Sau những năm tháng giấu cánh tay khiếm khuyết của mình dưới lớp áo, Miyuki (cô gái Nhật có mẹ là người Việt Nam) ở hiện tại tự tin mặc áo cộc tay mà chẳng ngần ngại ánh nhìn của người khác. Yêu bản thân là điều cô gái nhận ra sau những nỗ lực không ngừng.
“Đôi tay của Miyuki” là tên bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Đức Phát và đồng nghiệp thực hiện. Bộ ảnh có sức lan toả trong cộng đồng nhờ thông điệp nhân văn và giàu năng lượng tích cực. Nhân vật chính của bộ ảnh là Miyuki Kobayashi (20 tuổi). Cô gái mang hai dòng máu Việt – Nhật, từng đậu thủ khoa trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM năm 2019.
Quá khứ khép mình
Miyuki sinh ra tại Nhật và về Việt Nam năm 4 tuổi. Năm em học lớp 9, ba mẹ ly hôn. Ba quyết định về Nhật sống, để lại 3 mẹ con ở đây. Miyuki và ba không có nhiều sự gắn kết vì ngày nhỏ, ba thường xuyên đi công tác, gắn mình với công trình. Bây giờ, em chỉ hay gọi điện nói chuyện với ông bà nội.
Từ khi sinh ra, Miyuki dị tật ở tay và chân. Theo lời kể của mẹ, các bác sĩ ở Nhật cho rằng đây là hậu quả của di chứng chất độc màu da cam. Tuy nhiên, các giấy tờ liên quan đã mất nên việc xác định nguyên nhân dị tật khá khó khăn.
Tay trái của Miyuki bị cụt hẳn. Còn các ngón tay bên phải thì dính vào nhau lúc Miyuki mới được sinh ra. Sau này, chúng tách rời nhưng phát triển không đều. Chân phải của em bị cong, phải phẫu thuật lắp sắt cố định. Hiện tại, chân đã phát triển bình thường nhờ can thiệp sớm.
Những khiếm khuyết của cơ thể đã khiến tuổi thơ Miyuki không vui vẻ. Suốt cấp một, cấp hai, em luôn giấu tay mình dưới lớp áo tay dài, áo khoác. Dù thời tiết có nóng đến đâu, Miyuki cũng không cởi áo ra bởi em sợ ánh nhìn và sự trêu chọc từ bạn bè.
“Học cấp một em không có bạn bè. Lên cấp hai, em chơi với 1 – 2 bạn trong lớp thôi chứ không giao du, kết bạn thêm bên ngoài. Mọi người cứ chú ý đến khiếm khuyết của em. Nhiều người đi đường còn chụp em lại hỏi dù em chẳng quen biết gì họ cả. Điều này khiến em rất buồn”, Miyuki tâm sự.
Thời điểm đó, Miyuki luôn khép mình trước đám đông. Miyuki biết mình khác biệt với mọi người. Vì thế em luôn nỗ lực, cố gắng học tập và rèn luyện bản thân. Nhưng khi em có được những thành tích của riêng mình, có người vẫn cho rằng tương lai em không mấy xán lạn.
“Có người nói em như vậy là ảnh hưởng đến con cái, không nên lấy về. Em hỏi một vài người bạn của mình rằng tại sao họ lại nghĩ về mình như thế. Bạn em cũng nói thật rằng bố, mẹ bạn cũng nghĩ như vậy. Em cảm thấy điều đó không đúng vì chính em còn chưa nghĩ đến vấn đề đó. Nếu con em có giống em. Đó là trách nhiệm của em. Em sẽ dạy nó sống tự tin như em thôi”, Miyuki bộc bạch.
Hồ Ngọc Phương Uyên (20 tuổi) là bạn thân của Miyuki từ những năm học cấp hai. Uyên chia sẻ: “Lúc tụi em học cấp hai hay tham gia trại hè, bản thân Miyuki khiếm khuyết nên bạn hay bị người khác dòm ngó lắm. Miyuki lúc đó rất tự ti”.
Chấp nhận mình để sống mạnh mẽ hơn
Miyuki bén duyên với hội hoạ từ rất sớm. Em được thầy dạy mỹ thuật cấp một khích lệ tham gia các cuộc thi về vẽ. Nói về lí do chọn vẽ, em cho hay: “Thật sự lúc đó em chỉ muốn ở một mình. Làm gì cũng được chỉ cần để em làm với chính em. Nhưng không ngờ vẽ lại trở thành niềm đam mê mà em không thể từ bỏ”.
Đã có khoảng thời gian Miyuki từ bỏ sở thích này, vì em tự ti về khả năng của mình và mẹ muốn định hướng cho em theo đuổi tiếng Nhật. Lên cấp ba, Miyuki tham gia câu lạc bộ hội hoạ của trường. Từ đó khao khát được vẽ, được theo đuổi đam mê của mình đã thôi thúc em trở lại. “Mỹ thuật tạo cho em sự hứng thú và động lực. Sau cùng, em cũng quay lại với chính đam mê của mình vì như vậy em sẽ không hối hận về sau”, Miyuki chia sẻ.
Cô gái trẻ gạt bỏ quá khứ để mở cửa tương lai, mở cửa trái tim với những điều mới mẻ và hạnh phúc
Những ngày đầu tập vẽ, Miyuki gặp nhiều khó khăn. Ngón tay bị cứng và lật ngược ra sau vì xương mọc, đâm qua da. Chỉ có một bàn tay đủ ngón, em thường bị đứt tay mỗi lần gọt bút chì. Những đau đớn, bất tiện không khiến em từ bỏ niềm đam mê này. Miyuki nghĩ cách khắc phục, đổi cách cầm bút vẽ làm sao thuận tiện nhất có thể.
Thời điểm Miyuki quay lại với đam mê cũng là lúc em thay đổi thái độ sống. Cô gái trẻ chọn cách chấp nhận và yêu thương chính mình.
“Em nhận ra mình không thể sống để vừa lòng mọi người được nữa. Trước đây, em sống theo suy nghĩ để mọi người chấp nhận mình như một người bình thường, không có khác biệt. Sau này, em thấy rằng không thể thay đổi suy nghĩ đó được. Chính em phải chấp nhận bản thân mình và cố gắng vì nó thôi”, Miyuki tâm sự.
Vui mừng với những thay đổi ở cô bạn thân Phương Uyên bùi ngùi nói: “Em thấy rất vui khi bạn trở nên thoải mái và ít rụt rè hơn trước. Em luôn luôn nói với bạn một điều là bạn xứng đáng được mọi người đối xử như một người bình thường và em cũng cố gắng chứng minh cho bạn thấy rằng xung quanh bạn có rất nhiều người yêu thương và giúp đỡ bạn thật lòng”.
Sau 1 năm rưỡi nỗ lực rèn luyện 4-5 tiếng/ngày, Miyuki đã xuất sắc đậu thủ khoa trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM. Em lựa chọn ngành Sư phạm Mỹ thuật với mong muốn được học nhiều hơn các thể loại, lĩnh vực hội họa.
Tuy nhiên, Miyuki phải bảo lưu 1 năm sau đó vì chuyện gia đình. Nhưng chỉ mất 1 học kỳ, em đã theo kịp các bạn. Trong tương lai, Miyuki muốn đến Nhật Bản du học để phát triển bản thân cũng như tài năng của mình.
Gặp Miyuki, tôi ấn tượng ở em sự vui vẻ, hoà đồng. Ở em luôn toả ra năng lượng tích cực. Em luôn cười, một nụ cười rất đẹp. Thông qua bộ ảnh “Đôi tay của Miyuki”, em muốn mọi người có cái nhìn lạc quan với cuộc sống, đừng đề cao vẻ bề ngoài mà khiến một ai đó tổn thương.
“Em rất muốn lưu lại những hình ảnh của bản thân khi em tự tin nhất. Để mỗi khi tâm trạng, em mở ra xem và em biết mình đã sống tự tin như thế”, Miyuki cười tươi, nói.
Song song với việc học, Miyaki đi làm gia sư tiếng Nhật và người mẫu ảnh cho một số cửa hàng thời trang. Nỗ lực của bạn rồi sẽ được đền đáp, hãy cứ như đoá hướng dương luôn hướng về phía mặt trời.