Lúc đến trường nghe cô giáo nói không thấy con đi học, người mẹ chân tay mềm nhũn vì lo chuyện chẳng lành.
Thật sự nhà nào dạy con gặp cảnh ông bà bênh cháu mới thấu hiểu nỗi khổ “kêu trời không thấu”. Không dạy thì con hư, dạy thì ông bà giận dỗi, mặt nặng mày nhẹ.
Hễ mẹ vừa nhăm nhe cây roi là con chạy đến nấp sau lưng bà, rồi bà lại đứng ra chắn cho cháu. Cuối cùng, mẹ không dạy được con mà con ngày càng nhờn hơn, chẳng sợ mẹ nữa.
Nhà chị V. cũng một phen lao đao vì bà nội bênh cháu. Chỉ vì xót cháu bị mẹ la tội không làm bài tập, bà nội lẳng lặng đưa cháu về quê. Tưởng con bị ai dắt đi mất, cả nhà lo lắng túa đi tìm con.
Ảnh: Sohu
Chị V. ở Hàng Châu, Trung Quốc, sáng sớm ra phát hiện con quên không mang sách vở đi học. Chị vội mang đến trường cho con. Nhưng khi gặp cô giáo, chị như muốn gục ngã.
Cô giáo thông báo sáng nay con trai chị không hề đến trường, cô giáo gọi cho chị mãi không thấy bắt máy. Chị V. cố bình tĩnh, nhanh chóng gọi vào đồng hồ định vị của con trai nhưng không có ai trả lời.
Chị gọi cho mẹ chồng nhưng cũng không trả lời. Bình thường mẹ chồng là người đưa con chị đi học. Sao sáng nay lại không đưa con đến trường, tại sao già trẻ lớn bé không ai nghe máy.
Chẳng lẽ giữa đường xảy ra chuyện gì, nghĩ tới đây chị V. rơi nước mắt. Chị liền định vị đồng hồ của con trai, phát hiện nó đang ở ga xe lửa. Lúc này chị vẫn nghĩ con gặp chuyện, dâu có ngờ mẹ chồng lẳng lặng đưa cháu về quê.
Giáo viên ở trường nhanh chóng gọi cảnh sát hỗ trợ. Lập tức báo động đến ga tàu tình hình hiện tại. Lúc này, cả nhà chị V. cũng túa đến ga tàu để đi tìm con. Cảnh sát khuyên họ bình tĩnh, cung cấp ảnh của hai người để phát đi tìm kiếm.
Hai bà cháu bị phát hiện thông qua camera an ninh. Ảnh: Sohu
Suốt dọc đường, chị V. liên tục gọi vào đồng hồ của con để xác định vị trí mới nhất nhưng liên tục bị tắt máy. Sau đó, cảnh sát đã gặp gia đình chị V. ở ga tàu lửa.
Chị mô tả với cảnh sát con chị 8 tuổi, học tiểu học. Mỗi sáng bà nội là người đưa cháu đi học, giờ cả bà cũng không liên lạc được. Cảnh sát hỏi chị V.: “Có mâu thuẫn trong gia đình không? Có khi nào bà dắt cháu bỏ nhà đi không?”.
Chị V. kể có thể do hôm qua, chị phát hiện con không làm bài tập cô giáo giao cho, kết quả bị điểm kém. Chị tức giận nên có mắng con vài câu và nẹt roi mấy cái.
Mẹ chồng có mặt lúc đó có tới khuyên chị, nhìn mặt bà xót cháu lắm. Nhưng chị không tin chuyện mẹ chồng dẫn con bỏ đi. “Con trai tôi đi học vào buổi sáng. Tôi thấy cháu khá ngoan. Không có gì bất thường”, chị kể thêm với cảnh sát.
Sau một hồi tìm kiếm, phát hiện bà đã mua vé về quê ở Giang Tây. Nhưng mọi người đi tìm khắp nơi không thấy bóng dáng bà cháu. Thì ra vào giờ trưa nên bà dẫn cháu ra trung tâm thương mại gần đó ăn cơm.
Hai bà cháu đang vào ga tàu, bé trai mặc áo trắng, bà mặc áo hoa đi phía sau. Ảnh: Sohu
May mắn, cảnh sát đã kịp tìm thấy hai bà cháu trước khi họ lên tàu thông qua camera. Lúc gặp mặt nhau, bà nói thẳng là không muốn cho đứa cháu đến trường nữa.
Bà muốn mang cháu về quê cho cháu chơi thư giãn ít hôm. Nhưng vì giận nên không báo với con trai và con dâu. Đứa bé tỏ ra rất vui khi nghe bà nói về quê chơi, còn bảo mẹ dữ quá, ở với bà thích hơn.
Cuối cùng thì cả bà lẫn cháu đều phải quay lại nhà, hôm sau bé trai vẫn phải đến trường. Cũng may hai bà cháu an toàn, nhưng cả nhà thì một phen hú vía. Cảnh sát cũng chỉ biết lắc đầu với gia đình này.
Họ được khuyên về sau dạy con cháu nên có sự bàn bạc, người già cũng đừng tự ý dắt cháu bỏ đi nữa. Nhưng làm sao đảm bảo sẽ không có chuyện này xảy ra?
Qua một phen bủn rủn tay chân vì bà nội đưa cháu về quê, chị V. quyết định từ đây về sau không nổi giận với con trước mặt mẹ chồng nữa. Nhưng liệu đây có phải cách hay, rồi đứa trẻ sẽ mượn uy bà đến mức nào nữa?
Phụ huynh nào có kinh nghiệm về chuyện dạy con khi ông bà bênh cháu thì hoan nghênh chia sẻ với mọi người. Để mẹ nào gặp cảnh khó như chị V. sẽ nhanh tìm được cách tháo gỡ.
Thông tin tham khảo Sohu
Webtretho