Cô giáo ngày ngày vượt 30km đem con chữ cho trẻ vùng cao: Ngày lễ chỉ 1 đoá hoa rừng là đủ

Đối với những giáo viên dạy ở vùng cao, họ không chỉ quan tâm đến việc “ươm mầm con chữ” mà còn chăm lo, bảo bọc trong suốt quá trình trưởng thành của các bé.

Từ trước đến nay, nghề giáo luôn được xem là một công việc cao quý, đáng kính trọng. Khi đã trở thành một “người lái đò”, mọi người thầy, người cô đều chỉ hy vọng có thể được chứng kiến các học trò của mình được trưởng thành. Vì vậy nên dù vất vả, khó khăn đến đâu, họ cũng sẽ nỗ lực hết sức dìu dắt, thắp sáng cho các học sinh.

Đây cũng chính là điều mà cô giáo Hà Thị Huệ (sinh năm 1993, sống tại tỉnh Phú Thọ) đang hướng đến. Cô là một trong những giáo viên đã tình nguyện lên công tác tại bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú thọ để dìu dắt các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

 Đối với cô giáo Huệ, học trò chính là niềm tự hào lớn nhất.
Đối với cô giáo Huệ, học trò chính là niềm tự hào lớn nhất.

Suốt 6 năm qua, cô Huệ đã ngày ngày vượt quãng đường 30 cây số để từ nhà lên bản đem con chữ đến cho các em học sinh. Mỗi ngày, cô phải dậy từ rất sớm, chuẩn bị mọi thứ đến 5 rưỡi sáng là lên đường.

Cô tâm sự: “Đường sá xa xôi, xe cộ lại không an toàn nên mình phải đi từ rất sớm để đảm bảo kịp giờ dạy. Có những hôm trời mưa, đường gặp phải muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Nếu vào mùa đông thì càng đi lên lại càng cảm nhận được cái lạnh thấu xương của vùng núi. Đôi lúc, chính mình còn không cảm nhận được bàn tay vì tiết trời quá lạnh”.

 Dù bản thân cũng gặp không ít khó khăn, nhưng cô Huệ luôn dành những điều tốt nhất cho học sinh của mình.
Dù bản thân cũng gặp không ít khó khăn, nhưng cô Huệ luôn dành những điều tốt nhất cho học sinh của mình.

Vất vả là vậy, thế nhưng mức lương mà cô nhận được hàng tháng chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống và đi lại mỗi ngày. Kể cả vậy, cô giáo Huệ chưa từng một lần hối hận vì quyết định của mình. Thậm chí, dù gia đình khuyên nhủ về dưới xuôi kiếm công việc ổn định, thu nhập tốt hơn, cô vẫn nhất mực từ chối.

Bởi lẽ, đối với cô, trên bản nghèo thiếu thốn này có một thứ mà không phải nơi đâu cũng có, chính là tình người ấm áp, tình cô trò đáng trân quý. Hơn thế nữa, cô muốn ở lại đây, cùng đồng hành với những học trò thân yêu mà bản thân đã dìu dắt suốt bao năm qua. Cô muốn tất cả em nhỏ tại bản Mỹ Á được lớn lên trong tình yêu thương, tiếp nhận những con chữ, kiến thức giống như bao đứa trẻ khác.

Nói rõ hơn về quyết định của mình, cô cho biết: “Bản thân mình thích làm xa để trải nghiệm những điều mới lạ. Tuy ở trên đó còn thiếu thốn nhưng với mình lại đầy ắp tình yêu thương. Bản thân mình rất yêu và thương tụi nhỏ. Mình cũng hiểu được cái thiếu thốn mà các em đang phải trải qua. Bởi hồi nhỏ, mẹ con mình cũng đã phải trải qua những ngày tháng khổ cực”.

 Những bữa cơm tuy thiếu thốn thức ăn nhưng lại đậm tình cô trò.
Những bữa cơm tuy thiếu thốn thức ăn nhưng lại đậm tình cô trò.

Những ngày đầu trở thành “cô giáo vùng cao”, Huệ cảm thấy rất lạ lẫm. Bởi lần đầu cô mới có cảm giác đi xa đến vậy, hay như Huệ nói là “đi mãi vẫn không thấy điểm dừng”. Đến khi nhìn thấy những học trò mà mình sẽ giảng dạy, cô không khỏi xót xa. Bởi lẽ, hầu hết trẻ em vùng cao đều quá đỗi thiệt thòi.

Cô kể: “Nhìn các bé tội lắm. Mùa đông đến thực sự nhìn rất thương. Trẻ không có đủ quần áo ấm để mặc, dép tất cũng chẳng có để mang. Nhưng em nào cũng toát lên sự ngây thơ, thuần khiết. Dù không thể giao tiếp nhiều với các cô (do hầu hết đều là trẻ dân tộc, không giỏi nói tiếng Kinh) nhưng tất cả đều rất ngoan ngoãn và ham học hỏi”.

 Chỉ cần nhận được quà của cô, các em nhỏ đều rất đỗi vui mừng.
Chỉ cần nhận được quà của cô, các em nhỏ đều rất đỗi vui mừng.

Không chỉ cô Huệ, tại bản Mỹ Á còn có một số giáo viên khác cũng tình nguyện lên vùng cao để giảng dạy cho trẻ em dân tộc. Tất cả các cô tuy không khá giả gì, nhưng đều là những người rất thương yêu trẻ em, sẵn sàng làm mọi việc vì học trò nhỏ. Mỗi buổi trưa, sau khi kết thúc buổi dạy, tạm rời cục phấn, bảng đen, các cô nhanh chóng xuống bếp, nấu nướng đồ ăn cho học sinh.

Kể lại những khoảnh khắc đó, cô giáo Huệ cho biết: “Do nhà xa nên trẻ em trên bản thường tự mang cơm từ nhà đi. Tuy nhiên, vì gia đình khó khăn nên nhiều em phải chịu cảnh bữa đói bữa no. Có những bé buổi trưa không có gì để ăn, đến mức đói lả cả đi. Các cô không biết làm gì chỉ đành giúp bé nấu gói mì tôm ăn tạm”.

Nhờ có sự hỗ trợ từ phía nhà trường, cộng thêm tình yêu thương, bao bọc của giáo viên, các em nhỏ vùng cao đã được phát triển trong môi trường tràn ngập tiếng cười. Tuy mỗi bữa trưa đều là “có gì ăn nấy”, thế nhưng hầu hết các em đều rất vui vẻ, cùng nhau thưởng thức bên cạnh giáo viên của mình.

 Mỗi khi rảnh rỗi, cô Huệ lại cùng học sinh trò chuyện, vui đùa.
Mỗi khi rảnh rỗi, cô Huệ lại cùng học sinh trò chuyện, vui đùa.

Không chỉ mang con chữ đến với trẻ em vùng cao, các cô giáo còn hỗ trợ rất nhiều cho các em nhỏ. Theo lời cô giáo Huệ chia sẻ: “Thực sự có nhiều khi các cô ở trường mình đã bỏ tiền ra để mua đồ cho các bé. Thấy mấy bé đến lớp không có quần áo ấm để mặc, các cô cũng nhóm lửa để sưởi ấm cho học sinh. Hay có những buổi trưa, các cô lại mua cho các bé ít bánh kẹo, hoa quả rồi trò chuyện vui chơi cùng các bạn ý”.

Đối với cô giáo Huệ, những hành động trên đều xuất phát từ tình yêu thương, mối quan hệ gắn kết giữa thầy và trò. Chính vì vậy nên đối với cô, chẳng có gì đẹp hơn nụ cười của các em nhỏ. Ngày lễ 20/11 này, cô cũng háo hức giống như bao thầy, cô giáo khác.

Cô nói: “Là một người đứng trên bục giảng, mình cũng rất mong chờ ngày lễ này. Bởi cứ đến những dịp như vậy, các học trò lại nhớ đến mình. Mấy bé lại gửi 1 lời chúc hoặc 1 bông hoa rừng, thế là đã đủ cho một ngày tràn ngập niềm vui”. 

 Các cô giáo vùng cao hầu hết đều làm việc vì nụ cười của các em học sinh.
Các cô giáo vùng cao hầu hết đều làm việc vì nụ cười của các em học sinh.

Nói về dự định của mình, cô giáo Huệ chia sẻ: “Hiện tại, mình chưa có ý định nghỉ việc. Mình dự định sẽ làm ở đây cho đến khi nào sức khỏe không còn tốt nữa. Đó là dự định của mình, còn cuộc sống thì không thể nói trước được.”

Có thể thấy, tình cảm cô giáo Huệ dành cho các học trò của mình quả thật rất lớn. Đối với cô, chỉ cần học trò được vui thì mọi điều đều không quan trọng. Mong rằng với sự chăm sóc, chỉ bảo tận tình của cô, các em nhỏ có thể phát triển một cách trọn vẹn nhất.

Nguồn: Yan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *