Đầu tháng 11/2021, biến thể Omicron đã lần đầu được phát hiện tại Nam Phi và nhanh chóng lây lan sang nhiều nước châu Phi khác. Trước đánh giá ban đầu về khả năng lây nhiễm nhanh và kháng kháng thể, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xếp Omicron vào danh sách biến thể đáng lo ngại cùng với Delta.
Cho đến nay, Omicron đã dần lan san nhiều quốc gia ở các châu lục khác như Anh, Bỉ, Đức, Israel, Hồng Kông… Hàng loạt nước đã phải ra lệnh hạn chế nhập cảnh nhiều nước châu Phi để đề phòng biến thể mới này.
Các nhà khoa học đang đặt nhiều ưu tiên vào nghiên cứu biển thể Omicron. (Ảnh: CNN)
Hình ảnh minh họa đầu tiên của Omicron
Ngày 28/11, Hãng Thông Tấn ANSA của Ý đã công bố hình ảnh đầu tiên trên thế giới so sánh giữa biến thể Omicron và biến thể Delta. Hình ảnh này được tạo ra trong khu vực nghiên cứu của Bệnh viện Bambino Gesù ở Rome do giáo sư Carlo Federico Perno điều phối.
Hãng Thông Tấn của Ý lần đầu công bố hình ảnh đầu tiên minh họa cho Omicron từ phòng thí nghiệm. (Ảnh: Chụp màn hình)
Hình ảnh cho thấy các đột biến của biển thể Omicron (chấm đỏ) nhiều hơn hẳn so với Delta, đặc biệt là tại những vị trí tiếp xúc trực tiếp với tế bào trong cơ thể người. Ở những vùng cam, vàng, xanh lá hay xám, mức độ đột biến giảm dần hoặc gần như không thay đổi gì.
Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy biến thể Omicron đang tạo ra các đột biến thích nghi với cơ thể con người hơn. Song điều này không có nghĩa là Omicron nguy hiểm hơn Delta: “Các nghiên cứu sâu hơn sẽ cho chúng ta biết liệu sự thích nghi này là bình thường, ít nguy hiểm hay nguy hiểm hơn.” – nhóm nhà khoa học cho biết.
Sự khác biệt lớn nhất của Omicron và Delta thể hiện ở số lượng đột biến. (Ảnh: ANSA)
Vaccine vẫn có hiệu quả phòng ngừa
Mặc dù cả thế giới đang lo ngại trước biến thể mới song trang Sputnik có viết, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi – Angelique Coetzee cho rằng còn quá sớm để nói về tác động của biến chủng mới. Bộ trưởng Y tế Nam Phi – Joe Phaahla cũng lên tiếng trấn an khi khẳng định Omicron không gây ra tình trạng bệnh Covid-19 nặng.
“Biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ như đau cơ và mệt mỏi trong 1-2 ngày và người bệnh có thể cảm thấy không được khỏe. Cho đến nay, chúng tôi phát hiện những người mắc biến thể này không bị mất vị giác hay khứu giác. Họ có thể bị ho nhẹ nhưng không có triệu chứng nổi bật, hoàn toàn có khả năng điều trị tại nhà.” – quan chức y tế Nam Phi cho hay.
Ngành y tế Nam Phi đang rất cẩn trọng trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể mới. (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, Washington Post cũng nhấn mạnh ý kiến của các nhà nghiên cứu rằng còn nhiều câu hỏi liên quan đến Omicron cần thêm thời gian để giải mã. Mặt khác, họ khẳng định thời điểm hiện tại, vaccine vẫn là biện pháp tối ưu nhất để hạn chế lây lan và biến chủng của virus.
Nhà virus học lâm sàng Đại học Cambridge, Anh – tiến sĩ Chris Smith đưa ra quan điểm: “Tôi nghĩ tình hình không đến mức mà vaccine trở nên vô dụng với Omicron. Điều này gần như là không thể, chỉ có vấn đề là vaccine có thể chống lại virus đến đâu mà thôi.
Omicron là biến chủng đáng lo ngại và chúng ta có thể phải nâng cấp độ ứng phó. Nhưng cũng không nên vội vã kết luận nó sẽ trở thành vấn đề lớn. Tôi tin chúng ta sẽ có dữ liệu mới trong vài ngày tới.”
Vaccine trước mắt vẫn có hiệu quả trước Omicron. (Ảnh: Japan Times)
Có thể thấy các nhà khoa học đang rất quan tâm đến Omicron vì các đột biến của nó gần như hoàn toàn mới so với chủng gốc. Song trước khi có bất kì kết luận nào, mọi người cũng không nên quá lo lắng mà cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe.
Nguồn: https://www.yan.vn/du-lieu-thuc-cho-thay-su-khac-biet-cua-bien-the-moi-so-voi-delta-284272.html?fbclid=IwAR0wwIT3P6lPAPPWAriMkX353kBIaRWWaaRTvXwVwa0_qW6PrAgV2kLCYJ8