Để sớm khôi phục hoạt động sản xuất, ngoài tuyển dụng lao động mới, các doanh nghiệp cần có chính sách động viên người đã hồi hương trở lại làm việc.
Kể từ khi TP.HCM và Bình Dương nới lỏng giãn cách, bà con đã ồ ạt kéo nhau về quê, đa phần là lao động làm việc tại các công ty, khu công nghiệp. Trong khi đó, các đơn vị này lại bắt đầu trở lại sản xuất sau nhiều ngày phải tạm “ngủ đông”. Từ đó đã dẫn đến bài toán thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp phải cấp tốc tuyển người.
Hàng nghìn người kéo nhau rời khỏi TP.HCM. (Ảnh: Thanh Niên)
TP.HCM, Bình Dương thiếu lao động trầm trọng
Báo VTC News đăng tải, nhận định về số lượng lao động tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho biết, hiện nay số lượng lao động còn lại tại các khu công nghiệp, chế xuất là khoảng 135.000 người, chỉ bằng 46% so với trước đây.
Cụ thể, trước ngày 1/10, TP.HCM có khoảng 288.000 lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn (trong đó số người làm việc theo quy tắc 3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 điểm đến” là 70.000). Tuy nhiên, sau ngày 1/10 (thời điểm thành phố nới lỏng giãn cách), số lao động trên chỉ còn 45.000 người, lao động đăng ký mới là 33.000 người; lao động “3 tại chỗ” chuyển sang hình thức sản xuất bình thường và số bổ sung thêm là khoảng 57.000 người.
Lao động là lực lượng sản xuất đóng vai trò quan trọng với TP.HCM. (Ảnh: Báo Lao Động)
Ông Hải cho rằng số lượng này là rất thiếu: “Hiện nay các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình.”
Trong khi đó, báo Dân Việt thông tin, tại Bình Dương, Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, chỉ trong 6 ngày (từ 30/9 đến 5/10), đã có 123.000 người từ địa phương về quê, đa phần họ đều là lao động, công nhân làm việc tại nhà máy.