Đau lòng: ‘đã có mất mát với y bác sĩ tuyến đầu’

Hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong gồm hai tại TP HCM, một Bình Dương, trong cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua.

Thông tin được PGS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu, sáng 19/8. Số nhiễm trên được thống kê từ đầu đại dịch năm 2020 tới ngày 9/8 và “chắc chắn còn tăng”, theo bà Bình.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chống dịch tại TP HCM, 900 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm trong quá trình làm việc trong đợt dịch này, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố. “Song, mất đi ba nhân viên y tế là điều đau xót nhất”, ông Khoa nói.

Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp bảo vệ nhân viên như yêu cầu tập huấn kỹ, trang bị đồ phòng hộ chặt chẽ… Nhưng ông Khoa cho rằng, thực tế nhiều cán bộ, sinh viên thiếu kinh nghiệm do lần đầu tiếp cận bệnh nhân Covid-19, trong khi phải làm việc tại nơi có nồng độ virus cao, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, nếu nhân viên y tế sơ suất cũng có thể bị lây nhiễm. “Cần có thêm lực lượng bổ sung để giảm cường độ công việc cho họ”, ông Khoa nói.

Hai tháng qua, hơn 12.000 y bác sĩ từ miền Bắc, Trung đã vào tâm dịch phía Nam. Trong đó, 7.000 người chi viện TP HCM, hơn 5.000 người phân bố các tỉnh còn lại.

Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa…

“Đã có những cuộc gọi lúc nửa đêm – nhân viên y tế khóc rất nhiều khi không cứu được người bệnh”, bà Bình kể.

Gương mặt sau khi tháo khẩu trang của bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư, làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 6, TP Thủ Đức, tháng 7/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K, vào chi viện Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM gần một tháng nay, nói “ở đây không ai được hít khí trời”.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là tuyến cuối, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải thở máy nên “để bệnh nhân được hít khí trời” trở thành mục tiêu của các y bác sĩ. Nơi này cũng đang thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu. Lượng bệnh nhân quá đông, lại toàn ca nặng, khiến bác sĩ nhiều lúc choáng ngợp với khối lượng công việc.

Các y bác sĩ đã chia 3 ca, 4 kíp làm việc 8 tiếng ban ngày và 10 tiếng ban đêm trong đồ bảo hộ cấp 4. Họ luôn phải cẩn trọng từng khâu, từ hút dịch cho bệnh nhân đến tháo bỏ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, trao đổi với đồng nghiệp luôn phải đúng quy định.

Khi về khách sạn nghỉ, họp đều trực tuyến, phòng nào ở phòng nấy. Họ vẫn đùa nhau “toàn tự chơi một mình”. Khoảng thời gian nghỉ giữa giờ, họ cũng chỉ ra sảnh hít khí trời một chút. Việc ăn uống lại càng qua loa, có khi thức ăn đã nguội ngắt mà không có lò vi sóng để hâm lại cho nóng.

“Chúng tôi chứng kiến đồng nghiệp ngoài chữa cho nhân dân, còn phải chữa cho cả bố mẹ, anh chị em đang trở nặng”, ông nói.

Đối mặt với nhiều áp lực, song các y bác sĩ vẫn cố gắng tự vượt qua. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ Hà Nội vào tăng cường các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang) cho biết, tình hình miền Tây “yên ổn hơn chút” so với TP HCM. Tuy nhiên, nơi mà cuộc sống vốn yên ả khi dịch bệnh tràn qua lại “thực sự khủng hoảng và rất áp lực”.

Ở khu vực này, khó khăn nhất là thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu. Người ở các chuyên ngành khác không thay thế được vì đây là ngành đặc thù. “Anh em có khi làm việc đến 500% sức lực”, bác sĩ Cấp nói.

Nhân viên y tế miền Bắc vào miền Tây ban đầu gặp chút khó khăn với thay đổi về khí hậu, đồ ăn, nhưng đã sớm khắc phục. Nhiều y bác sĩ từ chối ăn ở khách sạn tiện nghi, xin ở lại bệnh viện dã chiến, nơi điều trị F0 để kịp cứu chữa bệnh nhân.

Bác sĩ Cấp cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu thốn trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế. Nhiều đơn vị quan tâm tặng đồ phòng hộ nhưng vì thiếu kinh nghiệm đã mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này sẽ khiến nhân viên y tế bị lây nhiễm cao.

Bên trong khu hồi sức tích cực, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM – nơi bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh nói “không ai được hít khí trời”. Ảnh: Thành Nguyễn

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, cho rằng cần có chính sách riêng cho lực lượng y tế tuyến đầu; có thể là phụ cấp về độc hại, cường độ làm việc, làm ngoài giờ…

Công đoàn Y tế đã hai lần đề nghị Tổng liên đoàn đề xuất Chính phủ, Nhà nước phong tặng liệt sĩ với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch; coi họ là người thi hành công vụ, có chính sách với thân nhân của họ. Mỗi đoàn y tế tăng cường chỉ nên chi viện tối đa trong 2 tháng để đảm bảo sức khỏe; lập thêm bộ phận tư vấn tâm lý để giảm stress cho y bác sĩ.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng liên đoàn đã hỗ trợ một triệu đồng để tăng cường bữa ăn cho y bác sĩ, hỗ trợ thêm 2 triệu đồng cho mỗi người vào miền Nam, mua 20.000 thẻ an toàn y tế.

“Cuộc chiến chống dịch có thể còn kéo dài và khốc liệt hơn, không ai biết trước. Chúng ta luôn mong những điều tốt đẹp nhưng cũng phải dự liệu những điều không thuận lợi sẽ xảy ra”, ông Hiểu nói.

Hai nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 trước Bệnh viện dã chiến số 3, quy mô 3.000 giường, đặt tại một chung cư tái định cư phường An Khánh, TP Thủ Đức, tháng 7/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Hoàng Phương

Theo https://vnexpress.net/da-co-mat-mat-voi-y-bac-si-tuyen-dau-4343000.html?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *