Con nuôi danh hài Hoài Linh – Thái Trân: Bệnh nặng, đứng khóc giữa đường vì không nhớ mình là ai

“Tôi đã bước lên cầu Sài Gòn với ý nghĩ gieo mình xuống dưới dòng nước kia là kết thúc hết những khổ đau này”, ca sĩ Thái Trân, con nuôi danh hài Hoài Linh tâm sự.

Thái Trân tốt nghiệp khoa Thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai. Chị từng giành giải Tư Tiếng hát truyền hình TPHCM năm 2002, cuộc thi đã đưa rất nhiều nghệ sĩ lên hàng ngôi sao hiện nay, trong đó phải kể tới: Ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh, Hồ Lệ Thu, Thu Minh, Minh Tuyết, Đàm Vĩnh Hưng, Đức Tuấn, Đoan Trang…

Năm 2003, Thái Trân đoạt Siêu cup Đài phát thanh VOH, cuộc thi dành cho các thí sinh từng đạt giải Nhất, Nhì, Ba ở cuộc thi Tiếng hát Đài phát thanh VOH trong 10 năm.

Dù bảng thành tích không hề thua kém bất cứ ngôi sao nào trong nghề nhưng phải đến cuộc thi “Tôi là người chiến thắng” (The Winner is) năm 2014, khi được danh hài Hoài Linh nhận làm con nuôi thì Thái Trân mới là cái tên được nhiều người biết đến và tìm kiếm.

Cuộc trò chuyện mới đây giữa chúng tôi và Thái Trân đầy cảm xúc như chính cuộc đời của chị với bao thăng trầm, biến cố.

Thái Trân của gần chục năm trước

Đứng giữa đường khóc vì quên mình là ai, ở đâu…
Đoạt giải Tiếng hát truyền hình là một bước đệm để ca sĩ bước lên một bậc cao mới trong sự nghiệp nhưng chị thì khác. Sau cuộc thi đó, chị ở đâu?

Sau khi đạt giải, tôi đầu quân về Đoàn nghệ thuật Quân khu 7. Tôi hát ở đoàn 2 năm thì nghỉ vì sức khỏe không đảm bảo. Hồi đó, tôi năng nổ lắm. Mình hiền lành, ngoan nên không va chạm với ai. Tối tối cùng các anh chị trong đoàn lên xe đi hát tới khuya mới về. Cuộc sống bình yên lắm.

Khi ra ngoài hát show tự do mới va chạm với đời. Thời đó, tôi rất đắt show. Tôi có tật rất lớn, nếu không cảm được ca từ là không hát được. Hát sẽ bị phô. Cho nên những bài tôi hát là những bài tôi “vỡ” được cảm xúc trong đó, như nhạc Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, nhạc tiền chiến, nhạc Hà Nội…

Cho tới lúc này, tôi may mắn được các anh chị em trong nghề rất thương. Chưa từng có ai chà đạp, làm điều xấu, tổn thương tôi. Có lẽ Tổ đãi tôi chỗ đó. Sau này gặp bố Hoài Linh, bố nói “Tiếng hát nói lên tâm tính con người con. Khi con hát, bố biết con là người thế nào, không cần phải nói”.

Tôi không quá nổi bật nhưng người nào gặp tôi, nói chuyện với tôi đều sẽ thương tôi thật, không giả tạo. Có lẽ vì tôi chân thành, không xã giao. Nếu không thích, tôi sẽ im lặng. Khi đã thích, tôi nói rất nhiều, rất cởi mở.

Dù bị bệnh nhưng Thái Trân lúc nào cũng khát khao được hát, cháy bỏng một tình yêu với nghề.

Chị chỉ hát được khi đã “vỡ” được cảm xúc trong ca từ của bài hát đó. Nghĩa là, chị hát bằng cảm xúc. Điều này có lẽ không tốt cho một người có bệnh tim bẩm sinh và nặng như chị?

Đúng vậy. Hát bằng cảm xúc rất mệt. Ngay cả bây giờ, chỉ cần tôi hơi phấn khích một chút là đã mệt. Đó cũng là lý do mà mọi người rủ làm show, tôi luôn từ chối. Tôi sợ mình đang hát mà xỉu sẽ làm mọi người lo lắng.

Ngày tôi thi “The Winner Is”, tôi bị xỉu ngay trong hậu trường và tôi rất áy náy. Nhiều người tưởng tôi diễn nhưng lúc đó, chính bố Hoài Linh đo huyết áp cho tôi, huyết áp lên tới 18, ở mức có nguy cơ đột quỵ cao. Mạch máu tôi như muốn vỡ ra rồi. Mọi người nói tôi diễn, tôi chỉ biết im lặng, không trả lời gì hết.

Tết vừa rồi, huyết áp tôi thường xuyên lên xuống thất thường. Vì biên độ quá rộng nên tim mình chịu không được. Có lúc tôi bị cứng quai hàm.

Cho nên bây giờ, trong nhà tôi, mọi người như được huấn luyện, thấy mặt tôi có biểu hiện khác là biết liền. Máy đo huyết áp, máy đo tim, thuốc tim lúc nào tôi cũng kè kè bên người.

Tôi bị những cơn đột quỵ thoáng qua. Nếu bạn nhìn kỹ sẽ thấy miệng tôi hơi xệ xuống một chút. Tôi bị nói lắp nhẹ, chỉ người thân thiết mới nhận ra. Đó là di chứng. Tôi còn hay quên. Đang nói chuyện lại ngẩn ra suy nghĩ vì quên là mình định nói gì. Người không biết lại tưởng tôi không tôn trọng hò, kỳ thực không phải.

Khoảng 2 năm trước, có lần tôi đứng giữa đường khóc vì không biết mình là ai, mình định đi đâu. Cũng may là chỗ đó gần nhà. Mọi người biết tôi nên dẫn má chồng tôi đến đón về. Tôi cũng không nhận ra má chồng. Về nhà, tôi ngủ 1 ngày 1 đêm mới dậy. Lúc đó mới biết đã có chuyện như thế xảy ra.

Sau này, bệnh viện cấp cho tôi một cái thẻ ghi tên gì, ở đâu, bị bệnh gì rồi đeo ở cổ. Tôi mắc cỡ quá nên tháo xuống bỏ cốp xe.

Thái Trân nhiều lần nhận được lời mời trở lại sân khấu nhưng chỉ vì sức khỏe yếu nên bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đến gần hơn với khán giả.

“Tới con kiến, mình còn không đành giết tại sao mình lại muốn giết mình”
Việc mang trong người quá nhiều bệnh, từ suy tim tới suy thận nặng, lúc nào cũng đau đớn có thể khiến chị stress, trầm cảm mà dẫn tới những di chứng đó?

Đúng vậy. Tôi bị rối loạn lo âu, hiểu đơn giản là trầm cảm. Tôi từng uống thuốc trầm cảm 6 tháng trời mới được như bây giờ. Thỉnh thoảng lên cơn mệt quá, tôi ngồi thẫn thờ, không nhớ gì.

Có những khi tôi ngủ một giấc 2 ngày liền. Điện thoại báo thay thuốc thì dậy thay rồi ngủ tiếp. Tới giờ ăn, mọi người kêu dậy ăn rồi lại ngủ nữa. Sau 2 ngày mới thấy hồi người.

Có những khi tôi cứ ngồi nói chuyện một mình. Suốt một thời gian dài, gia đình tôi không ai hay. Cho tới một hôm, má chồng tôi phát hiện thì cả nhà mới biết. Lúc đó, tôi đã bị trầm cảm nặng rồi. Ban ngày tôi ngủ mê mệt nhưng đêm lại tỉnh như sáo.

Sau tất cả, tôi nhận ra rằng, mình phải biết thương bản thân mình. Gia đình, chồng con dù có thương mình đến cỡ nào đi nữa thì họ cũng không đau thay mình được, họ cũng không thể sống thay mình được. Cho nên, quan trọng nhất vẫn là phải biết thương bản thân.

Tôi vẫn luôn nhắc bạn bè, người quen phải đi khám sức khỏe thường xuyên, phải biết thương bản thân. Mệt quá thì nằm xuống nghỉ đi, đừng nghĩ gì hết. Khỏe làm tiếp. Cứ nghỉ đi, ngủ đi cho não mình phục hồi, cho cơ thể mình phục hồi rồi tính tiếp.

Dù vậy, chị nguyện phải hát tới giây phút cuối cùng. Còn thở là còn hát. Đó là nghiệp chị đã mang trong số kiếp này.

Tôi mang trong người không biết bao nhiêu bệnh nhưng Trời thương cho tôi lý trí cực mạnh. Lúc mệt, tôi mua yến, mua đông trùng hạ thảo về bồi bổ. Dù chưa ăn ngay nhưng mình cũng có tinh thần. Bởi mình phải cứu mình, đừng chờ người khác, đừng chờ Chúa, đừng chờ Thần, Phật tới cứu. Thế gian này còn nhiều người đau khổ lắm.

Có những khi quá mệt mỏi, quá đau đớn, tận cùng của sự cùng đường, bí bách, tôi đã bước lên cầu Sài Gòn với ý nghĩ gieo mình xuống dưới dòng nước kia là kết thúc hết những khổ đau này.

Tôi đã xếp đôi dép ngay ngắn nhưng rồi cứ đứng mãi vì nghĩ tới mẹ. Rồi tôi thấy tội cho mình, thương cho mình. Tới con kiến, mình còn không đành giết tại sao mình lại muốn giết mình. Những đau đớn này tôi đang phải chịu có lẽ là nghiệp của kiếp trước, mình trả chưa hết.

Trong giờ khắc đó, tôi hiểu rằng, chỉ mình mới cứu được mình!

Tôi đứng đó khóc như điên dại, cảm giác như cả thế gian đều quay lưng với mình. Sao tôi cô độc thế! Có những nỗi buồn, tôi cứ gồng người chịu đựng, không nói được với ai. (khóc nghẹn ngào…)

“Nhiều lúc mệt quá mới nhắn cho bố Linh khóc lóc, than thở”
Bệnh của chị, hiểu một cách nào đó là “bệnh nhà giàu”. Không giàu, không sống được bởi cần rất nhiều thuốc và đều là những thuốc đắt tiền. Chị lại không đi hát đã nhiều năm nay vì sức khỏe quá yếu. Vậy chị xử lý vấn đề tài chính thế nào?

Tôi có một ít và còn ông xã. Ông xã tôi, dù thế nào thì anh cũng rất lo cho tôi, rất tốt với tôi. Nếu sau này, anh có thay đổi thì anh cũng đã sống trọn vẹn với tôi lắm rồi. Tình đủ, nghĩa cũng đủ.

Chỉ vì lúc đo huyết áp cho Thái Trân, danh hài còn đeo micro vì đang chuẩn bị quay hình, mà hai bố con bị một số người nói “diễn”. Thái Trân rất buồn vì điều đó nhưng danh hài Hoài Linh khuyên cô nên mặc kệ.

Từ lúc phát hành album nhạc Trịnh Công Sơn tới nay là 6 năm rồi. Lẽ ra năm ngoái, tôi định làm album, ông xã là nhà tài trợ chính. Nhưng có một số chuyện buồn xảy ra nên tôi quyết định dừng lại, bỏ luôn cả tiền cọc cho người làm nhạc. Lúc đó, tôi nghĩ sẽ kết thúc mọi thứ.

Rồi mọi người thăm hỏi, động viên nên năm nay tôi quyết định làm tiếp. Anh Quang Ngọc, Giám đốc âm nhạc của album này nói, chỉ cần tôi giữ sức khỏe để hát thôi, mọi thứ anh Ngọc và anh em trong ê-kíp sẽ lo hết.

Album này, anh Quang Ngọc chọn bài cho tôi. Có những bài nốt quá cao, tôi bị áp lực nhất là khi thấy anh em đặt quá nhiều niềm tin vào mình. Anh Ngọc nói “Cuộc đời em như vậy, em còn vượt qua được hết thì mấy bài hát này có là gì”. Tôi bị áy náy nếu phụ sự kỳ vọng của người khác nên chỉ biết cố gắng.

Mấy anh em đã bắt tay vào làm, mỗi nhóm mỗi việc, tới ngày thu thì ráp với nhau. Thôi thì, tới con chim có bị nhốt trong lồng cũng phải hót mới chết huống chi mình là ca sĩ. Đã mang kiếp con tằm thì đến chết cũng phải nhả tơ. Tôi sẽ hát, hát cho tới khi không hát được nữa mới thôi.

Từ khi được danh hài Hoài Linh nhận làm con nuôi, chị và bố nuôi có thường xuyên liên lạc, quan tâm chia sẻ cuộc sống không?

Sau The Winner Is, bố Linh rất nhiều việc, không thể đu theo tôi hoài. Bố khuyên tôi nên nghỉ ngơi. Tuy bố không nói nhưng tôi hiểu, bố muốn con cái tự lập, đừng có động tí lại réo bố. Như vậy là không có bản lĩnh. Hơn nữa, bản thân tôi cũng không muốn phiền người khác, nhất lại là những người mình yêu thương nhất.

Tình cảm của hai cha con Thái Trân với bố Hoài Linh đến giờ vẫn rất tốt. Có những khi, 3,4 giờ sáng, bố con còn nói chuyện.

Có lẽ bố cũng hờn dỗi tôi. Tính tôi cứ im im, bố hỏi mới nói. Nhiều lúc mệt quá mới nhắn cho bố, gọi cho bố rồi khóc lóc, than thở đủ thứ. Bố an ủi xong, tôi lại mất tích một thời gian dài vì bị mắc cỡ, cứ ăn với làm phiền “ông già” hoài.

Riết tôi nghĩ, giống như mỗi lần mình kêu “bố ơi” là cảm giác như đem họa tới cho bố vậy. Buồn phiền cũng bố. Đau đớn cũng bố. Giận chồng cũng bố. Tội bố Linh lắm, 1-2 giờ sáng, bố cũng nghe. Thành ra, tôi bị mặc cảm đem phiền phức tới cho bố vậy!

https://phapluatbandoc.  giadinh.net.vn/con-nuoi-danh-hai-hoai-linh-thai-tran-benh-nang-dung-khoc-giua-duong-vi-khong-nho-minh-la-ai-162210904071624123.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *