Trong đợt dịch mới bùng phát, từ ngày 29/4 đến 6h ngày 8/5, Bắc Ninh ghi nhận tổng cộng 46 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Thông tin được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh báo cáo trong cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vào sáng 8/5.
Riêng trong ngày 7/5, địa phương này ghi nhận 31 ca dương tính với SARS-CoV-2, 14 trường hợp đã được Bộ Y tế công bố trước đó. Hiện 3 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), 43 người còn lại ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 904 trường hợp tiếp xúc gần (F1) và 1.941 F2, trong đó, 1.155 mẫu đang chờ kết quả.
Địa phương này cũng đang thần tốc truy vết những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
Theo kế hoạch, Bắc Ninh sẵn sàng điều trị các bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ở mức độ nhẹ tại Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần và các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh.
Hải Phòng phong tỏa 2 thôn vì ca dương tính nCoV liên quan Bệnh viện K.
Sáng 8/5, ông Lương Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cho biết địa phương đã khoanh vùng, phong tỏa 2 thôn tại xã Tiên Thắng liên quan lịch trình ca dương tính SARS-CoV-2. Người bệnh là ông P.V.T. (54 tuổi, trú khu 6, Lộc Trù, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng).
Kết quả điều tra dịch tễ xác định từ ngày 28/4 đến 4/5, ông T. đi chăm sóc vợ là bà N.T.B. tại phòng 712, tầng 7, khoa Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện K (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Ngày 4/5, ông P.V.T. đón xe của nhà xe Bích Đoàn tại cửa Bệnh viện K3 Hà Nội về nhà tại xã Tiến Thắng. Về nhà, ông T. tiếp xúc với hơn 20 người thân và một số hàng xóm.
Ngày 5/5, ông lái xe máy lên Khoa Nhiệt đới – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp gặp bác sĩ sau đó trở về. Trưa cùng ngày, ông ăn cơm cùng 8 người thân trong gia đình. Đến chiều, ông gặp và tiếp xúc với con và nhiều người quen.
Ngày 6/5, ông đi phụ xây tại xã Toàn Thắng, có tiếp xúc với nhiều người. Sáng 7/5, ông này đi chợ. Trưa cùng ngày, ông đi khai báo y tế và được đưa đi cách ly tập trung.
Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã phun khử khuẩn diện rộng tại các hộ gia đình có F1 liên quan. Qua truy vết xác định sơ bộ có 54 trường hợp F1, hơn 100 trường hợp F2 liên quan.
Kết quả xét nghiệm lần 1 xác định ông P.V.T. dương tính với SARS-CoV-2. Vợ ông và những người thuộc diện F1, F2 âm tính. Huyện Tiên Lãng đã cho toàn bộ học sinh, các cơ sở giáo dục tại xã Tiên Thắng được nghỉ học, các khu chợ dân sinh tạm thời dừng hoạt động.
‘Dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào’
Trong buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, với bất cứ người nào. Do đó, ông kêu gọi đồng bào cả nước, trong đó có cử tri Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh có biên giới với Campuchia, nêu cao cảnh giác. Chống hai khuynh hướng là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Ông nhấn mạnh đây là lúc cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế, quy định của Đảng, Nhà nước, các địa phương cần chủ động phòng chống dịch để giữ ổn định chính trị, an ninh trật tự, an dân, an toàn, an ninh.
Chính phủ cũng đang chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, lấy tấn công là chính để đẩy lùi đại dịch. Cụ thể, tư tưởng vẫn là phải phòng bệnh, đề phòng, Lấy phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống là thường xuyên, đột xuất, vào cuộc quyết liệt.
“Theo thống kê của các nhà khoa học, cứ 10 người vào viện điều trị trên một triệu dân thì được coi là nước có dịch. Việt Nam chưa tới mức độ như vậy nhưng nếu cứ lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, không tự giác thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng có dịch, phải giãn cách xã hội thì rất nguy hiểm”, Thủ tướng nhận định.
Hà Nội cần cách ly y tế ở những vị trí trọng yếu
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Bến Tre), cho biết việc phong tỏa, giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh là biện pháp quan trọng và cần thiết.
“Trong đợt dịch đang bùng phát tại TP. Hà Nội, để cân nhắc giải pháp giãn cách xã hội, chúng ta cần làm rõ mục đích là phong tỏa ở đâu, phong tỏa như thế nào. Tôi cho rằng giải pháp khoanh vùng hợp lý là cách ly y tế ở vị trí trọng yếu, từng khu vực nhỏ chứ không cần thiết phong tỏa hay giãn cách xã hội toàn thành phố. Đặc biệt, việc giãn cách tại Hà Nội cần cân nhắc hết sức đặc biệt”, ông Nhưỡng nói.
Theo vị đại biểu này, chúng ta có thể cân nhắc giãn cách theo từng khu vực, địa phương để các cơ quan truy vết, khoanh vùng địa điểm nguy cơ. Chúng ta không nên giãn cách cực đoan và thụ động mà cân nhắc mức độ lây nhiễm, khả năng y tế của từng địa phương, cách ly y tế trong không gian hẹp và thời gian ngắn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng bên cạnh việc khoanh vùng toàn bộ khu vực nguy cơ tại các bệnh viện, xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế là giải pháp cấp thiết. Đặc biệt, các bệnh viện cần rà soát và sớm tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Các bệnh viện lớn tại Hà Nội lúc này cần nâng mức độ phòng dịch, trong đó có các cơ sở đầu ngành như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương… Ngoài ra, khi dịch xâm nhập, các bệnh viện cần nhanh chóng sàng lọc khoa, phòng có bệnh nhân nặng, chuyển họ đến khu vực an toàn.
Liên quan sự việc lây nhiễm tại nhiều bệnh viện lớn, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh không thể không bàn đến trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện. Khi đơn vị xảy ra sự việc nghiêm trọng, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm chung.
Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng đối với việc lây nhiễm dịch bệnh, việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu rất khó.
“Có những trường hợp lãnh đạo đã chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp để phòng, chống dịch nhưng bản thân nhân viên, người dân không chấp hành, bỏ trốn. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà chúng ta xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Người ở bộ phận nào không thực hiện tốt thì có hình thức truy cứu trách nhiệm cụ thể”, vị đại biểu quốc hội này cho biết.
Theo: Zing