Mỗi ngày vác máy khử khuẩn nặng hơn 50 kg trên vai trong bộ đồ bảo hộ cồng kềnh đi từ khu phong tỏa này đến điểm cách ly kia, có khi đi từ sáng sớm hôm nay đến 2 giờ sáng hôm sau. Dẫu cho mệt lả người, dung dịch có ngấm vào da gây bỏng rát… nhưng khi nhận cuộc gọi là họ lên đường đi khử khuẩn.
Những tình nguyện viên vác máy khử khuẩn đi từ khu phong tỏa này đến điểm cách ly kia, có hôm đến tận 2 giờ sáng hôm sau mới nghỉ
NVCC
Đó là những nhọc nhằn phải trải qua mỗi ngày của các tình nguyện viên trong đội hình khử khuẩn lưu động miễn phí do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) thực hiện.
Một điều rất ấn tượng là trong đội hình khử khuẩn này, có những tình nguyện viên là các cô cậu học trò vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã lập tức đăng ký tham gia chống dịch.
“Công việc rất nặng nhưng cái tâm của tụi mình còn nặng hơn”
Hồ Ngọc Yến Vy, học sinh Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định (TP.HCM), là cô gái hiếm hoi trong đội hình phun khử khuẩn lưu động này.
“Vì là công việc rất nặng nên đa phần đội hình khử khuẩn chỉ tuyển nam, các bạn nữ nếu tham gia thì cũng chỉ làm các công việc hậu cần, nhưng mình lại chọn vác bình đi phun như các anh. Mỗi lần nhìn thấy mấy anh mệt lả người, mình cũng không cầm lòng được, rồi nhìn thấy rất nhiều hộ dân ở nơi phong tỏa đang rất cần tụi mình, thế là mình xung phong vác bình chạy theo các anh để phun khử khuẩn”, Vy kể.
Kể về công việc mỗi ngày của mình trong đội hình khử khuẩn, Vy cho biết phải có sức khỏe thật tốt, vì phải vác máy khử khuẩn nặng (máy điện từ 30 – 40 kg, máy xăng thì từ 50 – 60 kg), rồi phải di chuyển nhiều trong nắng nóng và cả khi trời mưa.
Yến Vy, cô gái hiếm hoi trong đội hình khử khuẩn lưu động
“Nhiều người hỏi mình máy phun khử khuẩn nặng như vậy mà sao sức con gái vác được? Thật sự thì máy rất nặng, công việc cũng rất nặng nhọc nhưng cái tâm của mình còn nặng hơn. Mình nặng tình với thành phố này, nặng tình với người dân ở đây nên dù công việc có nặng cỡ nào tụi mình cũng cố gắng làm được”, Vy tâm sự.
Vác nặng trên vai cả ngày như vậy làm cho đôi vai của các tình nguyện viên bầm tím và sưng tấy; không những thế, dung dịch ngấm vào da còn gây phỏng và đau rát.
“Dù tụi mình có trang bị đồ bảo hộ cẩn thận, nhưng chỉ để ngăn vi rút, còn dung dịch khử khuẩn này vẫn ngấm vào được. Đeo bình trên vai thì dung dịch rò rỉ ra ngấm vào lưng nên bỏng rát và rất khó chịu. Không những thế, cứ sau khi phun khử khuẩn xong và đi ra khỏi khu vực đó thì tụi mình còn phải tự xịt lên người để giữ an toàn cho bản thân và không lây vi rút cho người dân, nên việc dung dịch ngấm vào da cả ngày như vậy là điều không tránh khỏi. Những ngày đầu, da bầm tím, vai thì đau rát mà tưởng chừng như ngày mai không thể nào vác bình được nữa, nhưng vẫn bất chấp, rồi từ từ cũng quen với cảm giác đau rát đó”, Vy kể.
Dung dịch xộc vào mũi gây choáng và ngất xỉu
Lục Minh Trung, học sinh Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) cũng tham gia đội hình khử khuẩn lưu động khi vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Là con trai nhưng nhiều lúc Trung cũng không chịu thấu tính “khắc nghiệt” của công việc này: “Điều làm tụi mình sợ nhất có lẽ là dung dịch này xộc vào mũi gây choáng và rất dễ ngất xỉu. Vì là dung dịch đặc để khử được vi rút, ngửi từ xa thôi cũng đã khó chịu huống gì là tiếp xúc gần. Có hôm nắng nóng quá, phun xong một chung cư ở Q.5 là 3 bạn đi phun xỉu tại chỗ luôn”.
Đội xe khử khuẩn xuất phát bất cứ lúc nào có nơi cần
Trung kể thêm: “Ngày đầu mới làm công việc này, dung dịch xộc vào mũi rồi choáng muốn té xỉu luôn. Nhưng mỗi lần choáng thì tụi mình chỉ ngồi nghỉ chút xíu rồi đứng dậy để làm tiếp, chứ ngồi nghỉ lâu thì ở ngoài kia biết bao nhiêu người đang chờ đợi tụi mình. Công việc khử khuẩn này như là cấp cứu vậy, phải làm ngay và liền để không lây lan mầm bệnh ra cộng đồng”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/doi-hinh-khu-khuan-mua-dich-da-bong-rat-ngat-xiu-la-chuyen-thuong-tinh-1421718.html