nhưng về lâu về dài thì họ vẫn khó có thể cầm cự, và về quê là giải pháp của họ trong lúc này.

 Ngành y tế tỉnh Bình Dương tổ chức xét nghiệm cho bà con hồi hương. (Ảnh: Lao Động)
Ngành y tế tỉnh Bình Dương tổ chức xét nghiệm cho bà con hồi hương. (Ảnh: Lao Động)

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, lý do về quê của bà con là chính đáng và tỉnh sẽ cố gắng tạo điều kiện cho mọi người. Tuy nhiên hiện nay năng lực cách ly cũng như về mặt y tế của các các địa phương khác còn hạn chế, nên nếu bà con về ồ ạt sẽ khiến một số nơi gặp khó khăn. Vì vậy, ông Minh gửi lời khuyên, nếu không thực sự cần thiết thì bà con nên ở lại.

Hơn nữa, Bình Dương đang từng bước phục hồi nền kinh tế – xã hội và đã có nhiều khả quan, nhiều nhà máy, công trình xây dựng được hoạt động trở lại, Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng người lao động hãy tiếp tục ở lại làm việc: “Bà con sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19, tiếp cận việc làm, có thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần giữ vững chuỗi cung ứng sản xuất, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Minh nói.

 Lực lượng chức năng tặng áo mưa, đồ ăn cho bà con đi đường. (Ảnh: VOV)
Lực lượng chức năng tặng áo mưa, đồ ăn cho bà con đi đường. (Ảnh: VOV)

Có lẽ trong thời điểm này, hồi hương với nhiều người là lựa chọn tốt nhất để họ cân bằng lại cuộc sống. Và khi dịch qua đi, chắc chắn mọi việc sẽ trở lại quỹ đạo vốn có của nó.

Nguồn: Yan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *