Nhiều người có tâm lý thích mua đồ giá rẻ vì cho rằng như thế sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn nhưng thực tế không phải vậy.
Ai cũng thích hô hào tiết kiệm, tìm đủ mọi cách để có một khoản để dành. Cách thức tiết kiệm thì có vô số nhưng rất nhiều người ưa thích việc mua những món đồ giá rẻ với mục đích cao cả là tích góp chút một, chút một rồi sẽ có ngày nó thành khoản lớn. Tuy nhiên, thực tế cho hay suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Bởi thường thì mua đồ đắt chưa chắc đã đắt, vì theo một cách nào đó, nó lại giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Bạn nghĩ gì về nghịch lý “đồ càng đắt càng tiết kiệm tiền”?
Rất nhiều người đều từng trải qua cảnh đi shopping ở những trung tâm thương mại lớn và lập tức phải lòng bộ cánh nào đó. Bạn sờ sờ chất lượng, bạn ngắm trái ngắm phải sau đó len lén nhìn mác giá, trái tim hụt đi một nhịp, bạn thấy nó quá đắt.
Ngay cả khi trong lòng cực kì tiếc nuối, bạn vẫn sẽ lắc đầu và nói “Tôi không lấy nữa” với nhân viên. Sau khi về nhà, bạn lướt trên mạng và tìm thấy mẫu y chang với giá rẻ hơn rất nhiều. Không cần nghĩ nhiều, bạn lập tức order.
Một lần khác, bạn muốn mua laptop. Bạn đến cửa hàng tham khảo và nhận ra một chiếc Macbook có giá cao gấp 3 lần laptop của hãng A, hãng C nào đó. Suy đi tính lại, bạn quyết định chọn máy hãng A.
Những món đồ này được mua dưới sự ảnh hưởng của ý nghĩa “so với mấy món đồ đắt đỏ, chúng rẻ hơn nhiều”. Để tiết kiệm tiền, bạn chấp nhận mua những thứ rẻ tiền mà thực ra bạn không quá thích. Bạn mua một cái gì đó không phải vì bạn thích, mà vì nó “rẻ”, “hợp túi tiền”.
Người ta sẽ khen những người mua đồ rẻ là “biết tính toán cho cuộc sống” và chỉ trích những người mua đồ đắt là “vung tiền qua cửa sổ”. Thế rồi đến lúc đi dự tiệc, dự lễ, nhiều người lại than thở rằng họ không thể chọn được một chiếc váy ưng ý. Nhìn giá giày đầy ắp, bạn mới biết mình đã tốn không biết bao nhiêu tiền mà không chọn được một đôi giày ưng ý. Bàn trang điểm đầy mỹ phẩm, tới lúc bạn cầm lên thì phát hiện quá nửa chúng đã hết hạn sử dụng. Sau 4 năm sử dụng, chiếc laptop hãng A trở nên già cỗi, nay mất mấy trăm nghìn sửa cái này, mai lại mất cả triệu bạc sửa cái khác.
Bởi thế mới nói, nếu bạn mua những thứ đắt tiền trong phạm vi tài chính của mình, cuối cùng bạn sẽ phát hiện chúng mới thực sự là cách tiết kiệm hiệu quả nhất.
Vì sao nghịch lý này lại xảy ra?
Hãy cùng xem một ví dụ: Cô A và cô B là một đôi bạn thân. Trong một lần đi mua sắm, cả hai đều nhìn trúng một mẫu áo khoác có giá gần 2 triệu đồng. Cả hai đều thử và đều rất hợp với nó.
A không ngần ngại mua nó trong khi B lưỡng lự khá lâu, và rồi cuối cùng không mua thì cảm thấy giá quá đắt. Sau khi về nhà, B dành nguyên buổi chiều lướt mạng và tìm ra một chiếc áo giống hệt mà có giá chỉ bằng 1/2. Nghe đến đây, có vẻ như B đã tiết kiệm hơn A.
Nhưng sau khi hàng về, B mặc thử thì thấy áo may bị lỗi và bị mất dáng, khiến bản thân trông mũm mĩm hơn hẳn. Thế là chiếc áo chỉ mặc có 1 lần đã bị cất vào tủ. Về phần mình, A lại khá hài lòng vì chiếc áo vừa người, một năm sau vẫn đẹp và mặc được.
Cứ thế, tủ quần áo của A tuy ít quần áo hơn nhưng chất lượng, tinh tế, khiến A trông cũng vì thế mà trang nhã, xinh đẹp hơn. Còn tủ quần áo của B tuy chật cứng vì mỗi năm cô nàng đều mua mới không ngừng nhưng cô nàng luôn phải sống trong cảnh kêu ca vì những món đồ chất lượng không tốt, giặt vài lần đã co thành một nhúm hoặc bị phai màu.
Sự khác biệt về quan niệm tiêu dùng dẫn đến sự khác biệt trong cuộc sống. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, B thoạt nhìn rất tiết kiệm nhưng thực tế lại tiêu nhiều tiền hơn hẳn.
Đầu tiên, đôi khi đồ giá rẻ giống như một lỗ đen, nuốt chửng hết thời gian của bạn.
Vì nhạy cảm với khoản giá cả nên bạn luôn phải so sánh ít nhất 3-4 shop cùng lúc. Đối với họ – những người đang theo đuổi mức giá thấp nhất, thứ gì họ thiếu thốn nhất? Tiền bạc! Vậy thứ gì họ giàu có nhất? Thời gian! Dưới sự ảnh hưởng đồng thời của hai điều kiện này, trong mắt họ, tiền “đáng tiền” hơn nhiều so với thời gian.
Họ cho rằng chỉ số tiền bỏ ra mới bị tính chi phí tiêu tốn. Ngược lại, đối với những người tiêu dùng thông thái, thời gian là quý giá nhất. Bởi vì tiền có thể kiếm được bằng n cách khác nhau nhưng thời gian thì không, một khi nó đã trôi qua bạn sẽ không thể lấy lại được.
Tương tự như câu chuyện chúng ta đã kể trở trên, trong lúc B bỏ công sức đi xem xét cả chục shop khác nhau để so giá thì A viết thêm một bài báo, nhận về nhuận bút 1 triệu đồng. A không chỉ có thêm thu nhập mà nhờ những bài viết của mình, A còn thu về những độc giả trung thành, nâng cao danh tiếng. Vô hình trung, những thứ cô nhận về nhiều và phong phú hơn hẳn so với 1 triệu đồng B tiết kiệm được.
Thứ hai, tiền nào của nấy.
Những thứ thật sự vừa đắt vừa tốt đương nhiên sẽ dễ sử dụng và hiệu quả hơn. Vì đơn giản lắm, chất lượng tốt, sử dụng được lâu suy ra hiệu quả về chi phí sẽ là cao nhất.
Ở đây chúng ta lại lấy ví dụ một chiếc điện thoại xịn và một chiếc điện thoại đểu. Máy đểu giá rẻ sẽ hoạt động mượt mà thời gian đầu nhưng càng về sau sẽ càng bị lag, bị chậm. Bạn thậm chí phải thay điện thoại nửa năm đến một năm một lần vì vấn đề chất lượng. Điện thoại đắt tiền, hiện đại thì không. Phần lớn thời gian giá thành đi cùng chất lượng, họ sẽ đảm bảo cả hai yếu tố đồng thời để giữ uy tín cho thương hiệu của họ.
Thứ ba, chúng ta thường quý trọng những thứ đắt tiền hơn và cố gắng kéo dài thời gian sử dụng chúng.
Khi bạn bỏ ra một số tiền lớn để mua chiếc iPhone đời mới, bạn sẽ sẵn sàng mua thêm một chiếc ốp lưng, một bộ kính cường lực xịn để bảo vệ nó. Chỉ một vết xước nhỏ cũng khiến bạn xót lên xót xuống. Còn nếu bạn dùng một chiếc điện thoại giá chỉ vài ba triệu, dù làm rơi bạn cũng nghĩ: “Ôi dào, điện thoại đểu ấy mà, dùng kiểu gì chẳng được. Cùng lắm hỏng thì mua cái mới”.
Không chỉ với điện thoại, tâm lý tương tự cũng xảy ra với quần áo và giày dép. Bạn sẽ là lượt, bọc chiếc áo chục triệu đồng cẩn thận trong tủ còn chiếc váy 100k sẽ bị bạn vứt bừa trên ghế, để nó nhàu nát, mặc vài ba lần rồi vứt xó.
Bản chất của con người là vậy: những gì có được bằng nỗ lực lớn sẽ được trân trọng hết sức có thể, và những gì rẻ tiền luôn bị ghét bỏ, không để tâm.
Cuối cùng, những món đồ đắt đỏ mang đến cho bạn trải nghiệm khác biệt, thậm chí thay đổi thái độ sống của bạn.
Trong nhiều trường hợp, những trải nghiệm bạn có được do các món đồ xịn xò mang đến đáng nhớ vượt xa số tiền bạn đã phải bỏ ra để sở hữu chúng. Từ những chiếc túi hiệu, bạn có thể cảm nhận được độ mềm mại, tinh tế của chất liệu da và đường chỉ thủ công tỉ mỉ. Còn khi bạn mặc trang phục bằng vải lụa tinh tế, chất vải xếp nếp tạo cảm giác thoải mái cho bạn trong từng khoảnh khắc.
Quan trọng hơn, nếu bạn đã quen với hàng giá rẻ, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn không xứng đáng với những thứ tốt. Mỗi lần tụ tập với mọi người, vì quần áo, túi xách rẻ tiền, không tự tin nên đôi khi bạn sẽ cố gắng im lặng để người khác không chú ý đến mình. Theo thời gian, càng sống, bạn càng tự ti.
Thay vì coi giá rẻ làm tiêu chí để xem xét cuộc sống của mình, hãy dám đặt ra những mục tiêu cao hơn để khiến bản thân có một cuộc sống khác. Điều này có thể kích thích tinh thần chiến đấu của bạn nhiều hơn.
Vì vậy, lời khuyên dành cho bạn là bắt đầu từ hôm nay, hãy vứt bỏ những thứ rẻ tiền đó đi, đừng để chúng tiêu hao năng lượng của bạn và kéo bạn xuống vực thẳm của sự không bằng lòng và mãn nguyện. Bạn xứng đáng với những tốt hơn.
Vậy có những bí kíp tiết kiệm tiền nào có thể áp dụng trong cuộc sống?
Nói về kỹ năng thực sự, chỉ cần 5 điều sau đã có thể giúp bạn mỗi khi chi tiêu:
1. Chỉ mua những thứ bạn cần, bạn hợp và bạn thích
Hãy đặt cho mình ít nhất 3 câu hỏi: “Mình có cần món đồ này không?”/ “Mình có phù hợp với món đồ này không?”/ “Mình có thích món đồ này không?”… trước khi quyết định móc ví.
2. Mua đúng thời điểm
Ngoài đồ tươi, có rất nhiều mặt hàng thiết yếu hàng ngày có thể mua vào mùa thấp điểm, chẳng hạn như mua đồ gia dụng vào tháng 3 – tháng 4, mua quần áo trái mùa. Nếu biết mua vào thời điểm thích hợp, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều.
3. Rẻ không đồng nghĩa với tiết kiệm
4. Bạn coi tiền mình bỏ ra là tiêu dùng hay đầu tư?
Là tiêu dùng hay là đầu tư thì các yếu tố cần được xem xét sẽ là khác nhau. Nó giống như mua một chiếc ô tô vậy, dùng để đi lại hàng ngày thì ưu tiên sự thoải mái, dùng để di chuyển đường dài thì ưu tiên tiết kiệm nhiên liệu.
5. Làm việc chăm chỉ để kiếm tiền!
Mục tiêu của chúng ta là tiết kiệm tiền, không phải để thoát nghèo; là sống một cuộc sống chất lượng, không lãng phí chứ không phải sống kham khổ, tồi tàn. Chính vì vậy, nâng cao thu nhập luôn là biện pháp tốt nhất và cơ bản nhất.
Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/co-mot-nghich-ly-biet-cang-som-cang-do-ngheo-mua-do-cang-dat-cang-tiet-kiem-duoc-nhieu-tien-162210111084000057.htm