Trong cuộc sống, vẫn luôn có những đứa trẻ bất hạnh, chưa kịp trưởng thành đã mất mẹ thiếu cha. Dẫu vậy, đôi khi họ lại may mắn nhận được yêu thương từ người xa lạ tử tế, giống như câu chuyện về em T.N.T (sống ở phường 7, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Phụ nữ Gia đình đăng tải, T. sinh ra trong một xóm nghèo ở Phú Yên, bố mẹ đều là lao động tay chân. Thế nhưng, cả 2 người đều đã khuất núi do mắc bệnh nặng. Không còn ai bên cạnh, cả T. và anh trai phải bỏ học đi làm thuê ở xưởng kinh doanh nước đá, mỗi ngày được chủ trả cho 30 nghìn đồng.
Nam sinh đỗ đại học nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. (Ảnh: Phụ nữ Gia đình)
Bi kịch chưa dừng lại ở đó bởi vài năm sau khi bố mẹ ra đi, anh trai cũng mắc bệnh nặng rồi không qua khỏi, T. bỗng nhiên trở thành đứa trẻ không nơi nương tựa. Nhìn thấy tương lai mù mịt khi chỉ đi làm thuê cực nhọc, T. mong muốn được đến lớp, nhưng lúc đó em không có tiền. Biết được thông tin ấy, anh Lê Thoại Kỳ đã tìm đến tận xưởng đá, nhận cậu bé mồ côi làm em nuôi rồi hứa cho đi học trở lại.
Năm 2016, T. bắt đầu quay lại trường cũ, được sắp xếp ngồi chung lớp với các em nhỏ hơn 2 tuổi. Trong suốt thời gian đó, anh Kỳ vẫn luôn chăm sóc T. như em ruột. Dẫu có chút ngần ngại nhưng nghĩ đến tương lai và sự tận tâm của anh Kỳ, cậu lại quyết tâm hơn bao giờ hết. Bằng sự nỗ lực của bản thân, vào năm cuối cấp, T. lọt top 5 học sinh giỏi của lớp và trúng tuyển Trường Đại học Luật TP.HCM.
Lòng tốt luôn bắt đầu từ những điều giản dị, giống như tấm lòng của anh Kỳ. (Ảnh: Phụ nữ Gia đình)
“Khi nhận nuôi và chօ tôi đi học lại, anh Kỳ nói rằng sẽ giúp tôi đến hết bậc trung học phổ thông, còn nếu học tiếp lên đại học, cao đẳng thì tôi phải tự đứng trên đôi chân mình. Tôi cũng quyết tâm như thế. Khi vào TP.HCM ổn định việc học, tôi sẽ tìm việc làm thêm để tự trang trải” – T. chia sẻ về dự tính của bản thân trong thời gian tới.
Nghe tin em nuôi đậu đại học, anh Kỳ mừng còn hơn bắt được vàng và hứa rằng sẽ cố gắng mua một chiếc xe máy để T. có phương tiện đi học, mưu sinh. Sự mạnh mẽ của T. và lòng nhân ái từ anh Kỳ khi cưu mang một đứa trẻ khiến nhiều người phải xúc động. Cả hai người đã mang tới thông điệp sống ý nghĩa, giàu lòng tử tế.
Trước đó, VnExpress cũng đưa tin về câu chuyện chủ quán bún bò nuôi 50 “người dưng” ăn học. Cụ thể, ông Lâm Kim Hùng vốn là chủ quán bún bò ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Hơn 20 năm qua, trong quá trình kinh doanh, ông đã tạo điều kiện cho nhiều sinh viên vào làm thêm rồi còn cho tiền, nuôi ăn học.
Chia sẻ trên VnExpress, một người con nuôi của ông Hùng, giờ đã ngoài 40 tuổi nói: “Ba nhận con nuôi đông lắm, tính nên nay phải trên 50 người. Thỉnh thoảng anh em các thế hệ cũng hội ngộ về thăm ba. Ba trở thành người thân của anh em tôi, đám cưới tôi và đám tang bà nội ba đều có mặt cả”.
Ông Hùng hạnh phúc khi nhắc về những người con nuôi thành đạt của mình. (Ảnh: D.P)
Giống như bố ruột của những đứa trẻ nghèo, miễn con thích ăn gì, ông đều cố gắng đáp ứng để chúng vui và thêm ý chí để học hành. Con trai nuôi cưới vợ nhưng nhà nghèo không có tiền tổ chức, ông sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng để phụ một tay. Một trường hợp khác có chí đi du học, ông Hùng cũng giúp đỡ gần 200 triệu đồng. Nhờ sự tử tế đó, đến khi các con nuôi thành đạt, chúng vẫn thường về thăm ông và gửi tiền phụ “bố nuôi” chăm sóc đàn em.
Nói về lòng tốt của bản thân, ông Hùng khiêm tốn đáp: “Nếu đêm về suy nghĩ đến số tiền đã mất, so đo tính toán sợ giúp lầm người thì mình sẽ không thể nào giúp ai khác được nữa. Trời lấy một số tiền này nhưng lại giúp quán bún của tôi đông khách hơn, tôi có thu nhập, tiền tôi có thể kiếm lại được nên không tiếc”.
Sự tốt đẹp của con người đôi khi chỉ cần thể hiện ở những điều giản dị, giống như anh Kỳ hay ông Hùng. Với những câu chuyện trên, bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé!
Nguồn https://www.yan.vn/duoc-hang-xom-nhan-nuoi-nam-sinh-mo-coi-quyet-tam-doi-doi-283563.html?