Tham gia vào đội quân chống dịch, nhiều bạn trẻ gần như không có thời gian ăn ngủ, tích cực hỗ trợ người dân, địa phương và đội ngũ y bác sĩ. Vậy mà khi có ai đó xin giúp đỡ thêm, họ không ngần ngại sẻ chia hết mình.
Đây là câu chuyện về bạn Nguyễn Duy (sinh viên năm 3, sống tại TP.HCM) hiẹn cùng với những đồng đội đang nuôi một chú chó, giúp chủ nhà là F0 đang phải đi cách ly tập trung. Bạn Duy cho biết, cũng tình cờ chính là nhà cô giáo dạy môn thể dục của anh thời học THCS.
“Cô biết tôi là tình nguyện viên chống dịch ở phường. Một hôm cô gọi điện cho tôi nói là gia đình cô đều là F0 nên phải đi cách ly tập trung, bây giờ chú chó nhỏ này không biết gửi đâu. Cô nhờ tôi có biết trung tâm thú y nào thì mang chó đi gửi giúp cô không tội nghiệp.
Bạn Nguyễn Duy rất tích cực tham gia phong trào tình nguyện (Ảnh: Thanh Niên)
Tôi tới nhà cũng thấy tấm bảng cô viết chữ trên bìa các tông để lại là “xin thương Moon-si, xin cho nó ăn hoặc nuôi giùm khi nhà đi vắng” thì rất thương. Tôi quyết định cùng với các tình nguyện viên khác chăm sóc em ấy luôn”, Nguyễn Duy kể.
Thật ra, Duy không phải là một người quá mê chó, thậm chí còn sợ hãi loài vật này. Duy chia sẻ: “Một lần tôi vào từng nhà để phát phiếu và nhắc mọi người đi lấy mẫu xét nghiệm thì con chó trong nhà chưa cột chạy xồ ra, cắn cho một phát vào chân.
Cũng may tôi mặc đồ bảo hộ ở bên ngoài nữa, nên không bị làm sao nhưng sau lần ấy là rất sợ. Sau thấy Moon-si của nhà cô giáo là F0, tôi thấy rất thương nên đã cùng nuôi nó trong những ngày chủ nhà đi cách ly”.
Cô giáo để lại chìa khóa nhà cho Duy. Mỗi sáng trên đường đi trực, anh ghé qua nhà cho chó ăn. Chú chó ngoan sau lần đầu còn e dè sợ sệt với chàng trai mặc đồ bảo hộ xanh đầy mùi nước xịt khuẩn đã dần dần làm quen và ăn hết các phần thức ăn mang tới. Chú chó cũng làm quen với hết các thành viên trong đội tình nguyện. Trưa vào chiều, các tình nguyện viên ăn gì thì Moon-si lại được ăn đồ dư.
Duy và đồng đội của mình đã “nhận nuôi” chú chó nhỏ (Ảnh: Thanh Niên)
Mới đây, một nữ nhân viên y tế cũng nhờ Duy và đội tình nguyện hỗ trợ chăm sóc một chú chó của chị , vì chị đi chống dịch suốt. Nhưng lần này Duy không dám đảm nhận. “Chú chó khá lớn, giống nước ngoài nên chúng tôi không biết cách chăm sóc. Có thể tôi sẽ liên hệ một trung tâm thú y nào đó giúp chị”, Duy nói.
Kể về công việc bận rộn, Duy cho biết mình và các đồng đội có khi phải làm việc tới khuya. “Vất vả nhất là các bạn nam trong nhóm khử khuẩn phải vác trên lưng những thùng 20- 30 lít trong thời gian dài rất nặng nhọc.
Để an toàn nhất cho bản thân và cộng đồng, chúng tôi không dám động vào đồ ăn, nước uống trong suốt quá trình làm việc nên nhiều khi đói bụng tới run tay chân, khát nước tới khô họng vẫn không dám động tới chai nước, hộp cơm.
Có những lúc chúng tôi thấy xót lắm, khi điều phối mời bà con vào lấy mẫu, có những ông, bà lớn tuổi đi run run, mà chúng tôi không dám lại gần đỡ ông bà vì mình đang mặc đồ bảo hộ, sợ lây nhiễm chéo, mọi người cứ đứng xa xa và nhắc “bà ơi bà đi cẩn thận nha”, Duy kể.
Cha mẹ nhiều khi lo lắng, nhưng họ tâm sự, bản thân mỗi người đều được rèn luyện trưởng thành trong mùa dịch này. Bên cạnh đó, nghĩa tình ấm áp của người Sài Gòn luôn khiến những tình nguyện viên như Duy và các bạn thấy ấm lòng. Nhóm của anh thường xuyên nhận được những phần cơm, bánh, nước giải khát từ các nhà hảo tâm trao tặng.
“Mong sớm được chia tay nhau, ai về nhà đó. Có gặp nhau cũng ở quán cà phê nha chứ nhìn mặt nhau hoài ở chốt trực phong tỏa ngán lắm rồi nha”, chàng trai đi chống dịch kiêm nuôi giúp chó cưng giúp chủ nhà F0 thường trêu vui với các bạn trong nhóm mình như thế.
Dù khó khăn nhưng các bạn trẻ vẫn giàu năng lượng và đầy lạc quan (Ảnh: Thanh Niên)
Đúng là ở Sài Gòn, không bao giờ thiếu tình nghĩa, không bao giờ thiếu đi những tấm lòng nhân hậu đầy thiện lượng. Riêng với những bạn trẻ, chính là điển hình cho sức sống mới. Nhờ có họ, chúng ta thêm vững lòng tin, rằng mai đây dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.
Lại nói giữa những ngày gian khó, không chỉ con người mà loài vật cũng đầy tội nghiệp. Chúng cũng bơ vơ trơ trọi khi chủ nhà trở thành F0, phải đi cách ly gần cả tháng trời. Thế nhưng, chúng vẫn được cưu mang bởi những con người tình nghĩa, bởi những bạn trẻ vô cùng dễ thương với phương châm “không có “ai” bị bỏ lại phía sau”.
Vậy nên, chỉ là một câu chuyện nhỏ thôi nhưng nhiều người lại thấy ấm lòng. Có thể trong quan niệm của phần đông, chó mèo là động vật bình thường, thậm chí có nơi còn coi nó như thức ăn, nhưng với nhiều gia đình, chúng là bạn tâm giao, là thành viên không thể thiếu.
Vậy nên, rất nhiều lời “cầu cứu” được đăng tải trên mạng xã hội. Có người thờ ơ, cũng có bạn nhiệt tình giúp đỡ. Bởi tình yêu thương động vật luôn khiến chúng ta xích lại gần nhau. Thậm chí nhà hàng xóm, bình thường ít giao thiệp, nhưng khi thấy những lời gửi gắm nhà bên kia để lại, họ cũng không nỡ bỏ mặc ngó lơ.
Sau cùng, rất cảm ơn đội quân tình nguyện, cảm ơn các bạn đã cống hiến hết mình cho đồng bào và Tổ quốc. Cảm ơn các bạn vì đã không ngại hiểm nguy xông pha vào tuyến đầu. Cảm ơn các bạn vì đã chịu đựng cả đêm lẫn ngày giữa thời tiết nóng bức, trong bộ đồ kín mít nhưng chưa bao giờ thở than. Cảm ơn vì sự tử tế và giàu lòng yêu thương, đến một chú chó nhỏ các bạn cũng không từ bỏ, đó chính là điều ấm áp nhất lúc này!
Nguồn: Thanh Niên
Tham khảo: https://www.webtretho.com/p/dang-ban-ron-di-tinh-nguyen-chang-trai-tre-van-nhan-nuoi-chu-cho-nho-giup-chu-nha-f0-am-long